(Baonghean) - Như một vài con phố khác của Thành phố Vinh, phố Nguyễn Đức Cảnh đưa lại nhiều cung bậc cảm xúc bởi hình dáng khúc khuỷu, nơi rộng nơi hẹp và những lao xao bán mua giữa những quãng lặng mặt phố ngập ngừng kiến thiết cũ - mới…
 
images1003459_4b.jpgĐường Nguyễn Đức Cảnh
 
Phố này đầu những năm 1980 là một con đường nhỏ lổn nhổn đất cát. Đường nhỏ chưa đặt tên thuở ấy vốn là lối đi từ phố Nguyễn Thị Minh Khai vào khu tập thể Liên Cơ, sau khi cắt đường Lê Hồng Phong, bị lệch hẳn với tim đường phần bên này, là đi vào khu Khoa Sinh Đại học Sư phạm Vinh (cũ) và các đơn vị bộ đội đóng trong khu dân cư sâu vào phía trong phường Hưng Bình. Cho đến năm 1998 đường mới chính thức được đặt tên Nguyễn Đức Cảnh và xác định quy hoạch như bây giờ.
 
Đường Nguyễn Đức Cảnh theo tên gắn biển bây giờ chỉ dài khoảng 1 cây số. Nhưng có lẽ trên bản đồ quy hoạch, sau khi đi hết khu các trường học phường Hưng Bình, cắt đường Nguyễn Quốc Trị sẽ là tiếp tục chạy thông sang đường Nguyễn Văn Cừ. Do còn hơn 100 mét nữa cuối đường không giải tỏa mặt bằng được, làm nên một “nút chai” điển hình của giao thông nội đô thành phố, khiến cho khoảng 300 mét còn lại thông ra phía đường Nguyễn Văn Cừ phải “gánh” hai số ngõ (ngõ 3 của đường Nguyễn Quốc Trị và ngõ 333 của đường Nguyễn Văn Cừ). Cũng có thể vì cái “nút chai” lưu cữu hàng chục năm nay ấy, nên phần đường Nguyễn Đức Cảnh chạy từ đường Lê Hồng Phong về phía Đông, dù mới được quy hoạch chỉnh trang rộng rãi, mà mấy lần cựa quậy lên phố chuyên doanh vẫn không được.
 
Phần từ phía Tây nối đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Thị Minh Khai, do dân cư ở kín từ trước, nên phố quy hoạch hẹp hơn, lòng đường hẹp và vỉa hè cũng hẹp, cây xanh khép tán trùm lợp lên cả hai mặt phố chen chúc dịch vụ nhỏ, nên gợi được nét phố cũ mang âm hưởng của các đô thị xưa cũ phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Thực ra, thì diện mạo phố cũng chỉ mới có từ đầu những năm 1990, khi đất các khu tập thể liên cơ quan được hóa giá bán cho cán bộ, công nhân viên và cho đấu giá mặt đường. Khi đó, nhịp sống công chức chi phối đời sống mặt phố, dù không thuận lợi cho dịch vụ bán mua nhưng lại là lý tưởng cho những người ưa nếp sống yên tĩnh, trật tự. Lớp nhà mặt phố mọc lên cùng một vài tường bao khuôn viên công sở, chừa những lối ngõ chạy sâu vào hai bên, trổ ra một vài khu đất trống xanh tốt cây cỏ dại, là nơi hẹn hò lý tưởng cho những đôi tình nhân ưa cảnh trăng thanh đêm quê thuở điện phố còn phập phù. Sau, nhà cửa mọc lên ken dày, những con ngõ ấy dù bị ép lại nhỏ xíu, nhưng hai mặt tiền vẫn tăm tắp và uốn hun hút như mê hồn trận làm cho phố Nguyễn Đức Cảnh sớm sầm uất, đô hội với những hàng mỹ phẩm, hàng Spa làm đẹp, Shop thời trang… Hàng tạp phẩm cũng không có vẻ lam lũ bề bộn như các phố khác, mà cứ be bé, tinh chọn mặt hàng, mở ra như chỉ để bày hội chợ... 
 
Khu chung cư mới đang được hoàn thiện trên đường Nguyễn Đức Cảnh.
Quãng phố phía Tây của đường là đại diện cho ẩm thực của đường Nguyễn Đức Cảnh. Trước hết là hàng ăn sáng. Gần như cả Thành phố Vinh có thức ăn sáng gì thì ở quãng phố này có thức ấy. Người lớn, trẻ con, công chức hay cánh thợ hồ quanh đó sáng sáng đổ ra ăn, và chỉ cần dịch vài bước chân là có thể chọn được một thức hàng quà sáng mình thích. Nhưng cũng chỉ rộn lên một lúc, đến khoảng 8 giờ sáng, khi các dịch vụ khác mở cửa thì hai bên vỉa hè hàng ăn sáng vãn nhanh. Vừa đi qua phố, nếu vòng lại, tưởng như mặt phố vừa thay một chiếc áo khác! Cũng quãng phố phía Tây ấy, làm nên địa chỉ ẩm thực của đường Nguyễn Đức Cảnh là nhà hàng hải sản Hương Giang nổi tiếng nay có bán kèm cơm chay, và hàng phở Hải gia truyền Nam Định nhưng lại giữ khách chủ yếu bằng món cơm rang giòn khau kháu. Lấy cái dư âm mặt phố, vài nhà ở sâu trong ngõ cơi nới mở hàng ăn nhậu lớn, có nhà mở cả hàng yến sào, nhưng xem ra làm ăn không được như ý, vậy mà vẫn không chịu dỡ bảng hiệu, trụ mấy năm nay như thế.
 
Trái lại với bên này, thì bên quãng phố phía Đông (bắt đầu từ đường Lê Hồng Phong chỗ cà phê Điện Ảnh 2), hàng ăn sáng lác đác bên các hàng cà phê nho nhỏ. Quãng dài mặt phố phía trong nơi giao nhau đường Kim Đồng, đối diện với các trường học và Đài liệt sỹ phường Hưng Bình, dịch vụ gần như không phát triển. Phía ngoài, nơi cắt đường Lê Hồng Phong, đang có vẻ sôi động lên, có lẽ là để đón đầu cho các công trình lớn như toà chung cư cao tầng đang hoàn thiện. Quãng này có lẽ cũng là duy nhất của các phố ở Thành phố Vinh có ki-ốt bán hàng mã. Trang kim tiền vàng treo xếp ngay ngắn đủ màu, lấp lánh trên vách, trên kệ. Quãng phố này, trổ ra hai bên là những con ngõ rất rộng rãi mà thường bị nhầm tưởng là một con phố lớn nào đó nếu như không nhìn lên các tấm biển “ngõ phố văn minh” đóng đầu ngõ. 
 
Ban đầu, hai bên mặt phố quãng phía Đông này, là những nhà cấp 4 lụp xụp, sau chỉ giới đường Nhà nước quy hoạch đến đâu là đập nhà đến đó, còn lại cứ trổ một vuông cửa con con nhìn ra phố mà “dịch vụ”. Anh họa sỹ gầy gò già trước tuổi, lèm bèm thuốc lào, áo quần luộm thuộm dây phẩm xanh đỏ, lại chép tranh và vẽ báo tường, khẩu hiệu rất đẹp với đường nét bay bổng thanh thoát. Trong khi ông sửa xe đạp là cán bộ về hưu, lúc nào cũng đóng dép rọ, áo quần sơ-vin nghiêm chỉnh, chiếc radiô để bên véo von 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền, thì vá săm được lỗ này lại lóng ngóng chọc thủng lỗ kia… Ấy nhưng hợp nhau, chốc chốc ông này lại khom lưng chui qua cái lỗ vuông ấy để sang hóng chuyện ông kia một lúc. Hôm nào ông này vắng, thì ông kia như bị dở người. Rồi cái nhà ốc luộc thúng mẹt, lại là nơi tụ tập ưa thích của mấy anh chị làm ở một cơ quan văn hóa ở trụ sở thuê phía đối diện… Bây giờ, thì các hàng vẽ, vá, ốc… ấy không còn, nhịp phố có nhộn lên và mặt phố có bảnh bao hơn, nhưng người cũ ở phố vẫn khó nhạt những cảm nhận cũ. Có lẽ thế chăng mà quãng phố ấy lại đang mọc dần lên ngoài hàng tiền vàng mã, là hàng quả sính lễ cưới hỏi, hàng chổi đót, chổi tre… toàn gợi cái gì xưa cũ cả?
 
Có thể nay mai khi giải phóng được “nút” chai cuối phố phía Đông, đường Nguyễn Đức Cảnh sẽ lưu thông mạnh mẽ trở thành một phố chuyên doanh mặt hàng nào đó như anh bạn là cán bộ đô thị dự báo. Nhưng tôi tin rằng, một phần đường Nguyễn Đức Cảnh vẫn mãi lưu giữ được nét phố nhỏ bảng lảng hồn xưa cũ như bây giờ. 
 
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh, nay là Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1926, ông lên Hà Nội làm công nhân nhà in và bắt đầu quá trình tìm hiểu về giai cấp công nhân, xác định con đường đấu tranh cách mạng.
 
Tháng 2/1928, Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng Hải Phòng rồi Bí thư Khu bộ Hải Phòng. Đầu tháng 3/1929, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở nước ta được thành lập gồm 7 đảng viên trong đó có Nguyễn Đức Cảnh… Ngày 28/9/1929, tại Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng Thư ký và phụ trách tờ báo "Lao động" và Tạp chí "Công hội đỏ". Tháng 2/1930, Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Cuối tháng 10/1930, ông được điều động vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
 
Tháng 4/1931, thực dân Pháp và tay sai bắt Nguyễn Đức Cảnh tại làng Yên Dũng Hạ, nay là phường Bến Thủy, TP. Vinh và giải ông ra Hỏa Lò - Hà Nội, kết án tử hình. Ngày 31/7/1932, địch sát hại Nguyễn Đức Cảnh tại nhà lao Sông Lấp - Hải Phòng. Tên ông được đặt tên đường ở nhiều đô thị miền Bắc.
 
Đình Sâm