(Baonghean) - Xin giấy phép để xây dựng nhà máy sản xuất giấy vệ sinh cao cấp nhưng toàn bộ xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Hiền (Khu công nghiệp Hưng Lộc - TP. Vinh) chẳng khác nào một bãi rác khổng lồ. Nơi đây, một năm hơn 100 tấn giấy vệ sinh được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường…
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Hiền ở khu công nghiệp Hưng Lộc (TP. Vinh) quanh năm “cửa đóng then cài”. Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể “đột nhập” vào trong và đập vào mắt chúng tôi là vô vàn các loại giấy thải từ khắp nơi được gom về. Có đủ các loại giấy, để bừa bãi, ngổn ngang từ sân vào nhà.
Ông Hồ Anh Hiền, Giám đốc công ty dẫn chúng tôi vào trong rồi cứ thế đi dép “vô tư” dẫm lên chồng giấy và nói: Từng này giấy đủ để nhà máy chúng tôi sản xuất trong 3 tháng. Tại khu vực kho, một nhóm người thay nhau khiêng củi vào trong lò đốt, kề bên là một vũng nước đen sì, giấy, củi, ngổn ngang, trông rất bẩn thỉu. Ở khu vực nhà xưởng, đủ loại rác thải, giấy vệ sinh, giấy đã được cắt xén để ngổn ngang. Chính giữa nhà xưởng là 4, 5 cuộn giấy đã sản xuất xong nhưng chưa cắt xén nằm vắt vẻo giữa nền đất lầy lội. Trong góc nhà 3-4 công nhân nữ đang ngồi xén giấy thành từng xập vuông. Cầm lên, thấy trên đó có đề nhãn hiệu: “Giấy khăn ăn, sản phẩm mới chất lượng cao Huy Hoàng 9999”. Kề đó, có rất nhiều loại giấy ăn, bỉm trẻ con khác được đóng dưới dạng giấy cuộn với các thương hiệu như Wet Sulk… Thắc mắc, có phải đây là giấy “nhái” thương hiệu Wetter Silk, ông Hiền cho biết: “Đây là sản phẩm nơi khác sản xuất, chúng tôi lấy thêm về bán lại cho khách”.
Qua tìm hiểu tại 3 đơn vị là Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Công Thương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An không thấy cơ sở sản xuất giấy của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Hiền (Khu công nghiệp Hưng Lộc) đăng ký về tiêu chuẩn. Trao đổi với chúng tôi, bà Từ Thị Như Quỳnh, Phó phòng Hỏi đáp hàng rào kỹ thuật (phòng TBT) – Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: “Nếu theo đúng thủ tục, đơn vị sản xuất phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, phiếu thử nghiệm kết quả và 3 năm phải công bố lại một lần. Nhưng hiện tại ở chi cục chưa có một đơn vị sản xuất giấy nào trên địa bàn tỉnh đăng ký công bố hợp chuẩn theo như quy định”.
Chưa biết chất lượng như thế nào, nhưng việc xí nghiệp này gây ô nhiễm môi trường đã được người dân xóm Mỹ Hạ (xã Hưng Lộc) phản ánh nhiều. Ông Trần Văn Tam, người dân xóm Mỹ Hạ, than thở: “Từ khi Nhà máy Hải Hiền và một số nhà máy khác trong khu công nghiệp đi vào sản xuất, người dân chúng tôi không tài nào thở nổi. Khổ nhất là 2 ống khói của Công ty Hải Hiền, chẳng biết họ đốt cái gì mà khói tỏa ra bốc mùi hóa chất nồng nặc. Bà nhà tôi bị suy tim độ 4 cứ khi nào nhà máy đốt là phải chạy đi ở nơi khác, khi ngủ phải đắp khăn ướt lên mặt. Tôi đã phải đóng thêm một tấm bạt che kín các cửa sổ để ngăn khói nhưng không ăn thua”.
Đối diện với Công ty Hải Hiền là đơn vị bộ đội thuộc Kho Hậu cần tổng hợp K55. Trung tá Nguyễn Thế Đài, Chính trị viên phó của đơn vị bức xúc: “Khói bay nhiều và bốc mùi nồng nặc, nhất là khi có gió tây nam. Hôm nào đốt nhiều, khói đen kịt, cây cối hư hại hết. Đơn vị đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết”. Dẫn chúng tôi đi quanh khu vực nhà máy, ông Lê Duy Thái, xóm trưởng xóm Mỹ Hạ cho biết: “Khu công nghiệp xây gần chục năm rồi nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, tất cả đều chảy thẳng ra đồng gây thiệt hại lúa và hoa màu của bà con trong xóm. Hầu như năm nào nông dân trong xóm cũng thống kê thiệt hại gửi lên xã để báo cáo. Trước đó, thành phố xây dựng bể xử lý nhưng xây xong rồi để đó làm nơi cho người dân thả cá”.
Làm việc với Phòng Môi trường thành phố, ông Lê Minh Tuấn cho biết: “Việc người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp nhỏ Hưng Lộc thời gian qua là có thật. Riêng với Công ty Hải Hiền, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, của UBND tỉnh cũng đã nhiều lần kiểm tra và lần nào cũng phát hiện sai phạm về ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, ngày 5/11/2010, Kết luận số 39/KL.UBND Thành phố Vinh chỉ rõ: “Công ty bố trí dây chuyền sản xuất trong xưởng khép kín, nước thải công nghiệp phát sinh được thu gom qua 1 ao và 1 hố trong khuôn viên của công ty, không được xử lý và có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nước thải trong ao không được xử lý và chảy thẳng ra hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp Hưng Lộc. Kết quả quan trắc cho thấy một số tiêu chỉ tiêu (SO2, bụi khói, SS. COD) vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra “nước thải công nghiệp chưa được xử lý theo đúng nội dung đã đăng ký tại bản cam kết bảo vệ môi trường; khí thải lò đốt củi chưa được xử lý đáp ứng yêu cầu quy chuẩn môi trường hiện hành, chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất theo quy định, vẫn còn tình trạng rác thải đổ bừa bãi trong khuôn viên, không được thu gom theo quy định”. Mặc dù đoàn kiểm tra của thành phố đã yêu cầu công ty “xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải lập thủ tục xin cấp phép khai thác nước thải, đăng ký chủ thải và vệ sinh thường xuyên trước ngày 31/12/2010” nhưng nửa năm sau đoàn thanh tra của UBND tỉnh đến kiểm tra nhiều nội dung vẫn chưa thực hiện.
Theo Kết luận kiểm tra số 1553/KL – TNMT.KT ngày 13/6/2011 cho thấy: “Công ty chưa thực hiện quan trắc giám sát chất lượng môi trường định kỳ từ năm 2009, khí thải phát sinh từ lò hơi dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh, việc thu gom và quản lý chất thải rắn còn hạn chế, còn để bừa bãi không theo quy định. Chất thải nguy hại: cơ sở chưa thực hiện thu gom và quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Mẫu nước lấy tại mương thoát nước trước khi thải ra ngoài có thông số BOD5 vượt 1,96 lần. Công ty chưa thực hiện đủ các yêu cầu kiểm tra theo Quyết định 3833/QQĐ – UBND ngày 12/8/2010. Từ năm 2012 đến nay, theo ông Lê Minh Tuấn thì thành phố chưa có điều kiện kiểm tra.
Trước những phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc làm rõ mức độ ô nhiễm và kiên quyết xử lý.
P.V