Sáng 15/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Cùng dự Hội nghị có: Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là sự kiện rất quan trọng, đầy ý nghĩa nhằm quán triệt tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tới toàn ngành ngoại giao cũng như tới các cơ quan đối ngoại, ngoại vụ ở các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ, cán bộ ngoại giao đã phát biểu tham luận, tập trung đánh giá xu thế lớn của tình hình thế giới và kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đối với Việt Nam để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; đề xuất mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng và hướng đi mới nhằm triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển đất nước; đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề và ý nghĩa của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo hết sức toàn diện, sâu sắc, đúc rút cả lý luận và thực tiễn về những thành tựu, bài học của ngành ngoại giao trong chặng đường 35 năm đổi mới; quán triệt và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành những định hướng lớn để toàn hệ thống chính trị tập trung triển khai trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc bài phát biểu chỉ đạo và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dành nhiều thời gian phân tích tình hình năm 2020 và năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm khác biệt so với các năm trước đây. Đó là đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới toàn thế giới và Việt Nam. Việt Nam đảm nhận vai trò trong các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN. Chúng ta tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đã nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước các công việc đối nội, đối ngoại, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Việt Nam đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho các bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng hơn vào Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Lực lượng cán bộ làm công tác ngoại giao trưởng thành hơn về mọi mặt.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh ngành ngoại giao đã có đóng góp quan trọng trong triển khai hiệu quả ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, vừa đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng chống dịch thời gian qua. Từ một nước tiếp cận vaccine tương đối chậm, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và tự tin thay đổi trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả này có được là nhờ ngành đã bám sát, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống ngành ngoại giao, linh hoạt thích ứng với điều kiện mới; sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về một số mặt hoạt động của ngành ngoại giao, như việc nghiên cứu chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu cần cố gắng hơn; chưa phát huy được hết tiềm năng hợp tác kinh tế tại một số địa bàn chiến lược; số lượng cán bộ làm việc trong các tổ chức quốc tế còn khiêm tốn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn hạn chế; đời sống vật chất của cán bộ ngoại giao chưa được cải thiện nhiều… Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ, cảm thông với đội ngũ những người làm công tác ngoại giao về những khó khăn, thử thách trong dịch bệnh COVID-19, như một số cán bộ, nhân viên tại các sứ quán nhiễm COVID-19...
Về nhiệm vụ trong năm 2022 và 2023, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới, những kết quả đã làm được và chưa được trong thời gian qua để định hình công tác đối ngoại.
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như cạnh tranh chiến lược, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Biển Đông; tác động của đại dịch Covid-19; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường… Đây là những vấn đề toàn cầu, do đó cần có tư duy và cách tiếp cận, giải pháp toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Ở trong nước, chúng ta tiếp tục triển khai các nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; với mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trước mắt, cả nước tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc rõ nét, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức còn rất nhiều, rất lớn.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, việc phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”.
Thủ tướng nêu rõ một số nội dung, nhiệm vụ trong triển khai 3 trụ cột ngoại giao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.
Về ngoại giao chính trị, kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ hơn và ủng hộ con đường đi lên CNXH của Việt Nam, giải quyết các vấn đề trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. “Tinh thần là chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoạt động ngoại giao kinh tế phải tích cực góp phần vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút và phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; thúc đẩy các FTA hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tham gia vào các chuỗi liên kết toàn cầu, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tham gia tích cực vào phòng chống Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chuyển đổi sáng tạo; ứng phó với các thách thức toàn cầu như đã chỉ ra.
Ngoại giao văn hóa cần tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa mà Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã xác định theo tinh thần phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, thúc đẩy việc thế giới công nhận các di sản của Việt Nam, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Về vấn đề xây dựng lực lượng ngoại giao, Thủ tướng nhấn mạnh đội ngũ này phải “nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ”; đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hòa bình, đoàn kết, nhân ái, tin cậy, thủy chung, linh hoạt, sáng tạo nhưng quật cường, kiên quyết; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành ngoại giao…
Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiến tới hiện đại hóa cơ sở vật chất của ngành ngoại giao, các bộ ngành cùng chung tay vì mục tiêu này; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ ngoại giao…