(Baonghean) - Hành động cụ thể, không sách vở, giáo điều, trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng những việc làm thiết thực. Ở địa bàn huyện miền núi Tân Kỳ, sự gắn kết chặt chẽ giữa 2 phong trào ấy đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó, nhiều tấm gương cán bộ, công chức mẫu mực, tận tụy đã để lại ấn tượng đẹp trong nhân dân.

Cách trung tâm Thị trấn Tân Kỳ gần 20 km, vượt qua những con đường quanh co, gập ghềnh, hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đến được với xã miền núi Hương Sơn. Lần trở lại này với “vùng núi ngát hương” - cách chiết tự ngấm ngầm những mến yêu với mảnh đất này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những đổi thay thấy rõ. Đổi thay phấn khởi nhất, là trên 1.300 hộ dân Hương Sơn thì đa số có nhà ở kiên cố, và đặc biệt hơn, trên mảnh đất còn nhiều gian khó đã tọa lạc một trạm y tế khang trang, rộng rãi còn sáng màu sơn mới.

 
Sáng Chủ nhật - là ngày nghỉ, thế nên chúng tôi khá bất ngờ trước không khí nhộn nhịp, tất bật của các cán bộ y tế nơi đây. Thì ra, mọi người đang đóng gói thuốc và các dụng cụ thăm, khám bệnh cho buổi tình nguyện định kỳ của trạm. Hoạt động tình nguyện này được duy trì từ nhiều năm nay, các cán bộ trong trạm sẽ luân phiên nhau về các xóm, bản vùng sâu, vùng xa của xã để thăm, khám bệnh cho bà con. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Sơn tươi cười chia sẻ: “Nguyên nhân cũng vì chúng tôi nhận thấy giao thông trong xã còn khó khăn quá, nhiều người dân không có điều kiện đến trạm xá thường xuyên, khi có bệnh vẫn cố ở nhà chữa bằng cây cỏ trong vườn. Thế nên, cán bộ trạm đồng tình, tự nguyện đi đến từng ngõ, gõ từng nhà, tư vấn, cấp, phát thuốc cho nhân dân, mà ngày thường phải làm việc ở trạm rồi, anh chị em nhất trí đi thực tế vào ngày nghỉ cuối tuần thôi, tuy có thêm vất vả, nhưng ai cũng vui vì làm việc có ích!”.
 
Trạm Y tế xã Hương Sơn có 7 y, bác sỹ. Dẫu đã nhiều lần nghe giới thiệu rằng ngoài cơ sở vật chất và thiết bị y tế đã được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp trạm, thì tập thể cán bộ nơi đây còn được BTV Huyện ủy nhiều lần tặng bằng khen về phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng thực sự trải nghiệm một ngày tình nguyện thực tế với cán bộ y tế miền núi mới thấm thía, cảm phục hơn sự tận tụy và nỗ lực vì cộng đồng. Ở địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp; mặt khác, trên 6.000 người dân xã là đồng bào các dân tộc: Kinh, Thái, Thanh, ít nhiều cũng tạo nên sự đa dạng văn hóa, phong tục tập quán, đòi hỏi sự tinh tế và sâu sát cơ sở của cán bộ trạm. Có nhiều câu chuyện được kể, mà nhiều nhất là những kinh nghiệm giao tiếp với đồng bào được các cán bộ trạm y tế xem như là “vốn” để đời. Anh Phan Văn Chung - Bí thư Chi bộ Trạm Y tế xã Hương Sơn, gắn bó gần chục năm nay với trạm và với những chuyến đi tình nguyện, khẳng định: “Bên cạnh vấn đề chuyên môn, thì văn hóa ứng xử, giao tiếp với đồng bào đã được chi bộ quán triệt trong nghị quyết hàng năm, và mỗi tháng, mỗi quý đều có giao ban đánh giá, xếp loại. Mặt khác, chúng tôi luôn nghiêm chỉnh thực hiện giờ giấc thăm, khám và lịch trực. Đặc biệt, từ khi phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy được triển khai, mọi hoạt động đều trong khuôn khổ, nề nếp, kỷ cương.”
 
images1048491_tiep_a5_c_n_b__tr_m_y_t__x__huong_son_kh_m_d_nh_k__cho_ngu_i_d_n.jpgCán bộ Trạm Y tế xã Hương Sơn khám định kỳ cho người dân.
 
Đáng mừng, là sự nề nếp và kỷ cương ấy được tạo dựng trên nền tảng nhận thức về y đức và trách nhiệm nghề nghiệp cao của các cán bộ, nhân viên, chứ không phải là sự gò ép, miễn cưỡng. “Trái ngọt” của nề nếp làm việc gần dân, vì dân ấy, là sự yêu mến và tin tưởng mà đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã dành cho họ. Ông Dư Đình Lợi, người dân xóm Tân Thành - một trong những xóm nằm trong chuyến thực tế tuần này của trạm y tế cho biết: “Tôi tiền sử huyết áp cao, đại tràng mãn tính, đau thần kinh vai gáy… Tuổi già, nhiều bệnh, đường sá xa xôi, lại không biết đi xe máy, nếu không có các chuyến thăm, khám của y, bác sỹ trạm xá thì làm chi phát hiện được bệnh sớm, sức khỏe làm chi được như ri. Nhân dân xóm Tân Thành chúng tôi, thân thuộc cả tiếng xe máy của các y, bác sỹ. Gần gũi như người thân rứa đó!” Nói đoạn, ông lụi cụi ra sau vườn, hái vội bó chè xanh, buộc vào xe của các cán bộ y tế, vừa buộc, vừa lớn tiếng nói át đi sự ngại ngần, từ chối của các y, bác sỹ: “Có chi mô, có chi mô, tý quà dân bản, về om ấm nước xanh để đừng khi mô quên lối về bản!”
 
Tình cảm chân thành và tin yêu mà nhân dân dành cho những người cán bộ cơ sở, dường như là món quà quý giá nhất. Ở huyện miền núi Tân Kỳ, sự khó khăn về kinh tế dẫn đến những gian nan về nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là y tế và giáo dục. Thế nhưng, dẫu khó khăn, thì tỏa sáng trên hết vẫn là tấm chân tình nhân dân dành cho người cán bộ, giáo viên. Trong lĩnh vực giáo dục, cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh - Hiệu Phó Trường THPT Tân Kỳ nổi bật lên như một điển hình tận tụy, là một trong những tấm gương học tập và làm theo Bác, trở thành một cán bộ mẫu mực. Lời giới thiệu của thầy giáo Hoàng Đình Sơn - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường trong buổi gặp gỡ ở trường đã dẫn dắt chúng tôi tìm hiểu về tấm gương sáng ấy: “Ở Trường THPT Tân Kỳ, phong trào Học tập và làm theo Bác cũng như thực hiện Chỉ thị 17 của BTV có sức lan tỏa mạnh mẽ, gắn liền với nhiều hoạt động thiết thực của nhà trường như: Thi đua SKKN; dạy tốt, học tốt; Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về nhân cách… Cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh là tấm gương điển hình, chuyên môn tốt, luôn mẫu mực về đạo đức lối sống, thân thiện, chan hòa và yêu thương học sinh.”
 
Cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh và các học trò trong giờ học ở Trường THPT Tân Kỳ
 
Sinh năm 1976, cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh nổi bật trong ngành Giáo dục huyện nhà, bởi là một giáo viên - một nhà quản lý trẻ có nhiều danh hiệu nhất: Thủ khoa tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ Văn (ĐH. Vinh), thủ khoa tốt nghiệp thạc sỹ Lý luận Văn học (ĐH Vinh), nhiều bằng khen, giấy khen SKKN trong quá trình giảng dạy, nhiều thế hệ học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi HSG… Ngần ấy danh hiệu, nhưng theo cô Phạm Thị Thúy Vinh, tất cả vẫn không hạnh phúc bằng tình yêu thương mà các thế hệ học sinh và phụ huynh cũng như các đồng nghiệp dành cho mình. Là phụ nữ, gánh toan lo bao giờ cũng nặng. Chồng cô công tác trong quân ngũ, thường xuyên xa nhà làm nhiệm vụ. Thiếu vắng trụ cột trong gia đình, trong khi hai đứa con còn nhỏ, để cân bằng cả việc nhà và việc trường, không thể kể xiết những hoạt động trong một ngày vỏn vẹn chỉ có 24 tiếng đồng hồ của cô Vinh. “Nếu như các đồng nghiệp chỉ đến trường vào giờ hành chính, giờ lên lớp, thì với tôi còn có thêm những ngày cuối tuần, thậm chí có khi phải làm thêm vào buổi tối. Tôi làm việc trước hết vì đam mê, sau nữa, tôi luôn tâm niệm, mình là giáo viên, phải luôn mẫu mực và kỷ cương, làm việc tận tâm, đừng so đo, tính toán.” - cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh tâm sự.
 
Quan điểm làm việc kỷ cương và cống hiến ấy đã theo sát cô giáo Vinh bao nhiêu năm nay, đồng hành và tiếp thêm tin tưởng cho cô trên những chặng đường xa xôi vận động học sinh đến lớp. Không thể tính, đếm được đã có bao nhiêu hành trình xuôi ngược đến khắp các xã, bản khó khăn của huyện, và bao nhiêu lứa học trò đã cảm cái tấm chân tình người giáo viên tận tụy mà chăm chút cho giấc mơ đến trường. Với cô Vinh, dẫu giờ đã ở vai trò người quản lý, thì việc lo lắng và bồi đắp cho sự học vùng cao chưa bao giờ bị lãng quên. 
 
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: “Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ và nhân dân huyện nhà. Đặc biệt, từ khi BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã gắn kết hai phong trào này với nhau, và thực tế, năm 2013, đã có 24 tập thể và cá nhân đạt nhiều thành tích, được tuyên dương các cấp. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt, là việc học tập và làm theo phải bằng những hành động cụ thể, những hoạt động, việc làm thực tế, như của tập thể cán bộ Trạm Y tế xã Hương Sơn và cá nhân cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh là những tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa mạnh mẽ.”
 
Phương Chi