Sau 2 năm, những đồi chè thì vẫn thế, mướt mát ngay cả dưới cái nắng hè như đổ lửa, và nhiều ngôi nhà mới to đẹp đã mọc lên, rực rỡ sắc ngói đỏ tươi giữa màu xanh ngút ngàn của chè, của sắn...
Những ngày đầu mở rừng
Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 (Thanh Chương)- anh Thái Hồng Thanh từng tự hào -anh em Tổng đội đi xe máy "siêu" không thua gì các bác "xe ôm" miền núi! ấy cũng bởi, những ngày đầu đặt chân lên vùng đất hoang sơ này lập nghiệp, các anh luôn phải đi bộ luồn rừng, may mắn hơn thì bằng xe máy qua những con đường mà chỉ vừa nghe kể đã "lạnh gáy".
Bây giờ, đường vào Tổng đội thênh thang theo con đường QL mới to đẹp, ít ai có thể hình dung nổi, chỉ mới cách đây 5 năm, đường luồn như sợi chỉ giữa vùng cây cối hoang vu, rậm rạp, nhiều lúc phải phát bớt cây mới có đường đi. Mùa mưa, những con đường đó trở nên trơn trượt và ẩn chứa đầy nguy hiểm. Rừng núi hoang sơ, nạn lâm tặc phá rừng hoành hành, ngày nào cũng có vài chục cái xe bò lốp chở gỗ chạy qua các ngả đường đi qua trụ sở, nơi đây được coi là một điểm nóng, không chỉ của huyện mà là của tỉnh.
Trước tình hình đó, anh em quyết tâm đẩy lùi, chấm dứt nạn khai thác rừng trái phép trước, để yên rừng rồi mới bắt tay vào xây dựng kinh tế. Đội An ninh bảo vệ được thành lập, với quân số lên đến gần 15 người trên tổng số 25 đội viên lúc ấy, phối hợp với kiểm lâm và công an huyện truy quét. Để đối phó, lâm tặc thường hành động vào lúc chập tối, dùng cưa xăng, cắt gỗ rất nhanh, đêm hôm sau mới vào cắt khúc lăn xuống đường rồi chở ra các bãi tập kết ở những điểm khó di chuyển, hoặc vùi gỗ vào cát dọc bờ sông, cảnh giới từng tuyến đường và nghe ngóng động tĩnh, thấy "êm" là "rút", đặc biệt thường vận chuyển vào đêm tối trời, mưa gió, anh em phải thay nhau chặn chốt các cửa rừng, nhiều đêm đi rình "bắt gỗ", lâm tặc nằm đốt lửa sưởi ấm, nói chuyện thoải mái, còn lực lượng đi truy quét muỗi không dám đuổi. Nhưng với quyết tâm và những biện pháp quyết liệt, chỉ sau một thời gian ngắn, rừng hầu như yên ổn.
Đến nay, nhiều vùng rừng đã "sạch", tuy chưa dứt điểm được hoàn toàn vì người dân ở quanh vùng trước nay hầu như chỉ quen sống dựa vào rừng, nhưng bây giờ hầu hết chỉ dám khai thác theo kiểu "chớp thời cơ". Nhiều vùng rừng tái sinh xanh trở lại, mà nói như anh Vy-đội trưởng Đội an ninh- thì "nhìn vào đó là đủ biết công sức anh em đã bỏ ra, vì trước kia đó là rất nhiều vùng rừng chết".
Cuộc sống mới của hôm nay
Năm 2002, đội sản xuất số 2 được hình thành với 29 hộ. Những ngày đầu cũng không ít gian nan. Con sông mà người dân ở đây vẫn quen gọi là sông Rào Rộ, vào mùa mưa lũ nước tràn chảy xiết, anh em phải đứng bên này bờ vứt mỳ tôm sang tiếp tế cho lực lượng đi "mở đất". Cũng trong năm đó, đội sản xuất số 3 ra đời. Và đến nay, toàn đơn vị đã có 150 hội đội viên, với gần 50 khẩu và 300 lao động, hiện vẫn đang tiếp nhận khoảng 10 hộ/năm, tiến tới tập trung khoảng hơn 200 hộ. Toàn đơn vị đã trồng được 245 ha chè công nghiệp LDP1,2, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, một số hộ đạt 14 tấn/ha, 60 ha cây ăn quả và cam sạch bệnh bước đầu đã cho thu hoạch, ngoài ra là 40 ha sắn cao sản, 20 ha hoa màu các loại, mở rộng thêm diện tích tre điền trúc lấy măng ngoài 15 ha đã có. Diện tích 300 ha rừng phòng hộ hiện được bảo vệ rất tốt, độ che phủ rừng tăng từ 45% lên 70%. Thu nhập của đội viên đạt bình quân 25 triệu đồng/hộ/năm, trong đó hơn 10 hộ thu nhập từ 40- 50 triệu đồng. Đời sống ngày càng được nâng lên rõ rệt, từ những ngôi nhà tạm bợ, đến nay, 70% hộ đội viên đã có nhà ở kiên cố, 95% số hộ có xe máy, 90% có phương tiện nghe nhìn.
Ngoài phát triển kinh tế, đơn vị còn chú trọng đến đời sống tinh thần cho các hộ đội viên. Hơn 10 đám cưới đã được Tổng đội đứng ra tổ chức, ở các đội sản xuất đều có sân chơi thể thao, các trang thiết bị văn hoá-văn nghệ được mua sắm thường xuyên. Và năm 2005 vừa qua, đơn vị đã được UBND huyện Thanh Chương công nhận danh hiệu Đơn vị Văn hoá. Đến Tổng đội bây giờ, ấn tượng rõ nhất vẫn là những ngôi nhà xây to đẹp trên những đồi chè, đồi cam xanh mướt. Cuộc sống mới đã về trên vùng đất hoang vu, vắng vẻ ngày xưa...
Bài, ảnh: Lan- Hương