(Baonghean) - Thời đại đá mới có niên đại cách ngày nay từ 16.000 năm đến 3.500 năm. Thời đại đá mới ở Việt Nam được chia ra các giai đoạn: sơ kỳ, trung kỳ và hậu kỳ. Trên đất Nghệ An, đã phát hiện rất nhiều di tích thuộc các giai đoạn của thời đại đá mới, từ sơ kỳ là văn hóa Hòa Bình đến trung kỳ là văn hóa Quỳnh Văn và hậu kỳ là văn hóa Bàu Tró.
Giai đoạn sơ kỳ - văn hóa Hòa Bình gồm các di tích: hang động trong các dãy đá vôi thuộc 7 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu (hang Bản Xàng, xã Châu Bính), Tương Dương (5 hang ở bản Xiềng Lâm, xã Tam Thái, 6 hang ở xã Hữu Khuông), Quỳ Hợp (hang Piếng Pò ở xã Liên Hợp), Con Cuông (hang Thẩm Hoi, hang Nà Thắm, hang Thẩm Thắm Linh), Tân Kỳ (hang Chùa), Anh Sơn (hang Đồng Trương).
Đến giai đoạn trung kỳ: Một nhóm cư dân văn hóa Hòa Bình rời các hang động theo các triền sông suối tiến dần ra khai thác vùng đồng bằng ven biển cổ Quỳnh Lưu, lập nên một văn hóa độc đáo – văn hóa Quỳnh Văn với loại hình di tích cồn sò điệp.
Giai đoạn hậu kỳ thời đại đá mới: văn hóa Bàu Tró ở Nghệ An không chỉ phân bố ở đồng bằng ven biển như ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn... mà còn phân bố ở một số hang động thuộc miền Tây Nghệ An. Các bộ lạc hậu kỳ đá mới vẫn tiếp tục sống trong các hang động của các dãy núi đá vôi ở Quế Phong (hang Ké Tiên, Ké Thắm và mái đá bản Pun), Quỳ Châu (hang Thẩm Mé Muôn, Thẩm Pông, Thẩm Ké Sang ở xã Châu Bình), Quỳ Hợp (hang Hồng Còn ở xã Châu Cường, hang Piếng Pò ở xã Liên Hợp)...
Điểm qua một số di tích tiêu biểu để thấy được vào thời đại đá mới, người Việt cổ ở Nghệ An đã sinh sống và làm nên nền văn hóa của riêng mình.
Di tích hang Thẩm Hoi: Di chỉ hang Thẩm Hoi (tức hang Ốc) thuộc xã Yên Khê, huyện Con Cuông, được phát hiện năm 1967, khai quật năm 1972 do Viện Khảo cổ học tiến hành. Hang có hình gần nửa vòng tròn, cửa hang hướng Tây, bị chắn ở đoạn giữa bởi nhiều tảng đá lớn nằm chồng lên nhau và ăn sâu vào trong hang tạo thành bình phong tự nhiên che gió mưa làm cho việc cư trú trong hang được thuận lợi. Hiện vật thu được gồm đồ đá, đồ gốm và mộ táng.
Di tích hang Chùa:Di chỉ hang Chùa (Lèn Rỏi) thuộc xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ. Hang cách núi Rỏi khoảng 50m, gần sông Con, lòng hang rộng khoảng 30m2, tầng văn hóa dày 1,5m, được Viện Khảo cổ học khai quật năm 1972. Hiện vật thu được gồm rìu, công cụ chặt thô, công cụ nạo, công cụ chặt nạo, chày nghiền, hòn nghiền, dao đá,... đều được chế chế tác từ đá cuội.
Di tích hang Đồng Trương: Di chỉ hang Đồng Trương thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Được phát hiện năm 1998, đào thám sát năm 2000, khai quật năm 2004, diện tích khai quật 40m2. Hang hàm ếch, ăn sâu vào vách chân núi đá vôi, nền hang rộng hơn 100m2, cao hơn mặt đất 4m. Trong đợt khai quật năm 2004, thu được 1.173 di vật đá, trong đó có: 155 công cụ chủ yếu là công cụ ghè đẽo, 660 mảnh tước, 358 nguyên phế liệu. Mộ táng cũng tìm thấy ở lớp dưới thuộc văn hóa Hòa Bình.
Di tích văn hóa Quỳnh Văn:Văn hóa Quỳnh Văn có niên đại cách ngày nay từ 6.000 năm đến 3.500 năm. Di chỉ được phát hiện đầu tiên ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Cho đến nay đã phát hiện được 21 địa điểm văn hóa Quỳnh Văn phân bố trên 11 xã của huyện Quỳnh Lưu. Đặc điểm của các di tích thuộc văn hóa Quỳnh Văn là di tích Cồn sò điệp ven biển, dày 5-6m, diện tích rộng, cách biển khoảng 1km - 10 km. Hiện vật đá thuộc văn hóa Quỳnh Văn làm từ đá gốc bazan, được chế tác thô sơ, ghè đẽo đơn giản, ít về số lượng, nghèo về loại hình, ít những công cụ được mài.
Di tích Trại Ổi: Di chỉ Trại Ổi thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, được biết đến bởi nhà khảo cổ học người Pháp Cô-la-ni năm 1938, đào thám sát năm 1974, tiến hành khai quật năm 1975. Hiện vật thu được gồm đồ đá, đồ xương và đồ gốm. Đặc trưng hiện vật của di chỉ Trại Ổi là rìu có vai được mài toàn thân và đồ gốm tô thổ hoàng.
Di tích lèn Hang Thờ: Di chỉ lèn Hang Thờ thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, gần di chỉ Trại Ổi. Năm 1975, trong lúc khai quật di chỉ Trại Ổi các nhà khảo cổ học đã thu lượm được ở di chỉ lèn Hang Thờ một số công cụ đá, đồ gốm và một ngôi mộ. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học khẳng định đây là di chỉ Cồn sò điệp, không tìm thấy công cụ mài và ghè đẽo, chỉ tìm thấy hòn kê, hòn ghè, chày.
Nhìn chung, trải qua một thời đại đá mới, người Việt cổ đã để lại trên mảnh đất Nghệ An nhiều di sản văn hóa. Những di sản đó không những góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử Nghệ An, mà còn góp phần soi sáng nhiều vấn đề của lịch sử dân tộc. Thế hệ chúng ta hôm nay hãy suy nghĩ và bằng hành động của mình góp phần bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa mà tổ tiên ta để lại.
Nguyễn Thị Mai