(Baonghean) -Không tự bằng lòng với những thành tựu đã đạt được qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành những cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An vẫn không ngừng trăn trở, tìm tòi một dáng vẻ mới, một cách thể hiện mới trẻ trung mà vẫn chính trực, đằm sâu để tờ báo ngày càng nằm trong nỗi mong chờ của người đọc. Đi học những điều hay từ báo bạn, làm đĩnh đạc và tươi mới mình, là một lộ trình trong cuộc trường chinh đồng hành cùng bạn đọc của Báo Nghệ An.
Vào cữ những ngày cuối năm Tây 2011, khi biết bao công việc đang dập dồn kề cận, đoàn công tác báo Nghệ An đã lên đường, hướng về báo bạn "tầm sư học đạo". Không rõ vô tình hay hữu ý khi đi thu lượm điều hay trong những ngày cuối năm, nhưng chắc chắn chuyến đi có một nét duyên tế nhị: chọn lấy kinh nghiệm quý của người đi trước trong những ngày năm cũ dần khép, để tờ báo nhà lại có một sắc thái mới của một chặng đường vất vả, nhưng rạng rỡ đang đón chào.
"Cây đa" làng báo bên Hồ Gươm
Báo Nhân Dân là địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến. Một ngày Đông se lạnh, khối nhà 71 - Hàng Trống cổ kính ven Hồ Gươm càng thêm vẻ thâm trầm, cổ điển. Đây vốn dĩ là dinh toàn quyền Đông Dương những năm Pháp thuộc, nay là Tòa soạn Báo Nhân Dân, người "anh cả" của làng báo đảng. Ngay lúc diện kiến Báo Nhân Dân, chúng tôi đã choáng ngợp bởi sự cổ kính của tòa soạn, mà cây đa đại thụ ngay ở trung tâm là một biểu tượng. Cũng cần phải nói thêm đôi chút về "cụ" đa lịch sử từng được cố Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật xếp vào loại "số 1 Đông Dương". "Cụ" đa đã có tuổi đời trên 300 năm, chu vi thân khoảng 20m với 6 nhóm rễ phụ lớn, cây cao hơn 30m. Gần gốc đa là tấm biển ghi nhớ trận chiến đấu oanh liệt đêm 24 rạng ngày 25/12/1946 của các chiến sĩ vệ quốc quân. Quanh gốc đa bây giờ đã thêm 3 thân phụ với hàng trăm rễ nhỏ vấn vít, buông xuống đất tạo thành, tỏa đều ra 3 hướng, biểu thị sự trường tồn và vững chãi. Nhà báo lão thành Thanh Phong cho chúng tôi biết thêm, 3 thân phụ của cây đa bây giờ là nhờ công của nhà văn, nhà báo Thép Mới, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Ông đã kỳ công ghép nối hàng trăm rễ phụ nhỏ, chia thành 3 thân mới quanh gốc mẹ, chăm bẵm để có một quần thể gốc đa bề thế. Bước vào khuôn viên của tòa soạn, như thấy lại cả một lịch sử dày dặn của tờ báo 60 năm tuổi. Từ số báo đầu tiên ra đời ngày 11/3/1951, đến nay, Nhân Dân vẫn vững chãi, là tờ báo đại diện cho Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Những ấn phẩm Nhân Dân hàng ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hàng tháng, Nhân Dân điện tử, Nhân Dân bản tiếng Anh lần lượt ra đời để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong kỷ nguyên thông tin mới. Cái sự trẻ hóa, làm mới mình càng được khẳng định hơn là sự ra đời của ấn phẩm Thời Nay vào đầu năm 2010.
Lãnh đạo Báo Nghệ An tham quan Ban báo Nhân Dân điện tử.
Đến với Tòa soạn Báo Nhân Dân, để được tận mắt nhìn và học cách làm báo của bậc đàn anh là tâm nguyện của mỗi chúng tôi. Học ở cách làm chững chạc, nghiêm túc, đầy chất trí tuệ. Học ở phong cách tác nghiệp, xử lý tin, bài của một tờ báo quy tụ nhiều cây bút sang trọng của làng báo từ xưa đến nay. Và học cả ở bề dày lịch sử của một tòa soạn 2 lần được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Dù cho cách nhau một khoảng tuổi tác, nhưng các anh ở Tòa soạn Báo Nhân Dân đã hết sức nhiệt tình, trải lòng cùng chúng tôi những ưu tư, trăn trở, sẻ chia những tâm nguyện, kinh nghiệm trong nghề báo. Sự chững chạc của tờ báo được bắt đầu ngay từ Ban ảnh. Những bức ảnh từ muôn nẻo đất nước, những chuyến công du quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở mọi phương trời xứ bạn, những sự kiện nóng hổi liên tục diễn ra hằng ngày đều được quy tụ về trong căn phòng đôi có diện tích rất khiêm tốn chỉ chừng 20m2. Qua sự biên tập, chắt lọc của những biên tập viên, kỹ thuật viên đầy kinh nghiệm những bức ảnh sáng đẹp, sống động theo tờ báo bay xa, tỏa đến với mọi miền. "Cầm trịch" cho nơi này là nhà báo Khắc Hường, một tên tuổi trong làng nhiếp ảnh với tước hiệu Nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc E.VAPA, E. FIAP. Phòng ảnh của báo có 8 người. Sự cẩn trọng và quy chuẩn trong công việc của họ có lẽ không cần phải nói thêm, bởi những gì được thể hiện trên từng trang báo bao năm qua là minh chứng rõ ràng. Người đọc và đồng nghiệp vẫn biết đến mảng ảnh của Nhân Dân như là một khuôn mẫu nghiêm túc, đĩnh đạc trong mọi cách thể hiện.
Ban Thư ký tòa soạn, được xem là "trái tim" của bất kỳ tờ báo nào, Nhân Dân cũng không ngoại lệ. Với chế độ trực 3 ca/ngày, hệ thống các bộ phận duyệt bài, vi tính, trình bày, sửa lỗi... của báo luôn trong tình trạng "căng như dây đàn" bởi khối lượng bài vở dồn về, phải có cách làm chuyên nghiệp, tận tâm thì tờ báo mới trụ vững trong lòng độc giả. Tại các phòng, ban nghiệp vụ khác, chúng tôi cũng tìm thấy những điều tương tự về cách làm báo quy chuẩn. Nhà văn, nhà báo Lê Mạnh Tuấn, Trưởng Ban báo Nhân Dân cuối tuần cho hay, ấn phẩm cuối tuần thường là nơi quy tụ những cây bút sang trọng, có tên tuổi, nhiều vấn đề có thể khô khan nhưng đã được "mềm hóa" khi đăng trên ấn phẩm này. Đó cũng là điều mà nhà báo Quang Hoàn, Trưởng Ban Nhân Dân hàng tháng tiết lộ với chúng tôi. Một ban rất quan trọng với các tờ báo đảng chính là Ban Xây dựng Đảng. Ban có 9 người do nhà báo Phạm Đạo phụ trách, đã đĩnh đạc ra 3 trang/tuần, 12 trang/tháng. Đó là con số không nhỏ, bởi viết về xây dựng Đảng không dễ. Những người phụ trách nội dung này của báo đã không ít trăn trở để mỗi bài viết đi vào cuộc sống một cách thực sự gần gũi, gần như câu chuyện hàng ngày của mỗi chi bộ khối phố, thôn bản.
Đến để học cách làm báo của đàn anh và chúng tôi đều có chung một mong muốn Nhân Dân mãi trường tồn cùng đất nước, và là tờ báo đảng mẫu mực trong làng báo đảng của đất nước ta.
Báo bạn, còn nguyên chất "mới"
Đến 24/10/2012, Hà Nội Mới kỷ niệm 55 năm ngày ra số báo đầu tiên. Nhưng dường như tờ báo ấy vẫn luôn "mới" và đó được coi như tôn chỉ, mục đích để luôn là một ấn phẩm năng động, sôi nổi trong cách nghĩ, cách làm trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trong phòng khách trang trọng với những nét kiến trúc mang phong cách gothic của tòa soạn, Tổng Biên tập Báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan đã cùng trao đổi với nhà báo Tô Quang Phán, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới và các vị trong BBT cũng chuyện trò, trao đổi một cách sôi nổi, trẻ trung và rất "mới". Những câu chuyện về quy trình tiếp nhận, xử lý tin, bài, xuất bản báo... được những người làm báo bạn san sẻ rất nhiệt tình.
Tổng Biên tập Báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan trao đổi nghiệp vụ với nhà báo Nguyễn Tuấn Đức - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới.
Hà Nội Mới cùng với Sài Gòn Giải phóng là 2 tờ báo đảng địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cơ chế hoạch toán kinh tế độc lập. Báo đã cho ra mắt bạn đọc nhiều ấn phẩm: Hà Nội Mới hàng ngày, Hà Nội Mới cuối tuần, phụ san Hà Nội ngày nay... với cách thông tin đa dạng, nhiều chiều theo tinh thần đổi mới, công khai dân chủ... Ngoài những chuyên mục của báo hàng ngày như: Mỗi ngày một chuyện, Ý kiến bạn đọc, Giá cả thị trường... còn có chuyên mục Pháp luật và Đời sống, Ngược xuôi văn nghệ, Thị trường không cần nước mắt... Hoặc các chuyên mục có kỳ hạn theo tính chất của vấn đề như: Ma túy toàn cảnh, Sự kiện bình luận... Đặc biệt, chuyên mục Đường dây nóng mới được ra đời đã giải quyết kịp thời những khiếu kiện bức xúc trong dân, giảm sức ép lên thành phố, được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc, làm cho nhân dân tin tưởng.
Để vận hành một khối lượng công việc không hề nhỏ đó, Ban Thư ký tòa soạn của báo có một đội ngũ lên đến 40 người, do nhà báo Quốc Cường làm trưởng ban, trong tổng số gần 230 cán bộ, phóng viên của tòa soạn. Mỗi kíp trực xuất bản ngoài các BTV, thư ký tòa soạn, chế bản, họa sỹ đều có một thành viên của BBT chịu trách nhiệm. Tin, bài sau khi biên tập trên máy từ các phòng chuyên môn được chuyển về Ban Thư ký, Thư ký tòa soạn biên tập, lãnh đạo Ban Biên tập duyệt... mới bắt đầu chuyển tới nhà in. "Điều quan trọng là mỗi người trực báo phải làm chủ được thông tin, định hình dáng nét cho số sắp tới một cách rõ ràng thì mới có thể xử lý vấn đề nhanh gọn mà hiệu quả" - Nhà báo Quốc Cường tâm sự.
Cũng xin nói thêm một chút về ấn phẩm Hà Nội Mới cuối tuần. Đây được coi như một "tòa soạn" nhỏ với đầy đủ BTV, họa sỹ trình bày, chế bản... nhưng cũng rất ấn tượng chỉ với 8 người. Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Trưởng ban cuối tuần cho hay, mỗi trang trên cuối tuần đều đã được "hoạch định" chi tiết cả. Thí dụ như trang 1: Thời sự và bình luận, trang 2: Ký sự nhân vật, trang 3-4: Kinh tế-xã hội, 10-11-12: Văn học-nghệ thuật, trang 15: Chuyện ở xã, phường. Những câu chuyện trên tờ cuối tuần còn được tòa soạn biên soạn lại và xuất bản thành một tập sách với tựa đề "Góc khuất cuộc đời" do nhà báo Huy Thịnh chủ biên.
Dù những cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi, nhưng những điều mới, điều hay từ báo bạn đã được chúng tôi thu nhận khá nhiều. Ngồi cùng những đồng nghiệp Thủ đô bên bờ sông Hồng mênh mang, chúng tôi cùng chợt ngộ ra nghề báo cũng như những dòng sông, cứ chảy mãi, đi mãi qua mọi bến nhân gian, qua bờ bãi cuộc đời để góp nhặt phù sa rồi trôi về phía biển, phía đại dương cuộc sống, làm trong sạch, mặn mòi thêm biển đời bao la. Chia tay những người làm báo ở nơi trái tim của Tổ quốc ngày cuối năm, hành trang chúng tôi mang về là sự chững chạc, kinh điển của đàn anh "Nhân Dân" và một "Hà Nội Mới" trẻ trung, năng động nhưng cũng đằm sâu trong từng trang báo.