Vừa tháng trước, tin Làng Vạc bị đào bới, tháng này lại đến Quỳnh Văn (đều thuộc Nghệ An) bị xẻ di tích xây chợ. Với đà này thì chỉ vài năm nữa nhiều di tích chỉ còn trên giấy và trong ký ức của các nhà văn hóa.
Không ngờ khu mộ cổ Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh
Năm 1999, hàng trăm người đổ xô đào cổ vật để lại những hố đào sâu hoắm như hố bom B52 vừa rải thảm.
Năm nay, nghe chừng sự việc không phức tạp hơn nhưng có phần quyết liệt hơn nhiều. Lực lượng tham gia đông đảo, có ngày lên đến 400 người, ngang nhiên hơn, đào ngày không đủ tranh thủ đào đêm... Cả một hiện trường ngổn ngang dễ tới gần 1.000 hố đào.
Làng Vạc được biết đến từ năm 1972 và ngay lập tức nổi tiếng trong và ngoài nước. Các nhà khảo cổ Nhật Bản đã từng tham gia khảo cổ ở đây 2 đợt từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã đánh giá cao khu di tích này và đã xuất bản một quyển sách bề thế về các thành tựu khảo cổ ở Làng Vạc.
Không một di tích nào thuộc thời đại Hùng Vương lại có nhiều dạng mộ táng đẹp như ở đây: Mộ có nấm, mộ được lát đá phiến, mộ rải gốm, mộ nồi vò úp nhau... Hiện vật tùy táng không những nhiều về số lượng mà còn phong phú về loại hình.
Có lẽ chính sự hấp dẫn của Làng Vạc là nhiều tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao so với trình độ văn minh khắp vùng Đông - Nam Á bấy giờ. Theo những thông tin ngoài luồng, thì chỉ ở riêng Hà Nội và TP.HCM trong vài tháng vừa qua đã có thêm gần chục chiếc trống đồng nguyên vẹn xuất hiện trong một vài sưu tập tư nhân có xuất xứ từ... Làng Vạc.
Cái mất lớn nhất trong chuyện phá di tích Làng Vạc có lẽ chưa hẳn là mất cổ vật, một số còn đọng lại trong các sưu tập tư nhân, mà là chúng ta và con cháu mai sau vĩnh viễn mất đi một cơ hội tìm hiểu lịch sử tổ tiên.
Chắc hẳn gần 400 "nhà khảo cổ nghiệp dư" vì miếng cơm manh áo chỉ chăm chăm khoét đất để tìm cổ vật đẹp, thế còn cấu trúc mộ táng, địa tầng, còn những đồ gốm, những dấu vết vải mặc, dấu vết bếp lửa hồng thời đó... thì bị huỷ hoại không thương tiếc.
Bảy năm mà Làng Vạc bị tàn phá hai đợt nặng nề. Giải pháp nào đây cho việc bảo tồn? Có lẽ không chỉ là sự tuyên truyền chung chung.
Nên chăng có thưởng phạt kinh tế cho một số người, một số địa chỉ cụ thể trông coi di tích, giống như ngôi đền phải có ông từ, không có dần dà tượng thánh mất đi là điều dễ hiểu.
Cũng đến lúc ta cần một giải pháp quản lý ở tầm vĩ mô hiệu quả hơn hiện nay chăng, khi mà sự thật là sau thời điểm Luật Di sản ra đời với một số điều thoáng quá, cũng là thời điểm đánh dấu việc các di tích bị phá hoại dữ dội nhất.
Cũng tại tỉnh Nghệ An vừa có chuyện phá hoại di tích, nhưng lần này không phải là dân. Di tích bị phá cũng khá nổi tiếng là Quỳnh Văn, thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Cái không may cho di tích là không biết "chọn chỗ" mà tọa lạc, lại nằm gần đường quốc lộ 1A, nơi thị tứ thuận tiện cho việc xây chợ. Vì thế mà chỉ một thời gian ngắn, máy xúc ồ ạt xúc đi cơ man nào là tầng văn hóa và di vật để... đổ đi theo đúng nghĩa đen, để giải phóng mặt bằng xây chợ Vân.
Đáng tiếc thay, nếu như ta biết rằng ngay từ năm 1930 của thế kỷ 20, nhà nữ khảo cổ học người Pháp, bà Madeleine Colani đã từng đến đây khai quật. Sau đó từ những năm 60 đến nay liên tục có những cuộc khai quật khảo sát. Chính xã Quỳnh Văn là địa danh được đặt tên cho nền văn hóa ven biển miền Trung có niên đại cách đây khoảng 6-7 nghìn năm.
Di tích Quỳnh Văn lồ lộ ra đó, dân cả huyện, cả nước đều biết cả. Nhưng hình như chính quyền xã lại... không biết. Thế là hơn 1.000 mét vuông di tích cồn sò điệp quý là thế, nay trở thành đồ phế thải.
Cũng một phần cần rút kinh nghiệm là một di chỉ quý như Quỳnh Văn mà vẫn chưa được kịp thời xếp hạng di tích quốc gia, vì thế đã là cái cớ cho việc làm liều.
Phần còn lại của Quỳnh Văn chính là vốn quý không những cho lịch sử, mà còn là vốn quý cho du lịch.
Một di tích tương tự như Quỳnh Văn về mặt đặc trưng cồn sò điệp và niên đại, cũng ở ven biển Thái Bình Dương là di tích Chi Ba, nằm ngay vịnh Tokyo, Nhật Bản, đã trở thành một điểm đến du lịch. Nhờ có di tích khảo cổ mà Chi Ba ngày một phồn vinh vì các chuyến du lịch về nguồn. Thế mới biết không ai quý từng tấc đất di tích như người Nhật Bản, mà cũng hiếm nơi rẻ rúng di tích như một số địa phương ở nước ta.
Các di tích khảo cổ trước nguy cơ chỉ còn trên... giấy
Theo Lao động