(Baonghean) - Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi thường dành thời gian sang thăm ông Phan Hữu Thịnh. Dường như lúc nào tôi cũng thấy ông, dáng người nho nhã, mái tóc bạc trắng, đang căm cụi bên chồng tư liệu và bản thảo. Rồi bên chén trà ấm nóng đượm vị, câu chuyện của chúng tôi dù “đi xa về gần”, cuối cùng vẫn quay về chủ đề làng Quỳnh.
Ở tuổi 87, ông Thịnh vẫn “say” sử làng một cách đặc biệt. Niềm say mê ấy như một mạch nguồn từ trong sâu thẳm, thôi thúc ông ngày đêm miệt mài tìm kiếm, thu lượm vốn sống, chắt lọc sử liệu để biên soạn nên nhiều cuốn sách quý về Quỳnh Đôi. Ông làm việc ấy một cách tự nguyện, với tất cả tình yêu quê hương, niềm tự hào và hiếu kính đối với các bậc tiền nhân làng Quỳnh - một làng quê thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mà từ lâu đã nức tiếng khắp cả nước về truyền thống lịch sử,văn hóa và đặc biệt là truyền thống hiếu học, nơi có nhiều người con giàu ý chí và nghị lực, cần cù và sáng tạo, vượt qua đói nghèo, thử thách, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh và kiến quốc trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Đối với một người như ông Phan Hữu Thịnh, về hưu đâu phải là để an nhàn, ngơi nghỉ. Vốn là chuyên viên cao cấp về lịch sử của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), với vốn kiến thức và hiểu biết sâu rộng, từ Hà Nội, ông chuyển về quê sinh sống. Từ đây, ông thực sự làm một công việc mà với tâm sức dốc ra, quả ngọt thu về - xét về góc độ cống hiến của một cá nhân - cũng có thể được coi như một sự nghiệp: viết sách về làng Quỳnh! Sau nhiều năm tháng xa quê, vào buổi xế chiều của đời người, được trở về nơi chôn rau cắt rốn, tình cảm của ông với quê hương càng sâu nặng. Những mối quan hệ họ mạc nồng hậu, không gian thôn quê gần gũi với cái nắng, cái gió của mảnh đất địa đầu xứ Nghệ đã thấm vào ông, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của ông. Càng đi sâu nghiên cứu về làng Quỳnh, ông càng phát hiện thêm nhiều điều quý giá, nhiều nhân vật lịch sử và đương đại có đóng góp quý giá cho quê hương, đất nước, càng thu lượm được nhiều giai thoại, câu chuyện hấp dẫn, rất đặc trưng về con người và mảnh đất Quỳnh Đôi. Và như một lẽ tự nhiên, ông mong muốn chia sẻ những điều mình tâm đắc, những điều mình chiêm nghiệm được với nhiều người, trước hết là với những người con Quỳnh Đôi. Và những cuốn sách của ông cứ nối tiếp nhau ra đời.
Vào mùa Thu năm 2014 này, ông Phan Hữu Thịnh quyết định xuất bản cuốn sách Quỳnh Đôi - Làng Văn hóa, xã Anh hùng, gồm các bài viết chọn lọc đã đăng trên các báo, tạp chí (trong đó có nhiều bài đã đăng trên báo Nghệ An), một số phần trong những cuốn sách ông đã xuất bản, cùng với những câu chuyện, giai thoại về làng Quỳnh chưa từng công bố. Tên cuốn sách có vẻ khô khan - và thú thật, lúc đầu tôi cũng hơi e ngại rằng với một tên sách quen thuộc như vậy, rất dễ bị người đọc lướt qua - nhưng càng đọc, tôi càng bị cuốn hút bởi bao điều lý thú. Tôi đặc biệt cảm phục về sự nghiêm cẩn, công phu của ông trong việc tìm kiếm, chắt lọc tư liệu từ rất nhiều nguồn, trong đó có những tác phẩm, chữ nghĩa, câu nói đặc sắc của các khối óc thông tuệ lừng danh và cả chất liệu sống động từ sự dân dã, nôm na của chuyện đời thôn quê thường nhật. Được biết, để biên soạn nên cuốn sách này, ông đã tìm đọc rất nhiều sử liệu quê hương, nghiên cứu hết tộc phả của 20 dòng họ trong làng, từ đó tìm ra được những chi tiết hay và đắt.
Các bài khảo cứu cũng như chuyện kể về một số nhân vật và những giai thoại về học hành, khoa cử là những lát cắt tinh tế được thể hiện bằng văn phong, có lúc khúc chiết của tư duy triết học, nhưng cũng có lúc mềm mại, uyển chuyển, đầy hình ảnh của văn trần thuật, miêu tả, lại có lúc rất dí dỏm, hài hước, trào lộng - vốn là một nét tính cách đặc trưng của người làng Quỳnh. Những lát cắt đó hiện lên như những gam màu sống động cho phép người đọc hình dung ra gương mặt lịch sử - văn hóa của làng Quỳnh Đôi qua các thời đại. Hình dung, cảm nhận, tự hào và ngưỡng mộ!
Lòng tôi rưng rưng khi đọc những dòng ông viết về quần thể: Giếng Bà Cả - Đền Thần - Quan Thánh - Hiền Từ. Cả 4 di tích này đều rất gần nhà tôi ở xóm Đồng (nay gọi là thôn 4) - nơi gắn bó máu thịt với tuổi thơ lam lũ của chúng tôi. Mỗi lần về quê nhà, đứng trước cổng Đền Thần (di tích duy nhất đã được phục dựng một phần), tôi thường nhìn ra nơi xưa kia là Nhà Thánh, Hiền Từ, bây giờ đã bị san phẳng thành đồng ruộng. Còn giếng Bà Cả ngày trước rộng, sâu và có dáng hình uốn lượn mềm mại, nước ngọt, trong vắt, nuôi sống làng trong suốt 5 thế kỷ (giếng được vợ chồng bà Hồ Thị Khai, con gái đầu của cụ Hồ Hân - một tá khai quốc công thần thời Lê Lợi - thuê người đào ở gò Ngọc suốt 2 năm từ 1420 đến 1422), thế mà bây giờ gần như bị lấp hoàn toàn, chỉ còn lại một khoảnh rất nhỏ. Những giây phút ấy, trong tôi lại trào lên sự nuối tiếc khôn nguôi.
Viết về lịch sử, tuy nói chuyện ngày xưa, nhưng ông vẫn thường liên tưởng đến chuyện ngày nay, tuy nói về một địa phương nhưng các địa phương khác có thể qua đó rút ra được những điều bổ ích. Truyện kể, giai thoại về các nhân vật của ông tuy nói về những con người, sự việc cụ thể của làng, nhưng được chọn lọc kỹ, có tính điển hình, nên người đọc dù không phải người Quỳnh Đôi vẫn thấy lý thú. Lại có những điều ông tự đúc kết, suy ngẫm, nghe thì ai cũng có thể hiểu ngay nhưng hình như chưa có ai nói ra như vậy. Có thể nói, cuốn sách Quỳnh Đôi - Làng Văn hóa, xã Anh hùng là sản phẩm của sự kết hợp giữa kiến thức lịch sử với những chiêm nghiệm đời sống, cùng với phương pháp tiếp cận vấn đề hợp lý, với ngôn ngữ trong sáng, gần gũi, lối viết chặt chẽ, kiệm lời..., tất cả tạo nên dấu ấn tác giả Phan Hữu Thịnh.
Lịch sử như một dòng sông. Việc nghiên cứu về lịch sử một làng quê đặc biệt như làng Quỳnh là hành trình không có điểm dừng. Gần đây, khi về thăm quê Quỳnh Đôi, tôi thường có cảm giác trống vắng, buồn thương khi biết lại có thêm các cụ cao niên trong xóm, trong làng về cõi vĩnh hằng.Thời gian không chờ đợi ai. Có lẽ bởi thế mà mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ngày ngày ông Phan Hữu Thịnh vẫn không ngơi nghỉ với sử làng. Tôi hiểu, ông muốn những gì mà các bậc tiền nhân và các thế hệ đương đại đã dốc sức gây dựng nên, đời nối đời, thành những giá trị di sản thiêng liêng, cao quý của làng Quỳnh Đôi thì phải được nâng niu, ươm giữ và nhất là phải phát huy trong thời đại mới, để làng Quỳnh không phải chỉ đẹp trong sử sách mà còn rạng ngời trong hiện thực đến mai sau.
Học lịch sử không chỉ là để tự hào, không chỉ là để chiêm ngưỡng ánh hào quang của quá khứ, mà quan trọng hơn, cấp thiết hơn là nhận thấy sâu sắc trách nhiệm của mình tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày nay, để không hổ danh là con cháu của làng Quỳnh - quê hương của biết bao con người xuất chúng như: Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, Hồ Xuân Hương, Văn Đức Giai, Phạm Đình Toái, Hồ Học Lãm, Hồ Bá Kiện, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Hoàng Trung Thông, Phan Cự Đệ, Hồ Đức Việt...
Hy vọng những trang sách nhỏ trong cuốn Quỳnh Đôi - Làng Văn hóa, xã Anh hùng sẽ góp phần làm rạng danh quê hương Quỳnh Đôi, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng lịch sử - văn hóa làng Quỳnh như một dòng sông không bao giờ ngừng chảy. Dòng sông ấy trao truyền cho mỗi chúng ta nguồn cội tinh thần bền vững, kết nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, là điểm tựa tuyệt vời giúp người Quỳnh Đôi vững tâm bước đi, viết tiếp những trang sử mới đáng tự hào của quê hương.
Tôi tin như vậy!
Nhà báo Hồ Quang Lợi
Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội