TỪ ANH GIẢI SAN XỨ NGHỆ ĐẾN NHÀ YÊU NƯỚC KIỆT XUẤT
Cụ Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867 tại thôn Sa Nam, xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn - Nghệ An, mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, nổi tiếng là nơi “địa linh nhân kiệt”, “danh thắng trùng lai”.
Với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng bạo động, Phan Bội Châu đã thành lập Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội nhằm tập hợp các lực lượng đấu tranh bằng vũ trang cách mạng và nhờ viện trợ của bên ngoài. Và phong trào để lại nhiều dấu ấn sâu sắc nhất vẫn là phong trào Đông Du với tinh thần “đồng châu, đồng chủng, đồng văn”, Phan Bội Châu đã được một số nhà chính trị Nhật Bản hết lòng ủng hộ, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình, vô tư của bác sĩ Asaba Sakitaro.
Nhờ đó, từ năm 1905 - 1908, đã có trên 200 du học sinh Việt Nam xuất dương sang Nhật Bản học tập. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một nhà nho yêu nước đã có cái nhìn tiến bộ nhất, mới mẻ nhất về sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân phong kiến vì nhân dân, vì quyền lợi của chính người dân chứ không phải vì một chế độ nào, hay một ông vua nào. Thời gian 1905 - 1908 là thời gian đắc ý nhất của cụ Phan trên đất Nhật. Những hoạt động ở nước ngoài của cụ Phan đã cổ vũ rất lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng trong nước, lay động thức tỉnh hàng triệu trái tim yêu nước đứng lên đấu tranh chống giặc.
Phong trào Đông Du và tư tưởng giải phóng dân tộc của cụ Phan Bội Châu
Xác định con đường cứu nước bằng việc xuất dương sang Nhật là tư tưởng vượt thời đại của một nhà nho thời bấy giờ. Phong trào Đông Du tuy không thành công, nhưng đã tạo nền tảng cho những thay đổi của nước ta đầu thế kỷ XX. Góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, và nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của Cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đây chính là gạch nối quan trọng, mốc đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và cho đến nay phong trào Đông Du vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu từ anh Giải San xứ Nghệ, sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất cho các chí sĩ, sĩ phu yêu nước của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Trong nhân cách lớn Phan Bội Châu có sự kết hợp chặt chẽ giữa 2 phương diện chính trị và văn hóa.
Trước khi trở thành vị lãnh tụ của phong trào Duy Tân và tổ chức Việt Nam Quang phục hội, Phan Văn San nổi danh khắp cả nước về tài năng Hán học, là một trong những “nghệ nhân phường vải” nổi tiếng lúc bấy giờ. Khi trở thành một nhà cách mạng, cụ Phan lại có sự song hành phát triển giữa nhân cách chính trị và nhân cách văn hóa. Từ năm 1925 đến những năm cuối đời bị thực dân Pháp quản chế ở Huế, dù không trực tiếp tham gia đấu tranh với kẻ thù nhưng cụ Phan vẫn tiếp tục sự nghiệp bằng ngòi bút có khả năng chuyển sấm chớp vào thời cuộc.
Trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng đã có một thế hệ dân chúng đã thao thiết với lời cụ Phan nói, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Cụ là một nhà chí sĩ yêu nước, một nhà văn hóa lớn... Chúng tôi mỗi học sinh nam nữ nghe Cụ cất tiếng kêu gọi, lòng sáng bừng lên như một bó đuốc, cảm thấy làm gì cũng làm được, bất chấp quên mình như thế nào, hy sinh như thế nào. Sức kêu gọi, sức hô hào của Cụ Phan Bội Châu là như vậy .
Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương
Trong suy nghĩ của Phan Bội Châu, tầng lớp thanh niên là nòng cốt có vai trò quyết định đến vận mệnh của đất nước. Những tháng ngày cuối đời, nhà chí sĩ Phan Bội Châu lòng vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm ưu ái, biết bao niềm hy vọng ở đồng bào, đồng chí. Cho đến trước khi nhắm mắt xuôi tay ngày 29/10/1940 (29/9 năm Canh Thìn) tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự, cụ Phan vẫn có lời nhắn gửi: “Chúc phường hậu tử tiến mau!”.
Cụ Phan Bội Châu đã đi xa nhưng dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới luôn tưởng nhớ đến một con người vĩ đại. Mặc dù Phan Bội Châu có “thất bại một trăm lần’’, nhưng ngày nay mỗi lần nói đến sự thành công của Đảng ta trong cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ, chúng ta vẫn không quên nhắc đến công lao của cụ và các nhà yêu nước tiền bối khác.
CÔNG TRÌNH TRI ÂN Ý NGHĨA
Để tưởng nhớ công lao của cụ, Khu Lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn đã được bảo tồn, giữ gìn tại hai điểm: Quê nội ở làng Đan Nhiệm (nay là xóm 2, xã Xuân Hòa) và quê ngoại ở làng Sa Nam (nay là khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn). Năm 1993, ngôi nhà tranh của gia đình cụ Phan được chuyển từ quê nội về quê ngoại. Từ đó đến nay, di tích đã được nhiều lần trùng tu tôn tạo và mở rộng khuôn viên.
Trên diện tích hơn 5.000m2, hiện nay Khu Lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn có các hạng mục công trình như: Nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm (hai ngôi nhà tranh), nhà trưng bày, tượng cụ Phan. Đặc biệt, ngày 12/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 6009/QĐ.UBND-VX về việc phê duyệt đề cương sáng tác, phác thảo tượng nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu thuộc Dự án Tu bổ, tôn tạo Khu Lưu niệm Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Di tích Nghệ An đã tiến hành các bước cần thiết để tiến hành quy trình làm tượng. Trải qua nhiều lần họp duyệt và góp ý của Hội đồng nghệ thuật,tượng đã được chuyển bước phóng tượng dẹt tỷ lệ 1:1 nhằm trưng cầu ý kiến của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tỉnh nhà, cũng như những người yêu quý Cụ Phan trong cả nước để công trình được hoàn thiện, xứng tầm với những đóng góp to lớn của nhà yêu nước Phan Bội Châu và phong trào cách mạng của tỉnh nhà.
Để có tượng đài uy nghiêm nơi chốn linh thiêng này, đó là được sự hỗ trợ kinh phí một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước, một phần từ sự đóng góp của các thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, con cháu và những người yêu mến Cụ. Được khánh thành vào đúng vào dịp tưởng niệm 80 năm ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, bức tượng của là sự tri ân, tôn vinh công lao to lớn của Cụ với quê hương, đất nước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau./.