Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
 
(Baonghean) - Quý I mở đầu của năm 2015 với những tín hiệu phát triển tích cực trên mọi mặt kinh tế - xã hội, Nghệ An đang nỗ lực tăng tốc để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, hướng tới Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII và chặng đường xa hơn nữa. đón đầu xu hướng phát triển của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nguồn lực con người là một vấn đề Nghệ an cần phải chú trọng. 
 
Nhìn lại năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, KT-XH tỉnh nhà nổi lên những điểm nhấn sau:
 
Thứ nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp và xây mới tương đối đồng bộ. Đối với khu vực nông thôn, đã nâng cấp được 4.455km đường giao thông các loại, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (hiện Nghệ An có 33/431 xã đạt chuẩn Nông thôn mới). Trong giao thông đô thị, đã đưa vào sử dụng 3 cầu vượt đường sắt và đang thi công 2 cầu vượt mới, đảm bảo nhu cầu dân sinh và an toàn giao thông. Về hàng không, đã chính thức công bố điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế. Về giao thông hàng hải, dự án nâng cấp Cảng Cửa Lò chính thức khởi động bằng lễ khởi công xây dựng bến số 5, 6 do Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc làm chủ đầu tư vào tháng 4 vừa qua. 
 
images1159574_tham_nha_may_bot_ca_o_dien_chau_sm.jpgThăm Nhà máy bột cá ở Diễn Châu. Ảnh: S.M
Thứ hai, thu hút nhiều nhà đầu tư và nhiều dự án với quy mô đa dạng, có dự án mang tầm vóc quốc gia và khu vực như Nhà máy xi măng Sông Lam của Tập đoàn xi măng The Vissai (vốn 10.500 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất tôn, thép của Tập đoàn Hoa Sen (2.300 tỷ đồng); Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Lan Châu - Song Ngư (1.969 tỷ đồng);... Ngoài ra, còn có nhiều dự án trong các lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội như Dự án nhà máy cấp nước thô ở Nam Đàn, các công trình thuỷ điện ở miền Tây Nghệ An;... Xúc tiến đầu tư đang và sẽ tiếp tục được định hướng là đòn bẩy cho nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà, tạo bước đột phá.
 
Thành phố Vinh chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng mở rộng thành đô thị Vinh - Cửa Lò, là điểm sáng của tỉnh trong định hướng xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. 
 
Có thể nói, Nghệ An đang bước vào giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nên bên cạnh các yếu tố “cứng” như cơ sở vật chất hạ tầng, thì yếu tố “mềm” - con người có vai trò hết sức quan trọng. Bởi hai lý do: thứ nhất, muốn sử dụng hiệu quả và khai thác tối đa giá trị của cơ sở hạ tầng hiện đại, nhất định phải có con người với tư duy và phong cách làm việc hiện đại. Thứ hai, cơ sở hạ tầng là bộ khung có tính cố định. Chúng ta đang bước những bước đầu trong công cuộc xây dựng, nhưng khi quá trình này đã đạt được đến mức độ hoàn thiện, đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉ có yếu tố con người mới có sự vận động linh hoạt không ngừng để kết nối với sự đổi mới từng ngày, từng giờ của thời đại. 
 
Đối với vấn đề đào tạo con người, cần xác định rõ hai nhiệm vụ sau:
 
Nâng cao trình độ người lao động để bắt kịp xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến, công nghiệp vật liệu) vẫn đang là những mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Định hướng phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An tầm nhìn dài hạn tới đây là nhấn mạnh vào công nghiệp (công nghiệp trong công nghiệp và công nghiệp trong nông nghiệp). Có nghĩa là ngay cả những ngành, lĩnh vực sản xuất truyền thống nhất như trồng trọt, chăn nuôi cũng phải có sự cải tiến mạnh mẽ. Chúng ta đã bước đầu khởi động cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp với những dự án nông nghiệp mang tầm vóc và cách thức công nghiệp như nhà máy và trang trại sữa tươi sạch của Tập đoàn TH, Nhà máy sản xuất ván sợi MDF,... 
 
Trình diễn máy cơ giới sản xuất nông nghiệp ở Hưng Nguyên. Ảnh: P.H
Với điều kiện thuận lợi về tài nguyên đất và rừng, nông nghiệp đã, đang và vẫn sẽ là một ngành quan trọng của bức tranh phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, nếu giữ mãi nếp sản xuất và tư duy truyền thống, sẽ lãng phí sức lao động mà hiệu quả, giá trị và sức lan toả không cao. Trong yêu cầu, xu hướng phát triển của thời đại, người lao động trong ngành nông nghiệp cần có ý thức học hỏi, làm mới vốn kiến thức và trình độ sản xuất để tìm được chỗ đứng trong dây chuyền sản xuất theo hướng công nghiệp. Chỉ có chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì nông nghiệp và người làm nông nghiệp mới giữ vững được giá trị của lĩnh vực có truyền thống lâu năm này, thậm chí là nâng cao giá trị đó lên nhiều lần.
 
Cây cam là một ví dụ điển hình: nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học trong chiết ghép, hãm thúc, điều chỉnh độ ngọt, chúng ta đã xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu cam Vinh trên bản đồ nông sản quốc gia. Tuy nhiên, chuỗi sản xuất của mô hình cây cam vẫn chưa được hiện đại hoá, công nghiệp hoá hoàn chỉnh: đổi mới trong sản xuất, canh tác nhưng cũng cần phải đổi mới trong cách thức bảo quản và tiêu thụ. Để nâng cao và khai thác hết giá trị của cây cam, có thể xét đến các phương án: xây dựng các kho chứa bảo quản lạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ (các nhà đầu tư Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thương hiệu cam Vinh, mở ra hy vọng xuất khẩu cam Vinh ra nước ngoài); đa dạng hoá các sản phẩm chế biến từ cam như nước cam, mứt cam,... Để thực hiện được những ý tưởng này, cần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng đến các mặt hàng “tinh” hơn - đồng nghĩa với người nông dân phải trau dồi kiến thức cả về chiều sâu và chiều rộng. 
 
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: An Vinh
Bài học trên không chỉ đúng với ngành nông nghiệp mà còn có giá trị đối với phát triển công nghiệp. Cần chú trọng nâng cao chất lượng, song song với thế mạnh về số lượng - với một tỉnh có nguồn lao động dồi dào như Nghệ An (dân số hơn 3 triệu người; trong đó: Số người từ 15 tuổi trở lên 2.385.800 người, chiếm 78,94% dân số; số lao động trong độ tuổi 1.651.500 người. Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân 1.921.100 người; trong đó: lao động đang làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp là 1.206.450 người, chiếm 62,8%; ngành Công nghiệp - xây dựng là 261.270 người, chiếm 13,6% và ngành Dịch vụ, thương mại là 453.400 người, chiếm 23,6%).
 
Một thực tế là mỗi năm tỉnh Nghệ An có khoảng 20 - 21 ngàn em tốt nghiệp cao đẳng, đại học, đào tạo nghề nhưng chỉ sử dụng khoảng 1.000 em. Trong khi đó, lao động từ tỉnh thành khác vẫn có cơ hội việc làm tại Nghệ An trong các khu công nghiệp lớn, đảm nhận các vị trí đòi hỏi tay nghề cao (đặc biệt là ở các nhà máy của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử). Đó là một sự lãng phí không đáng có, bởi chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo nghề có chất lượng, như Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
 
Với dự án “Nâng cấp Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn III” do Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA tài trợ và dự án phát triển thành trường chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020, công tác đào tạo nghề cần phải được đẩy mạnh, đảm bảo cung cấp nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu của các dự án lớn và hiện đại. Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng. Một mặt, giảm giá thành sản xuất nhờ lực lượng lao động tại chỗ cho cơ sở sử dụng lao động. Mặt khác, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động tỉnh nhà, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 
 
Giờ học Công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh
Để làm được như vậy, cần thay đổi, thích nghi “cung” với “cầu”: phải xác định xu hướng ngành phát triển, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là gì, từ đó phát triển và đổi mới có trọng tâm công tác đào tạo. Thậm chí, phải xây dựng được thương hiệu của người lao động Nghệ An về một số ngành nghề cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; cùng với lợi thế tự nhiên của Tỉnh, tin tưởng rằng không chỉ tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư mà còn có thể thu hút đầu tư có chủ đích, có chọn lọc phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh nhà. 
 
Nhiệm vụ thứ hai trong đào tạo con người là đổi mới tư duy, nhận thức. Con người mới cần có tư duy cầu thị, chủ động và năng động trong sản xuất, lao động. Cần nhanh nhạy và chủ động nắm bắt, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Ví dụ, trồng nông sản nhưng có thể kết hợp với du lịch sinh thái, kinh doanh sản phẩm chế biến từ nông sản thô, liên kết với các doanh nghiệp để trở thành đại lý vệ tinh,... Đó là tư duy lồng ghép mà người lao động trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có để khai thác triệt để giá trị của sản phẩm và tạo liên kết với các ngành, nghề khác, xây dựng chuỗi giá trị khép kín để giảm thiểu các chi phí trung gian, tăng tính chuyên nghiệp trong sản xuất. Không chỉ lồng ghép các giá trị, sản phẩm hữu hình, chúng ta hoàn toàn có thể lồng ghép các giá trị phi vật thể - đó là bí quyết của các ngành công nghiệp “mềm” nổi tiếng về du lịch, dịch vụ, thương mại. 
 
Hiện nay, chúng ta có 3 điểm nhấn trong lĩnh vực văn hoá - du lịch: mạng lưới cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú trải khắp địa bàn tỉnh mà biển Cửa Lò là điểm nhấn ở phía Đông và Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Mát “chốt giữ” ở phía Tây. Thứ hai là chúng ta có nền văn hoá tâm linh với bề dày truyền thống đã có sức lan toả đáng kể vượt ra khỏi địa giới tỉnh Nghệ An. Cuối cùng, chúng ta có Dân ca ví, giặm vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Với vốn “tài nguyên” văn hoá - du lịch dồi dào như vậy, không có lý do gì mà du lịch và các ngành đi kèm khác của Nghệ An không phát triển mạnh mẽ.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay chúng ta chỉ mới khai thác được một phần rất nhỏ tiềm năng du lịch của tỉnh nhà. Cơ sở hạ tầng chỉ là nguyên nhân thứ yếu, còn nguyên nhân chính vẫn là tư duy và nhận thức của người dân, đặc biệt là người làm du lịch. Đi từ những việc nhỏ như giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường và các công trình công cộng; tác phong ứng xử văn hoá, văn minh với khách du lịch;... cho đến các vấn đề có tầm vóc vĩ mô hơn như xây dựng chương trình, hành trình đi qua chuỗi điểm du lịch liên tục, đồng bộ trải khắp địa bàn tỉnh; xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm du lịch vật thể và phi vật thể... con người vẫn là yếu tố xuyên suốt trong những nhiệm vụ đó. Đó là điều tất yếu, bởi du lịch, dịch vụ là những ngành phục vụ cảm giác con người và chỉ có đổi mới con người mới có thể đổi mới triệt để cách làm du lịch, dịch vụ. 
 
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng du lịch. Ảnh: SM
Quan tâm và đề cao vai trò của con người là xu hướng tất yếu của xã hội. Tháng 3 năm 2015, đã diễn ra Lễ trao giải “Cúp vàng doanh nhân xứ Nghệ” lần thứ 4 tại Thành phố Vinh như một dịp để tôn vinh, cổ vũ các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đó là những nhân tố hết sức quan trọng để tỉnh Nghệ An tạo bước đột phá trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tài nguyên thiên nhiên chỉ có thể bớt đi chứ không sinh ra thêm, cơ sở vật chất hạ tầng là khối cố định vô tri vô giác, chỉ có tài nguyên con người là có thể dồi dào thêm nếu như chúng ta có ý thức bồi đắp, xây dựng.
 
Trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực phát triển, sự cải cách lớn nhất và cũng cấp thiết nhất chính là cải cách con người: xây dựng nông thôn mới cốt yếu xây dựng người nông dân mới, phát triển công nghiệp chú trọng người lao động tay nghề cao, làm du lịch cần nhất là văn minh, tư duy của người làm du lịch, dịch vụ... Nhưng chính con người lại cũng là nơi gìn giữ những giá trị tinh thần, văn hoá truyền thống. Đổi mới nhưng vẫn giữ được bản ngã, đặc trưng - những giá trị làm nên thương hiệu, danh xưng Nghệ An trên bản đồ quốc gia và quốc tế, đó mới chính là “cuộc cách mạng giải phóng” thực sự đang chờ người Nghệ An để bước vào một kỷ nguyên mới. Nguồn lực con người là thế mạnh, là lợi thế của tỉnh Nghệ An./.