(Baonghean) -Từ ngày 14 - 16/4/2013, người dân trên khắp đất nước Lào lại tưng bừng đón Tết Bunpimay với lễ hội được coi là lớn nhất trên xứ sở của những ngôi chùa. Gắn với lễ hội mừng một năm mới theo Phật lịch này, là hình ảnh hoa Dockhun và nước, hai biểu tượng của sự may mắn, an lành trong tâm thức người Lào.
Có mặt tại Viêng-Chăn vào những ngày này, người ta không thấy hình ảnh của những chiếc xe tuk-tuk chở khách, cũng không thấy khung cảnh yên bình của những đường phố rộng rãi ở thủ đô nước Lào, mà thay vào đó là không khí tưng bừng của lễ hội té nước của tết Bunpimay. Khắp nơi, trên mọi ngả đường của Thủ đô Viêng - Chăn, người dân tập trung thành từng nhóm đứng hai bên đường bật nhạc và nhảy múa; dội nước lên người nhau để thay cho những lời chúc mừng năm mới may mắn và hạnh phúc.
Anh Bansa Phomduansy, một người dân ở quận Chantabuly cho biết: “Chúng tôi dội nước trên đầu những người thanh niên để chúc năm mới gặp nhiều may mắn, dội nước sau lưng người lớn tuổi để chúc sức khỏe và tuổi thọ… Mỗi người khi được nhận nước từ người khác đều vui vẻ, chắp tay và nói khop-chay, khop-chay (cảm ơn - PV)”. Trong quan niệm của người Lào, nước cũng có thể gột rửa hết những dư âm của năm cũ để bắt đầu một năm mới, chính vì thế, ở những buôn bản nằm bên dòng sông thường tổ chức đón Tết cùng nhau ngay tại bờ sông. Ở bản Phôn Hồng, cách Thủ đô Viêng Chăn gần 80km, hàng trăm người dân trong bản và khách các vùng lân cận cùng nhau tụ tập hát múa và chơi các trò chơi dân gian, sau đó lội xuống dòng sông Nậm Ngừm để tắm mát và lên bờ cùng múa điệu lăm-vông. Người Lào có thể múa điệu lăm-vông dưới những chiếc vòi phun nước cả mấy tiếng đồng hồ, từ ngày này qua ngày khác, cùng với tiếng nhạc, nước như hòa vào thành vũ điệu mang niềm vui, hạnh phúc của ngày Tết Bunpimay ở Lào.
Người dân Lào nô nức lên chùa “tắm tượng Phật” dịp Tết Bunpimay.
Màu sắc nổi bật nhất trong những ngày Tết Bunpimay là màu vàng của hoa Dockhun, loài hoa mang biểu tượng của sự sung túc, ấm no trong quan niệm người Lào. Dockhun là loại hoa nở rộ vào những ngày tháng Tư mà ở Việt Nam thường gọi là hoa muồng. Những chùm hoa có năm cánh màu vàng, được người dân hái để treo trước nhà, treo trên gương ô tô, xe máy… Loài hoa có màu sắc rực rỡ này cũng được tặng nhau thay cho lời chúc năm mới đủ đầy, no ấm…
Dockhun cũng là một loài hoa mang nét tâm linh trong quan niệm của người Lào. Suốt ba ngày Tết, người dân Lào ngắt hoa Dockhun hòa với nước thơm, đưa lên chùa để làm nghi thức tắm cho tượng Phật. Hoa Dockhun sau khi hòa vào nước thơm, người ta giữ lại một cành hoa rồi mang nước lên chùa, vảy vào những bức tượng Phật trong chùa, lấy nước chảy xuống thấm lên đầu và lên mặt như xin những điều an lành, hạnh phúc. Lào là xứ sở của chùa chiền với hơn 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, những người dân gốc ở Lào thường là theo đạo Phật, nên quan niệm những ngày đầu năm mới phải đi ít nhất từ 7 – 9 ngôi chùa thì mới mong sang năm mới gặp nhiều điều may mắn.
Tại chùa That Luang, một trong những ngôi chùa lớn nhất Thủ đô Viêng- Chăn mỗi ngày đón hàng vạn người dân vào thực hiện phong tục tắm tượng Phật bằng nước thơm và hoa Dockhun. Sau đó mỗi người đều gặp các Phạ (sư thầy) để xin những sợi chỉ buộc ở tay như là chiếc bùa để xua đi những điều không may mắn trong năm cũ và giữ được sức khỏe trong năm mới. Bà Bounlay Oudala gặp chúng tôi tại chùa That Luang, bà nói: “Năm nào cả gia đình tôi cũng đi chùa That Luang vào dịp năm mới này. Con cháu và ông bà, bố mẹ đều cầu xin cho gia đình được an lành trong năm mới. Rồi đây chúng tôi sẽ qua những ngôi chùa khác để cầu an, tôi tin đức Phật sẽ mang đến mọi sự tốt lành cho gia đình mình và những người xung quanh”.
Người Lào đón Tết Bunpimay với những phong tục, tập quán mang đậm dấu ấn của xứ sở của những ngôi chùa, ở đó có niềm tin tâm linh được gắn với nhiều thế hệ người dân Lào từ bao đời nay. Người Việt Nam sống ở Lào cũng như hòa chung không khí của dân bản xứ, cùng nhau đón Tết Bunpimay theo phong tục, tập quán của những người bạn láng giềng thân thuộc. Những ngày Tết ở lào, các khu phố có nhiều người Việt sinh sống như Dongpalan, Nasay, Sailom, Phonpanau… không khí đón Tết Lào cũng tưng bừng không kém. Người dân Việt Nam hòa chung không khí của lễ hội té nước với người dân Lào, ăn các món ăn cổ truyền và đi lễ chùa cùng những người dân Lào.