(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Quế Phong vượt lên khó khăn thách thức đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Một trong những dấu ấn rõ nét là huyện xây dựng và nhân rộng thành công nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, tạo nền tảng cho Quế Phong đẩy mạnh phát triển trong nhiệm kỳ tới.
 
“Bén duyên” mô hình mới
 
Có thể nói với việc cây chanh leo “bén duyên” trên vùng đất xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) là kết quả của việc mạnh dạn đưa giống cây mới lên vùng đất khó, sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản với việc Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong ra nghị quyết chuyên đề về phát triển cây chanh leo giai đoạn 2013 - 2020. Một điều rất quan trọng chính là kết quả của sự gặp gỡ của “4 nhà”: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. 
 
images1156714_ph_t_tri_n_c_y_chanh_leo___x__tri_l___qu__phong_.jpgPhát triển cây chanh leo ở xã Tri Lễ (Quế Phong)
Thử nghiệm trồng mới từ năm 2010, tại xã Tri Lễ ban đầu diện tích chỉ 2 ha tại 5 bản của đồng bào Mông, Thái, Khơ mú, nhưng cây chanh leo đã nhanh chóng tăng nhanh diện tích, sản lượng. Đến nay, diện tích chanh leo toàn huyện có gần 150 ha, nhiều hộ trồng chanh leo đã cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm.
 
Gia đình ông Quang Văn Xuân ở bản Yên Sơn, một trong những hộ có diện tích chanh leo nhiều nhất xã Tri Lễ. Với hơn 330 gốc đang cho thu hoạch, gia đình ông thu nhập mỗi năm hơn 90 triệu đồng. Ông Xuân cho biết: “Trước đây, cứ loay hoay không biết trồng cây chi cho hiệu quả, từ khi có cây chanh leo gia đình ta và nhiều hộ khác đã không còn lo cái đói nghèo nữa, có điều kiện cải thiện đời sống gia đình”. Đến nay, cây chanh leo thực sự trở thành cây chủ lực của xã. Hiện diện tích của xã do nhân dân tự trồng đã có 34,4 ha, nếu tính cả diện tích của các doanh nghiệp, có gần 100 ha chanh cho thu hoạch với năng suất đạt từ 35 - 40 tấn/ ha. Từ việc khẳng định đầu ra ổn định, Đảng ủy xã Tri Lễ trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đưa vào nghị quyết nhằm tăng tối đa diện tích trồng chanh leo theo quy hoạch, với định hướng trở thành cây mũi nhọn hàng hóa, giúp bà con xóa nghèo, vươn lên làm giàu.  
 
Bên cạnh ban hành nghị quyết chuyên đề, đề án cụ thể, huyện Quế Phong đã kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư khép kín quá trình tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tại xã Tri Lễ, Tổng công ty CP thực phẩm Nghệ An (Nafoods) nay là Nafoods Group đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng đưa vào vận hành khu vườn ươm giống chanh leo công nghệ cao, công suất bình quân 600 ngàn cây giống/năm, hiện nay đã tạo ra được 250 ngàn cây giống, trở thành địa chỉ duy nhất cung cấp giống cho kế hoạch trồng mới của huyện. Ưu việt của loại giống chanh leo được tạo ra ở đây là đã kết hợp được nhuần nhuyễn ưu điểm của giống chanh tím nhập ngoại và giống bản địa, không những cho năng suất cao, ổn định chất lượng quả mà còn tăng khả năng kháng bệnh, thích nghi với điều kiện tiểu khi hậu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group cam kết: “Nafoods Group đang phát triển theo mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín từ việc sản xuất giống, trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu nên chúng tôi luôn đồng hành, đảm bảo mọi cam kết với bà con để đẩy mạnh phát triển cây chanh leo trên địa bàn huyện Quế Phong”.
 
Một thành tựu nổi bật khác trên lĩnh vực nông nghiệp của Quế Phong đó là đã thành công trong việc thử nghiệm, nhân rộng, sản xuất đại trà giống lúa chịu lạnh Japonica. Cùng với cây chanh leo, lúa Japonica cũng là kết quả của việc đưa Nghị quyết 07- NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về “Chương trình ứng dụng KHCN trong nông nghiệp” vào cuộc sống. Sự phát triển nhanh về diện tích của Japonica trên vùng đất này, bởi hiệu quả về năng suất (năng suất bình quân trên 60 tạ/ ha) và chất lượng (gạo thơm ngon đặc trưng) nên mới chỉ 3 năm thử nghiệm với 3 hộ tham gia gieo trồng thì vụ mùa năm 2015, Quế Phong đã có 100 ha, không những tập trung tại các xã “vựa lúa” như: Mường Nọc, Tiền Phong, Châu Kim mà còn được trồng ở các xã vùng trên. Để có diện tích ổn định, tăng nhanh, UBND huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ 50% giá lúa giống, khuyến khích ứng dụng kỹ thuật sử dụng phân dúi trong quá trình canh tác...
 
Ông Trịnh Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Để lúa gạo này trở thành hàng hóa cùng với việc xây dựng thương hiệu theo quy trình, UBND huyện đã có kế hoạch tăng diện tích trồng lúa Japonica lên 500 ha tại vùng trung tâm có ruộng tập trung để mời gọi các doanh nghiệp vào thu mua, đầu tư nhà máy chế biến, từ đó để phát triển thương hiệu loại gạo đặc sản này”. Hiện đã có một số đơn vị, doanh nghiệp như: Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Công ty VTNN Phủ Quỳ khảo sát, trao đổi cơ chế phối hợp để phát triển sản xuất, thu mua đối với giống lúa này.
 
Nhân rộng, phát triển theo chiều sâu
 
Một thành công khác của huyện Quế Phong trong việc xây dựng nhân rộng có hiệu quả các mô hình kinh tế phải kể đến mô hình bảo tồn, nhân giống vịt bầu. Trang trại của anh Hồ Văn Chín ở xóm Hải Lâm, xã Quế Sơn chỉ vẻn vẹn 1 ha vùng khe Tôm nhưng đã cho hiệu quả kinh tế rất cao bởi mô hình chăn nuôi tổng hợp, trong đó lấy vịt bầu làm chủ lực. Với số lượng 3.000 con vịt đẻ, mỗi ngày bình quân có từ 1.500 - 1.600 quả trứng vịt giống với giá bán 5.000 đồng/quả (gấp 2 lần trứng vịt thịt thường), trừ chi phí thức ăn, mỗi ngày trang trại cho anh Chín thu nhập từ bán trứng vịt bầu giống cũng trên 5 triệu đồng. Trang trại của anh Chín là 1 trong 10 hộ hội viên thuộc HTX chuyên giống cây, giống con Quế Sơn thực hiện chức năng chuyên cung cấp các loại cây, con giống theo hướng dần chuyên nghiệp cho nhân dân trong huyện và các vùng phụ cận. HTX đóng vai trò dịch vụ 2 đầu và có cả doanh nghiệp (doanh nghiệp Diệu Châu thu mua trứng giống vịt bầu) làm “bà đỡ” đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.
 
Chủ nhiệm HTX Hồ Văn Khương cho biết: “Hoạt động của HTX thể hiện được vai trò xâu nối, gắn kết giữa nhà sản xuất và các hộ có nhu cầu cây, con giống. Trên cơ sở những kết quả ban đầu, HTX sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời áp dụng các giải pháp để đảm bảo chất lượng các loại giống được sản xuất tại đây”.
 
Trang trại chăn nuôi vịt của anh Hồ Văn Chín ở xóm Hải Lâm, xã Quế Sơn (Quế Phong). Ảnh: Sỹ Minh
Ngoài vịt bầu, việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình sản xuất trên cơ sở đẩy mạnh phát triển những cây, con bản địa đặc sản được huyện Quế Phong quan tâm đầu tư như vận dụng các nguồn vốn phát triển sản xuất 30a/2008/ NĐ-CP. Trong trồng trọt có 10 mô hình, trong đó có mô hình chuyên canh dưa rẫy. Trong chăn nuôi có 9 mô hình thì hầu hết chú trọng đưa KHKT vào tăng năng suất chất lượng như mô hình bảo tồn vịt bầu; gà ác (gà đen Mông); lợn sọc dưa; gà đồi; nhím sinh sản; nuôi dúi sinh sản... hay trên lĩnh vực lâm nghiệp cũng xây dựng 7 mô hình như mô hình bảo tồn cây sa nhân, bo bo làm dược liệu; mô hình mây nếp...
 
Theo thống kê thông qua Chương trình 30a trên địa bàn Quế Phong đã xây dựng được 26 mô hình với 630 hộ tham gia góp phần tích cực khẳng định tiềm năng, lợi thế, nâng nhận thức, ý thức vươn lên làm kinh tế của dân bản. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đảng bộ huyện Quế Phong nêu rõ quan điểm phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững trên cơ sở gắn kết chặt chẽ “4 nhà” để xác định rõ nhu cầu đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
 
Đồng chí Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện ủy khẳng định: “Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện tiếp tục kế thừa để lãnh đạo, chỉ đạo bài bản trong nhiệm kỳ tới bằng nghị quyết, đề án cụ thể, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, trong đó sẽ xây dựng thành công một số cây, con đặc sản mang thương hiệu Quế Phong”.  
 
Hữu Nghĩa