Hai đại sĩ phu họ Phan và sự thức tỉnh của dân tộc
Bước vào thế kỷ XX, sau khi xâm lược xong nước ta, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa Việt Nam. Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, Pháp buộc phải xây dựng các cơ sở công nghiệp, đồn điền, mở mang giao thông - vận tải và các dịch vụ. Phương thức sản xuất tư bản bắt đầu du nhập vào nền kinh tế Việt Nam. Nền giáo dục Hán học bị bãi bỏ… Những thay đổi đó đã làm chuyển biến mạnh mẽ cấu trúc xã hội. Giai cấp công nhân, giai cấp tư sản bắt đầu hình thành. Tầng lớp trí thức kiểu mới xuất hiện.
Tuy nhiên, mâu thuẫn dân tộc vẫn tồn tại. Người dân Việt Nam vẫn khát khao và quyết chí giành độc lập dân tộc. Nhưng, hệ tư tưởng phong kiến và đội ngũ sĩ phu đã bất lực trước nhiệm vụ lớn lao và khó khăn này. Trách nhiệm đặt lên vai những đội ngũ mới. Đó là giai cấp công nhân, trí thức và tư sản dân tộc.
Bước sang thời cuộc mới đòi hỏi phải đổi thay tư duy về con đường cứu nước. Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là bản lề của quá trình thay đổi nhận thức này. Hai ông là người tập hợp, dẫn dắt và lãnh đạo đầu tiên cho một công cuộc cứu nước mới. Nhưng mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Phan Bội Châu thành lập Hội Duy Tân, chủ trương bạo động vũ trang và chuẩn bị lực lượng cho công cuộc phục quốc bằng con đường Đông du sang Nhật “đồng chủng, đồng văn” và là một đế quốc tư bản mới xuất hiện. Phan Chu Trinh thì khác. Ông chủ trương phong trào Duy Tân cứu nước theo con đường: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Dù là ai trong hai thủ lĩnh này thì lực lượng chủ yếu của họ vẫn là thanh niên. Hơn 200 sinh viên theo Phan Bội Châu sang Nhật đều là thanh niên. Học trò các Trường học Đông Kinh nghĩa thục, tham gia phong trào Duy Tân theo tư tưởng Phan Chu Trinh cũng là thanh niên. Hai chí sĩ họ Phan là những người “gọi hồn nước” (Phan Bội Châu), tập hợp thanh niên yêu nước cho công cuộc cứu nước những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX để “làm mới dân tộc” (Phan Chu Trinh).
Những năm đầu thế kỷ XX, tuổi trẻ Việt Nam đã tiếp thu “tân thư, tân văn” và nhận thức về con đường cứu nước mới hơn, khác hơn cha anh. Ở họ vừa có sự hào sảng của tráng sĩ cứu nước, vừa có tư duy chính trị lý tính của thời đại mới.
Phong trào đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh là một cuộc tập hợp, biểu dương lực lượng của tuổi trẻ yêu nước trong khắp cả nước. Từ phong trào này, các tổ chức yêu nước mới đã ra đời và lực lượng nòng cốt vẫn là thanh niên. Đó là Đảng Phục Việt (1925), Hội Hưng Nam, Việt Nam cách mạng đồng chí hội, Đảng Tân Việt do các trí thức cựu tù chính trị và các giáo viên, sinh viên, thanh niên như: Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh… thành lập ở Vinh (Nghệ An). Chủ trương của các tổ chức này nhằm "Đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái...". Là Quốc dân Đảng (1927) do Nguyễn Thái Học và các bạn thanh niên sinh viên sáng lập nhằm: “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Namđộc lậpcộng hòa. Đồng thời, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các nước lân cận: Ai Lao, Cao Miên”.
Ở một hướng khác,sau Đông Du sang Nhật thất bại, một số yếu nhân của Hội Duy Tân mà đại biểu là Đặng Thúc Hứa đã tìm đường sang Xiêm, rồi từ đó sang Trung Quốc. Tại Xiêm, họ đã tổ chức Trại cày - một tổ chức sản xuất sinh sống để hoạt động cách mạng. Từ năm 1909, họ đã đón hàng trăm thanh, thiếu niên từ Nghệ Tĩnh sang để huấn luyện rồi từ đó gửi sang Quảng Châu.
Những thanh niên từ Xiêm sang Quảng Châu, tiêu biểu là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã lập ra Tâm Tâm Xã (Tân Việt thanh niên đoàn - 1923) với mục đích “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và nguồn lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền lợi làm người của Việt Nam”.
Lại có một hướng xuất dương khác nữa. Đó là các thanh niên sang Pháp du học. Họ tiếp xúc với văn hóa và tư tưởng cách mạng tư sản Pháp và cả Chủ nghĩa Mác, từng bước giác ngộ và tổ chức hoạt động yêu nước. Có thể kể đến các nhân vật tiêu biểu như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo…
Người thanh niên yêu nước quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) Nguyễn Tất Thành cũng sang Pháp và các nước Âu - Mỹ nhưng không phải du học mà chủ động dấn thân vào lao khổ để tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc với Phan Chu Trinh và nhóm thanh niên yêu nước du học tại Pháp và đã sớm có những phối hợp hành động.
Ngày 19 tháng 6 năm 1919, Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".
Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội
Sau sự kiện gửi Hội nghị Versailles "Yêu sách của nhân dân An Nam", Nguyễn Tất Thành với tên mới là Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đảng Xã hội Pháp rồi trở thành thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Người đã sang Liên Xô, hoạt động cho Quốc tế Cộng sản III. Từ một thanh niên tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc trở thành Chiến sĩ Cộng sản quốc tế. Năm 1925, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) để tổ chức và lãnh đạo cách mạng vô sản Việt Nam.
Khi về đến Quảng Châu, với bí danh Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với Phan Bội Châu, các thành viên Tâm Tâm Xã, tuyên truyền đường lối cách mạng vô sản và thành lập tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn gồm có 9 người và kết nạp 5 đảng viên cộng sản dự bị trong đó có: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong. Đồng thời, tổ chức đội thiếu niên yêu nước gồm 8 người chủ yếu do Đặng Thúc Hứa gửi từ Trại Cày - Phì Chịt (Xiêm) sang. Đội thiếu niên này đều mang họ Lý, họ của Lý Thụy - bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.
Sau một thời gian huấn luyện, từ những hạt nhân này, tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, gọi tắt là Hội Thanh niên. Tôn chỉ mục đích của Hội là: "Phấn đấu để thu phục lấy đại bộ phận thợ thuyền, dân cày và binh lính, dẫn đạo cho quần chúng bị lao khổ ấy liên hiệp với vô sản giai cấp thế giới để một mặt đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, chế độ phong kiến; một mặt tham gia vào cuộc thế giới cách mạng sản trừ tư bản chủ nghĩa cả thế giới đặng thực hiện chủ nghĩa cộng sản".
Sau khi thành lập, Hội đã phái người về nước để tuyển người sang dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu hay gửi sang học tại Đại học Phương Đông (Liên Xô). Đồng thời, Hội tiến hành lập các chi bộ các cấp ở trong nước; xuất bản báo Thanh niên, Lính Cách mệnh; tuyển người đi học quân sự ở Liên Xô hoặc Hoàng Phố.
Năm 1927, các kỳ bộ ở trong nước được thành lập xong. Năm 1929, tổ chức của Thanh niên hội được thiết lập và phát triển khắp đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Pháp.
(Còn tiếp)