(Baonghean) - Hàng trăm tấm ảnh được cắt từ báo, tạp chí, đóng thành tập, ghi lại các chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ được cụ Võ Văn Xứng, một cán bộ lão thành của Thành phố Vinh sưu tầm, lưu lại qua 36 năm qua với lòng thành kính.
Là 1 trong 8 cán bộ lão thành của TP. Vinh, năm nay cụ Võ Văn Xứng đã 92 tuổi (sinh năm 1922), nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học. Từ năm 1942, cụ đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, ba lần rải truyền đơn chống Pháp ở Bãi Phủ (huyện Anh Sơn), lần thứ ba thì bị bắt, giam ở đồn Rạng 4 tháng, nhưng địch không khai thác được gì nên phải thả cụ. Ra tù, cụ tiếp tục hoạt động trong tổ chức Việt Minh, tích cực tham gia phong trào vận động thanh niên cứu quốc. Là một học sinh tốt nghiệp Prime (tiểu học), nói được tiếng Pháp, biết chữ Hán, lại có năng khiếu văn nghệ nên cụ vận động thanh niên rất thuận lợi. Năm 1947, cụ được kết nạp Đảng, được giao làm Bí thư Đoàn thanh niên Cứu quốc huyện Thanh Chương. Hòa bình lập lại, cụ được Tỉnh ủy điều về làm cán bộ tuyên truyền của Ty Thông tin. Năm 1960, cụ được Tỉnh ủy điều động làm cán bộ tăng cường cho khu tự trị Thái Mèo ở Tây Bắc. Quá trình hoạt động cách mạng có nhiều cống hiến, cụ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Sau 18 năm làm cán bộ tăng cường cho tỉnh bạn, năm 1978 cụ nghỉ hưu về sống với con cháu tại khối 10, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Năm 2013, cụ được trao Huy hiệu 65 tuổi Đảng. Gần 36 năm nghỉ hưu, cụ đã sưu tầm trên 300 bức ảnh Bác Hồ, cắt, dán, đóng thành tập, dưới mỗi bức ảnh đều chú thích rõ thời gian Bác Hồ sống và làm việc ở đâu, cuối tập ảnh có mục lục đánh số thứ tự. Mở hai tập ảnh ra xem, thấy mở đầu là bản Tuyên ngôn độc lập in trang trọng trên một trang báo và một bài thơ đường luật nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ được cụ chép tay với nét chữ nắn nót. Hai bên bức chân dung của Bác là đôi câu đối của Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời, do chính cụ chép bằng chữ Hán rất đẹp. Cụ mở tập ảnh chỉ cho tôi xem bài “Nghìn thu chói lọi”, một bài Văn tế Bác Hồ ngày Bác mất. Dưới bản chép tay, cụ ghi rõ tác giả là Đức Thụy ở Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An, đã đăng báo Nhân dân số 5679 ra ngày 2/10/1969. Cụ bảo rằng, bài văn tế rất chuẩn về niêm luật của thể loại văn ai biền ngẫu, nội dung cảm động, nhiều cán bộ lão thành đến đây đọc đã chép lại.
Cầm hai tập ảnh trên tay, với thuyết minh đầy đủ nội dung từng tấm ảnh, điều làm tôi ngạc nhiên là những tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với nhiều người, cụ đều nói đúng từng người một; từ những đồng chí hoạt động với Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, đến những lãnh tụ cộng sản, nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Việt Nam đã giành tự do độc lập, cụ đều đọc tên rất chính xác. Cụ nói như tâm sự: “Bác Hồ giản dị thật”. Ông con trai đầu Võ Văn Vinh (sinh năm 1950), nguyên cán bộ Chi cục Thống kê tỉnh về hưu, giải thích: “Hai tập ảnh này như là bảo bối sống của ông cụ nhà tôi. Cứ mỗi khi có chuyện không vui, tinh thần không thoải mái là cụ dở hai tập ảnh ra xem một hồi, lại thấy vui vẻ, phấn khởi”. Dòng tâm sự đầu tập ảnh, cụ ghi: “Lạ thật! Khi nào có vấn đề gì bức xúc về tâm lý, tâm thần suy nghĩ miên man, đưa xem tập ảnh này cảm thấy thanh thản, vô tư”. Ở trang 109 của tập ảnh có dán tấm băng nhỏ là một mảnh vải đen giữa có sọc đỏ, cụ cho biết đây là băng tang cụ được phát khi đi viếng Bác Hồ năm 1969. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Bác Hồ, cụ lại dở cái băng tang này ra xem để tưởng nhớ Người. Cụ bảo rằng đây là kỷ vật thiêng liêng nhất của đời cụ.
Ngồi bên cạnh cụ, nhìn bàn tay cụ run run lần dở từng tấm ảnh Bác Hồ và nghe giọng cụ cảm động nói về từng bức ảnh của Bác, lòng tôi cũng rưng rưng. Tự đáy lòng mình, tôi hiểu rằng người cán bộ lão thành này với gần một thế kỷ sống cùng bạn bè, đồng chí và con cháu, đã khắc sâu hình ảnh Bác Hồ trong trái tim mình.
Trần Hồng Cơ