Anh Đinh Nho Liêm, nguyên TBT báo Nghệ Tĩnh và Hà Tĩnh, nhà báo với bút danh Minh Nho, gần 50 năm gắn bó cùng bạn đọc đã về cõi vĩnh hằng!
Dù không còn trên cuộc đời này, song những câu thơ lắng đọng tình người xứ Nghệ, 15 năm gắn bó bên nhau một thời chung tỉnh trong bài thơ nổi tiếng của anh: “ Mai em về Hà Tĩnh” vẫn sống mãi với thời gian.
Anh em chúng tôi, những đồng nghiệp từng nhiều năm cùng mái nhà chung báo Nghệ Tĩnh rồi Hà Tĩnh, tuy tuổi đời, tuổi nghề có khác nhau, song dấu ấn về TBT Đinh Nho Liêm thì hoàn toàn chỉ một. Đó là một huynh trưởng đôn hậu, nhân từ, sống giản dị, hòa đồng với mọi người; một thủ lĩnh báo chí đầy bản lĩnh, quyết tâm đeo đuổi đến cùng những vấn đề nóng bỏng của xã hội; một nhà báo gắn bó đời mình với nghiệp, với nghề cho đến phút chót.
Nhà báo, nhà thơ Minh Nho và người bạn đời của mình
Xuất thân, anh không phải người làm báo, nhưng chính nghề báo đã khẳng định nên tên tuổi, cốt cách của cây bút Minh Nho. Từ một nhà giáo, anh được chuyển sang làm báo cũng khá bất ngờ. Năm 1962, báo Hà Tĩnh cần phóng viên, TBT Võ Trọng Cúc đã để ý đến CTV mang bút danh Minh Nho và xin Tỉnh ủy điều anh về làm báo.
Gắn bó với cơ sở, quan tâm tới mọi người, đi nhiều, biết nhiều, anh đã cho ra đời hàng ngàn bài viết tràn đầy hơi thở cuộc sống. Anh viết nhiều thể loại, song nhiều nhất và có lẽ thành công nhất là thể ghi chép, phản ánh. Bởi cuộc sống bao giờ cũng cần tôn vinh cái đẹp, và chính cái đẹp như ai đó đã nói là “cứu rỗi thế giới”. Quê hương sau cuộc chiến 9 năm, cả nước lên đường đánh Mỹ, rồi hòa bình, xây dựng, đổi mới, hội nhập, có biết bao hành động đáng tụng ca, bao tấm gương cao đẹp cần nhân rộng. Thế là có một nhà báo mang tên Minh Nho với cây bút, cuốn sổ tay, chiếc máy ảnh khoác chéo bên người, hăm hở đạp xe đến tận nơi lấy tài liệu, chụp ảnh, viết bài để cổ vũ, giới thiệu với độc giả.
Chính thế mạnh của loại gương điển hình, với cách thể hiện “thang ngược”, “thang xuôi” của giáo trình báo chí, anh đã đưa đến cho bạn đọc những tác phẩm khó quên. Cho đến sau này, khi đã ở cái tuổi xấp xỉ 80, anh vẫn cư âm thầm xăng xái với những chuyến đi, xăng xái kiếm tìm những người tốt việc tốt để đăng lên mặt báo. Hình ảnh nhà báo lão thành Minh Nho ngồi đánh vật với từng con chữ trên chiếc máy vi tính cũ kỹ trong ngày hè nóng như đổ lửa, hằn sâu vào tâm khảm của nhiều người. Minh Nho viết như một yêu cầu tự thân, một sự trả nợ đời, và những ngày tháng gần đây, như là sự tranh chấp với thời gian, cuộc sống.
Không phải sau này khi đời sống cả xã hội đã khác xưa, mà kể cả những năm tháng bao cấp thiếu thốn đủ bề, anh vẫn sống yều đời, lạc quan, không vụ lợi. Anh thường phàn nàn, không vui với chúng tôi về tình trạng một số ít đồng nghiệp nhưng không đồng chí, đồng lòng, tuổi còn trẻ mà chẳng lo tu nghiệp, tu tâm, chỉ chạy theo vun vén cá nhân, bẻ cong ngòi bút. Anh cho rằng “mọi chức tước, quyền hành rồi cũng qua đi, chỉ có tình người là mãi mãi”. Vì thế khi còn là một TBT, một Tỉnh ủy viên, hoặc “ hoàn dân” về với đời thường, anh vẫn giữ trọn tình nghĩa thủy chung, nồng ấm với mọi người. Nghe tin bạn bè, đồng nghiệp ốm đau, gặp chuyện rủi ro anh có mặt ngay để an ủi, động viên; mỗi dịp tết đến, xuân về, anh đánh xe đến tận từng nhà ân cần chúc mừng, thăm hỏi. Tôi thật sự xúc động, khi cách đây vài tháng nghe tiếng anh hổn hển trong điện thoại di động nói rằng: “ Hiển thông cảm cho mình. Nghe cậu đi mổ mật về mà mình đau yếu quá không đến thăm được. Cố gắng ăn uống để chóng khỏe mà tiếp tục sự nghiệp Hiển nhé!”.
Lại nhớ về một kỷ niệm cách đây gần 20 năm. Đó là những năm đầu, anh em báo Hà Tĩnh trở về thị xã với một hành trang… toàn báo. Anh Liêm bàn với chi ủy và công đoàn cố gắng tìm mua cho mỗi người một suất đất để “an cư”. Vì không có tiền nên có mấy anh em phải liên hệ đất ở tận Thạch Hạ, tuy xa một chút nhưng được cái là giá rẻ hơn nhiều. Đúng ngày xã thu tiền, chỉ đất thì có người phải về quê ăn tết. Không liên lạc được với nhau để báo tin, nhưng không thể để anh em mất cơ hội có đất ở, anh Liêm bàn với chị Nghĩa –vợ anh, tìm cách giúp đỡ. Tuy TBT thời đó cũng chẳng khá giả gì hơn cánh phóng viên, nhưng anh chị vẫn cố chạy bằng được mấy suất tiền để nạp cho xã. Sau tết, vào cơ quan, cầm cái giấy thu tiền đất cuả UBND xã Thạch Hạ (Thạch Hà) anh đưa lại cho, anh em mừng đến chảy nước mắt. Anh cười: “Kể ra tết nhất đến nơi, mấy triệu bạc cũng rát thật. Nhưng nghe mình bàn là bà Nghĩa hăng hái lo giúp ngay. Bởi lỡ dịp này, sợ các cậu không có nhà thì tội”. Tính anh là như thế. Giúp được ai điều gì dù khó đến mấy anh cũng không chối từ. Đã có không ít bạn đọc nhờ những bài báo của anh mà tháo gỡ được nhiều khúc mắc, oan khiên, từ đó đi lại với anh như những người anh em ruột thịt.
Mọi người còn nhớ, thời điểm tách tỉnh đầy thiếu thốn, khó khăn, trong lúc nhiều người còn lo vun vén cái chức, cái quyền cho bản thân, thì anh Liêm lại chúi đầu vào lo số báo đầu tiên ngày về tỉnh mới. Với cương vị chủ trì của tờ báo Nghệ Tĩnh, nhưng khi phân chia tài sản anh vẫn thực thi một cách công bằng, nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của trên, mặc dù biết rằng người ra đi sẽ khó khăn gấp bội phần người ở lại. Họp cấp ủy, cơ quan anh thường dặn đi dặn lại: 15 năm nhập tỉnh, cái nghĩa cái tình Nghệ - Tĩnh lớn lắm, quý hóa lắm. Nhờ chung sức chung lòng, chúng ta đã làm được rất nhiều việc lớn. Dù chia tỉnh nhưng không chia tình. Đừng vì những sự đố kỵ, nhỏ nhen mà làm mất đi truyền thống thủy chung trước sau ngàn đời cuả người xứ Nghệ. Bài thơ “ Mai em về Hà Tĩnh” của anh ra đời trong bối cảnh và sự suy nghĩ đó. Được nhac sĩ tài hoa Trần Hoàn phổ nhạc, bài thơ rồi bài hát “ Mai em về Hà Tĩnh” đã trở nên phổ biến, được cất lên trong các buổi sinh hoạt quần chúng ở cả làng quê Nghệ An và Hà Tĩnh một thời.
Bài thơ cuối cùng in Báo Hà Tĩnh số Xuân 2012 của nhà thơ,
nhà báo Minh Nho
Bây giờ thì nhà báo Minh Nho, người TBT yêu quý của chúng tôi không còn nữa! Tôi viết lại những kỷ niệm này như là một nỗi niềm, một sự tiếc nuối khôn cùng về khoảng trống khó khỏa lấp trước sự ra đi của một cây đại thụ trong làng báo Hà Tĩnh.
Vĩnh biệt Anh – người bạn lớn!
Tháng Chạp 2011