Điểm nhấn vườn chuẩn
Khu vườn của gia đình ông Lê Trọng Mừng ở xóm Lung Thượng là 1 trong 5 khu vườn được công nhận đạt các tiêu chí “vườn mẫu nông thôn mới” của xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn). Trên diện tích hơn 3.200m2, trừ hơn 472m2 xây dựng nhà ở, sân, đường đi, ông Mừng quy hoạch theo từng vùng chăn nuôi, sản xuất với những cây, con có giá trị kinh tế. Bao gồm: Khu vực chuồng trại chăn nuôi; khu vực trồng cây ăn quả, rau màu; vườn cây thuốc Nam.
Tất cả các khu vực đều tuân thủ theo các tiêu chí xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới như: Có bản quy hoạch; ứng dụng tiến bộ KHKT; đảm bảo môi trường, cảnh quan và nâng cao thu nhập. Quá trình “vận hành” vườn mẫu, gia đình ông Mừng tích cực ứng dụng đệm lót sinh học, tăng tỷ lệ thảo dược làm thức ăn trong chăn nuôi, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng cùng với nhiều biện pháp sản xuất, chăn nuôi sạch. Với cách làm đó, các sản phẩm từ khu vườn của gia đình ông được nhiều thương lái đặt hàng thu mua và thu nhập tăng lên nhiều lần so với trước đây.
Cũng ở xóm Lung Thượng, gia đình ông Lê Trọng Sơn có vườn mẫu nông thôn mới rộng trên 8.000 m2 đã quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi hợp lý, góp phần tăng thu nhập. Từ đầu năm 2021, ông đầu tư trồng 3 sào bí xanh, hiện diện tích này đã cho quả, dự kiến đạt khoảng 4 tấn/sào. Theo ông Sơn, thương lái đã đến đặt mua tại vườn với giá 7 triệu đồng/tấn. Với hiệu quả đó, ông Sơn đang dự tính sẽ trồng khoảng 8 sào bí xanh trong khu vườn mẫu.
Đánh giá về những khu vườn mẫu trên địa bàn, đồng chí Lô Văn Cường - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi khẳng định: “Lợi thế của xã là diện tích đất vườn của các hộ dân khá lớn. Trên cơ sở đó, cùng với sự hỗ trợ của huyện về cả kinh phí và kỹ thuật, nhiều hộ đã nâng cao thu nhập từ xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới. Từ 5 vườn mẫu thành công, xã đang vận động, khuyến khích các hộ khác xây dựng vườn mẫu. Đây được xem là một điểm nhấn quan trọng trên chặng đường xây dựng nông thôn mới của xã”.
“Đề án xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới tại huyện Nghĩa Đàn” được thực hiện trong năm 2020. Hội Nông dân huyện được giao là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện. Đầu năm 2021, huyện Nghĩa Đàn thẩm định, công nhận 26 vườn chuẩn (mỗi hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng) trên địa bàn 22 xã, trong đó, có 21 xã, mỗi xã thực hiện 1 vườn, riêng xã Nghĩa Lợi thực hiện 5 vườn tại xóm Lung Thượng để thực hiện mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn với gia đình ông Trần Đạo Dũng, ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu, khu vườn mẫu được xây dựng trên diện tích hơn 8.000m2 với vườn, ao, chuồng, khu vực cây ăn quả được sắp xếp khoa học, “mùa nào thức nấy”. Dưới tán cây ăn quả, ông Dũng còn đặt nuôi hàng chục tổ ong mật đem lại “lợi ích kép”, vừa đem lại nguồn mật, vừa góp phần giúp cây ăn quả thụ phấn khi đến mùa. Đặc biệt, trong khuôn viên vườn chuẩn, ông xây dựng hệ thống sân nhà, lối đi hợp lý, tạo cảm giác như một công viên. Ông Dũng cho rằng, “vườn gia đình có sẵn, được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng để làm vườn chuẩn nông thôn mới, mình làm cho đẹp…”.
Thực hiện Đề án xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, năm 2021, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục lồng ghép kinh phí của tỉnh và huyện với hình thức tăng số lượng vườn từ 45 - 50 vườn, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/vườn. Huyện cũng đặt mục tiêu các cấp chính quyền, các ngành liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đồng hành cùng nông dân để có sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, gắn với Chương trình OCOP. Cùng đó, quan tâm có cơ chế, chính sách tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn. Kêu gọi doanh nghiệp hợp đồng ký kết theo chuỗi từ sản xuất, đầu vào, chế biến cho đến tiêu thụ. Kết nối với các địa phương trong tỉnh, cả nước để tiêu thụ sản phẩm.
Nghĩa Đàn có trên 3.400 ha đất vườn hộ, phần lớn là đất đỏ bazan rất tốt, khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện khác cơ bản thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, ổi, bơ… Qua rà soát, huyện có trên 1.800 vườn hộ diện tích từ trên 500m2 trở lên có thể xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 10 nghị quyết, chương trình, đề án cụ thể gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành và cá nhân trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Trong đó, chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới (KH 06-KH/HU) được gắn với thực hiện đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của MTTQ, đoàn thể các cấp và các chương trình phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn.
Huyện ủy Nghĩa Đàn cũng ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể được Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn phát động cán bộ, đảng viên mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể cấp huyện nhận hỗ trợ 1 xóm của xã chưa về đích xây dựng nông thôn mới. Đi đầu và kịp thời nhất là cơ quan Huyện ủy và UBND huyện, tiếp đó là MTTQ huyện, quân sự, công an và các tổ chức, đoàn thể cấp huyện. Mô hình này đã thực hiện đạt hiệu quả cao ở xã Nghĩa An, giúp xã này đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện Nghĩa Đàn phấn đấu đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Trên cơ sở đó, huyện phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác cùng nhân dân các địa phương hoàn thành tốt các tiêu chí nông thôn mới. Huyện Nghĩa Đàn đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo “Ba không” là: Không nợ đọng trong xây dựng cơ bản, không bệnh thành tích, không huy động quá sức dân và đạt chất lượng bền vững các nội dung, tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hiện 14/22 xã ở Nghĩa Đàn đã về đích nông thôn mới. Theo kế hoạch đến năm 2024, 8 xã còn lại sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và 4 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Xây dựng thành công huyện nông thôn mới là mục tiêu lớn có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Theo đồng chí Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn, để thực hiện thành công, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm cùng với cộng đồng dân cư bắt tay vào những phần việc cụ thể, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Quá trình đó, kịp thời sơ, tổng kết để biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích, đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, yếu kém hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phục vụ nhu cầu, lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân; từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn đồng bộ và phù hợp với xu hướng phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn theo hướng tiến bộ, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xây dựng môi trường sống ở nông thôn tiến bộ, dân chủ, bình đẳng, ổn định; tiếp tục giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa; bảo vệ môi sinh, môi trường; đảm bảo và củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.