(Baonghean) - GS.Trần Đình Hượu (1926 - 1995) được biết đến là một chuyên gia về lĩnh vực tư tưởng phương Đông và Văn học Trung đại Việt Nam. Cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông trải qua không ít thăng trầm, cuối cùng đã được hậu thế ghi nhận và tôn vinh. Ông ra đi đã ngót 20 năm, nhưng những luận điểm khoa học vẫn hết sức có giá trị đối với hiện thời và cả mai sau...
 
images1007554_a.jpgGS Trần Đình Hượu và các thế hệ học trò. Ảnh tư liệu
 
GS. Trần Đình Hượu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho ở làng Võ Liệt (Thanh Chương). Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, Trần Đình Hượu về quê tham gia hoạt động của tổ chức Việt Minh từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp khu và trở thành người lãnh đạo phân hội "Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác" ở Nghệ An. Sau đó, ông được cử đi học tại Trường Đào Duy Từ (Thanh Hoá), rồi học hệ dự bị của Đại học Kháng chiến. Học xong đại học, Trần Đình Hượu được cử về giảng dạy tại Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An). Năm 1959, ông được cử sang Matxcơva (Liên Xô), chính thức trở thành nghiên cứu sinh triết học. Tại Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU), Trần Đình Hượu được hướng dẫn nghiên cứu về đề tài triết học cổ đại Trung Quốc. Về nước, Trần Đình Hượu xin về công tác tại Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho đến ngày nghỉ hưu (từ 1963 -1993). 
 
Cùng với sự trải nghiệm thực tế qua một nhãn quan hết sức tinh tường, Trần Đình Hượu đã có những đúc kết khoa học giúp chúng ta có dịp nhìn rõ hơn về nguồn gốc, bản chất của chủ nghĩa Đại Hán. Từ 1979, tức là cách đây 35 năm, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vừa kết thúc, Trần Đình Hượu đã có bài viết “Nho - Pháp tỉnh dụng và con đường bành trướng của thiên triều” (được tập hợp trong công trình “Trần Đình Hượu tuyển tập” (tập 1), Nxb Giáo dục, 2007, tr. 689 - 713). Ở bài viết này, ông đã đi sâu bàn bạc các vấn đề cơ bản: Chế độ chuyên chế của hoàng đế - thiên tử, đường lối bành trướng của thiên triều, quan hệ giữa đối nội chuyên chế và đối ngoại bành trướng. Theo ông, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã có sự kết hợp giữa hai hệ tư tưởng Nho gia và Pháp gia để phục vụ cho chính sách bành trướng. Hay nói cách khác, Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán xuất phát từ sự kết hợp giữa Nho gia luôn đề cao nhân nghĩa và Pháp gia cổ vũ, sùng bái bạo lực và chiến tranh. Sự kết hợp này đã dựng nên một ông vua chuyên chế, hà khắc với thần dân và luôn lăm le xâm lược các nước láng giềng: “Pháp gia và Nho gia đều ra đời trên cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ chuyên chế Trung Quốc. Cả hai học thuyết bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau và tạo cho chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc - chủ nghĩa bành trướng thiên triều - những đặc trưng mang dấu ấn của chế độ chuyên chế đó”.
 
GS. Trần Đình Hượu viết: “Xâm lược nước láng giềng là cách kiếm lợi nhưng chủ yếu là để tăng thêm uy thế. Đánh là cướp bóc mà cũng để đòi thêm cống nạp. Nhưng đánh cũng còn để ra oai, tỏ ra còn đủ sức trừng phạt những ai lăm le chống đối. Cho nên nhiều khi đánh là để mua danh. Sự thuần phục của chư hầu - nhiều khi chỉ là về danh nghĩa - cũng tăng thêm uy thế đối nội và đối ngoại, cứu vớt được thế suy sụp. Đó là con đường lấy ngoài yên trong của hoàng đế”. Chúng ta dễ dàng nhận thấy kết luận này không chỉ đúng với bản chất các triều đại phong kiến Trung Quốc mà còn đúng với bản chất của nước Trung Hoa ngày nay. Khi đang phải đối mặt với không ít vấn đề nảy sinh từ trong nước như bạo loạn ở khu tự trị Tân Cương, nền kinh tế có những dấu hiệu bất ổn, sức ép về dân số... lập tức nhà cầm quyền Bắc Kinh tìm cách đẩy mâu thuẫn ra ngoài. Điều này thể hiện ở chỗ gây hấn với các nước làng giềng như tranh chấp biên giới với Ấn Độ, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và các nước Asean. 
 
Trong bài viết nêu trên, GS. Trần Đình Hượu đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán: Hiếu chiến, hống hách và ảo tưởng. Đó là vừa thấy mình lớn mạnh, có lẽ phải, lại được trời phù hộ làm cha làm anh người khác nên xử sự hống hách, ít có tính toán lợi hại thực tế, dễ hành động một cách phiêu lưu cầu may.
 
Đặc điểm thứ 2 là ngụy thiện, sự tàn bạo của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán bao giờ cũng được ngụy trang bằng những lời lẽ nhân nghĩa, đạo lý. Chế độ chuyên chế vốn yếu, sự tồn tại của nó về bản chất là dựa vào sự lừa dối với những thủ đoạn thâm hiểm. Càng yếu lại càng mong dùng cách đe dọa, sự lừa dối ngụy thiện mà thắng người.
 
Đặc điểm thứ 3 của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán là trọng danh hơn trọng thực. Theo GS Trần Đình Hượu, chế độ chuyên chế Trung Quốc sống bằng uy tín chính trị. Nó xâm lược để bảo vệ danh hơn là giành lợi thực. Thói quen muốn làm bề trên cũng dẫn đến sự quan tâm, suy tính về danh nghĩa hơn là tính toán về thực tế. Điều này, cũng thường thành nguyên nhân gây ra hành động phiêu lưu.  
 
GS Trần Đình Hượu đã tạ thế gần 20 năm nhưng không ít các luận điểm khoa học của ông đáng để cho người đời sau tiếp tục suy ngẫm, đặc biệt là trong việc xây dựng xã hội hiện đại và quan hệ với nước láng giềng Trung Hoa. Đó là lý do vì sao mỗi lần nhắc, nhớ tới ông, nhiều người luôn bày tỏ lòng yêu mến và ngưỡng mộ đối với “Ông đồ Nghệ” của chúng ta.
 
 
Công Kiên