(Baonghean) - Về Nghệ An, nếu muốn làm một “tua” đi và đến trọn vẹn được 3 trọng điểm du lịch: Cửa Lò, TP. Vinh và Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn), thì tuyến thuận nhất là đi theo Quốc lộ 46. Từ điểm rẽ cầu Rộ tiếp tục thẳng lên phía Tây bắc huyện Thanh Chương, nối sang huyện lỵ Đô Lương. Trước khi đến với đất xứ Lường nổi tiếng, bạn có thể dừng chân ngay ở đầu cầu Rộ, vào với làng Nguyệt Bổng – Thanh Nam (xã Ngọc Sơn) mà người dân ở đây tự hào dựng một cái cổng chào to ghi tên làng như mời mọc khách xa.

Bên kia cầu Rộ là một vùng văn vật, sinh thái Võ Liệt – Thanh Thủy khá quyến rũ. Nhưng bên này là xứ Nguyệt Bổng cũng không làm bạn thất vọng. Những di tích, cứ liệu chứng tỏ rõ trầm tích lịch sử - văn hóa đang từng bước được khơi dậy nuôi dưỡng mạch nguồn truyền thống cho đất và người hôm nay. Hẵng khoan vào làng. Mà cứ thong thả ghé chợ xép bên đường, vào hàng nước chè xanh mà cây chè được trồng trên đồi hữu ngạn Thanh Chương cằn đất gan gà có cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, lá mập như lá sim. Om ấm chè lên rồi rót ra rõ 3 vòng màu sánh lên trong bát sứ trắng muốt, tỏa lên mùi thơm nồng nàn như ướp vào đó cả vị gió Lào “đặc sản” miền Trung. Chiêu một bát nước chè xanh, nhấm nháp thanh kẹo lạc ngào với mật mía đệm vị gừng tươi, bạn sẽ cảm khoái để “ồ, à” lên là xứ Nghệ có bao nét ẩm thực thú vị?
images1004403_nh__th__h__l__kim___l_ng_nguy_t_b_ng___nh_h__l_nh.jpgNhà thờ họ Lê Kim ở làng Nguyệt Bổng. Ảnh: Hà Lành
 
Trễ xuống chút mé sông Lam, giữa mướt mát xanh rau màu bãi phù sa, là một nếp cong cong cổ kính. Nhà thờ họ Lê Kim di tích lịch sử - văn hóa đã được cấp bằng, thờ nhiều nhân vật lịch sử trong đó có một bậc tiền nhân – cụ Lê Duy Ứng (1814 – 1885), người có công khai phá đưa vùng Nguyệt Bổng lên tầm phú quý. Sách “Thanh Chương xưa và nay” ghi: “Làng Nguyệt Bổng đẹp như một vầng trăng nổi lên bên dòng sông Lam hiền hòa. Di tích nhà thờ họ Lê Kim tọa lạc trên một khu đất rộng 2.500 m2 ven bãi sông với thế đất “tiền án hậu chẩm”. Trước mặt nhà thờ là dòng Lam trong xanh uốn lượn, xa xa là dãy núi Ngọc che chắn những cơn gió độc, phía sau lại tựa lưng vào dãy núi Cồn Chạn vững chãi điệp trùng…Từ năm 1903, khi lên dạy học ở xã Võ Liệt, Thanh Chương, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gửi cậu Nguyễn Tất Đạt (ông cả Khiêm – anh ruột Bác Hồ) ở lại trong nhà thờ họ Lê Kim cùng ăn ở học tập với một cậu ấm con nhà thuộc họ này. Hàng tuần cậu Nguyễn Tất Thành (tức Bác Hồ) từ Võ Liệt được sang thăm anh và có lúc được ở lại học tập, vui chơi với anh trai và các bạn trong làng… Đất và người ở đây đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí cậu Nguyễn Tất Thành. Vì thế sau này khi trở thành Chủ tịch nước, mỗi dịp gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bác đều hỏi về tình hình làng Nguyệt Bổng…”. 
 
Nhà thờ còn nguyên nơi cũ và các kỷ vật mấy trăm tuổi thời gian vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, dù làng xưa đã chuyển vào núi Cồn Chạn vừa tránh lũ lụt, vừa để nhường đất cho sản xuất nông nghiệp thời HTX cũ. Nhưng người làng vẫn đậm nếp hiếu học, lịch thiệp trong ứng xử, cảnh quan phảng phất cái mềm mại lai láng cây đa, bến nước, sân đình… Thế nên Nguyệt Bổng mới là đất sinh ra vị đạo diễn gạo cội duy nhất cho đến nay kiên định với con đường chính kịch trong lĩnh vực sân khấu điện ảnh Việt Nam - Nghệ sỹ nhân dân Ngô Xuân Huyền với những vở diễn nổi tiếng: “Ô-ten-lô”, “Vòng phấn Kap-ka”, “Tiếng hát tình yêu”, “Cát bụi”…
 
Vào Nguyệt Bổng – Thanh Nam rồi là tiếp đất Thanh Lam cũng thuộc Ngọc Sơn ngay đó, nơi phát tích của dòng họ Nguyễn Cảnh từ 6 thế kỷ trước đến nay nổi tiếng với những nhân vật lịch sử có công với nước được nhiều nơi thờ tự trên đất Thanh Chương và Đô Lương như Nguyễn Cảnh Huy, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Chân… và dưới chân núi Ngọc Sơn bây giờ có mộ ngài Nguyễn Cảnh Cảnh thường gọi là Cồn Vệ được xây dựng rất uy nghi, là lăng mộ lớn nhất của họ Nguyễn Cảnh. Theo “Hoan Châu ký”, thì đây là ngôi mộ phát tích dòng Nguyễn Cảnh Hoan Châu do một thầy địa lý giỏi chọn. Làng ở Thanh Lam vẫn mang vẻ thôn mạc cổ xưa, có câu lạc bộ ca trù thường xuyên sênh phách, sẵn sàng phục vụ du khách với những ca nương, kép đờn vốn là nông dân, nhưng khi đã khép chân ngồi vào chiếu hát là lộ cái tài tử giai nhân, đưa người nghe vào thăm thẳm hồn nhã nhạc của dân tộc.
 
Chỉ cần vài, ba tiếng đồng hồ ghé vào làng Nguyệt Bổng – Thanh Chương, bạn đã thu lượm thêm cho mình một vốn quý về đất và người xứ Nghệ - Hoan Châu. Để tiếp tục lên nữa qua huyện lỵ Dùng mà ngược xứ Lường lắm giận nhiều thương trong câu ví, dứt khoát bạn sẽ ngạc nhiên với núi Nguộc – Ngọc Sơn lô xô đá dựng, “búng ra dòng Lam như một hữu ý tuyệt vời của thiên nhiên” mà nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại từng phải dừng chân mê mẩn thốt lên như thế!
 
Anh Vũ