(Baonghean) - Từ lòng tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cựu quân nhân đã âm thầm sưu tầm hơn 400 ảnh Bác và đang chuẩn bị mở cuộc triển lãm nhỏ để phục vụ bà con trong khối nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Người. Ông chính là Tạ Quang Lộc (Hội trưởng Hội cựu chiến binh khối Tân Phúc, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh)...

762736_small_48783.jpg
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo hiếu học thuộc xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Tốt nghiệp cấp 3, Tạ Quang Lộc tham gia công tác đoàn và làm trưởng ban thông tin văn hoá ở địa phương. Năm1968 giữa lúc giặc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt miền Bắc, Tạ Quang Lộc có giấy báo đi học Đại học Bách Khoa nhưng vẫn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc theo tiếng gọi thiêng liêng “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.

Nhật ký trên đường ra trận của ông có trích lời Bác “Nhiệm vụ của thanh niên không phải hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”. Đó cũng là động lực giúp ông vượt qua mọi gian khổ, chắc tay súng chiến đấu kiên cường dũng cảm trên mặt trận A Luới, A Bia, Cao điểm 935, Cốc Bai, chiến dịch đường 9 Nam Lào…. Đại đội 3 binh chủng 12ly7 thuộc tiểu đoàn K54-F324 của Tạ Quang Lộc hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bản thân ông nhiều lần bị thương được chuyển về viện 112, 108, 268, Quân y 4 điều trị với tỷ lệ mất sức 81%.
 
Hết chiến tranh về với đời thường gặp biết bao khó khăn, vất vả: vừa lo ổn định cuộc sống gia đình giữa thời bao cấp vừa phải chống đỡ với những cơn đau do vết thương tái phát lúc trái gió, trở trời. Nhưng với bản chất truyền thống của Bộ đội cụ Hồ, ông luôn lạc quan, yêu đời, sống thanh bạch, giản dị. Lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế” đã tiếp thêm cho ông sức mạnh, niềm tin để vượt lên tất cả. Gần 10 năm lăn lộn với nghề vẽ truyền thần và bán quán nước để nuôi các con ăn học truởng thành, sức khoẻ yếu nhưng Tạ Quang Lộc vẫn tích cực tham gia công tác địa phương, 14 năm làm chi hội truởng hội cựu chiến binh rồi tổ trưởng tổ dân cư gương mẫu, được đảng tin, dân mến.
 
Bận rộn với việc gia đình, việc xã hội, mãi đến năm 1996, ông mới có điều kiện để thực hiện tâm nguyện bấy lâu của mình. Đó là sưu tầm ảnh Bác Hồ. Ông tâm sự: “Tuy chưa được gặp Bác một lần nhưng hình ảnh và lời dạy của người luôn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi muốn sưu tầm thật nhiều ảnh Bác để trưng bày cho nhiều người cùng xem để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.”  Ngoài sưu tầm qua sách, báo, tư liệu, người thân, bạn bè….trong hành trình đi tìm ảnh Bác, có lúc ông phải bỏ tiền túi vào Nam ra Bắc đi lại nhiều lần mới có được những bức ảnh có giá trị.
 
Hễ nghe nói ai giữ ảnh quý về Bác Hồ là ông lại xách túi ra đi để xin hoặc mua cho bằng được. 2 bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổng thống Pháp Georges Bidanlt năm 1946 và ảnh Bác năm 1933 khi vừa từ Trung Quốc về Liên Xô, ông Tạ Lộc sưu tầm được tại nhà ông Khang ở phường Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Còn bức ảnh Bác Hồ tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp tháng 12 năm 1920 và thẻ đại biểu dự Đại hội 5 Quốc tế Cộng sản năm 1924 của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ông phải cất công đến nhà anh Nguyễn Văn Giang (ở Phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tới hai lần mới xin được. Vất vả nhất là lần khăn đùm khăn gói vào tận phường Bình Thuận, Quận 7 thành phố Hồ Chí Minh để sưu tầm bút tích Bác Hồ “Dĩ bất biến -  ứng vạn biến” năm 1946 và ảnh Bác xúc động khi nhắc tới đồng bào miền Nam tại Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá 1 tháng 12 năm 1956.
 
Ông Lộc bên những tấm ảnh sưu tầm về Bác Hồ.Ảnh: KL
Cũng may là vợ ông (Trung uý quân y sỹ Trần Thị Mão, người trực tiếp chăm sóc Tạ Qung Lộc trong những ngày điều trị chấn thương sọ não và dính ruột thừa sau mổ ở Viện quân y 4) hiểu và hết lòng ủng hộ việc làm đầy ý nghĩa của chồng. Với năng khiếu của mình, Tạ Quang Lộc vẽ rất nhiều bức ảnh chân dung Bác Hồ và sáng tác rất nhiều thơ về Người. Ngoài những bài ca ngợi Đảng, Bác, quê hương dân tộc còn có thơ châm, thơ đả kích.  Đến nay, ông đã sáng tác được trên 400 bài thơ, trong đó có 180 bài đăng trên báo chí trung ương và địa phương. 
 
Đầu Xuân 2008 ,Tạ Quang Lộc được Nhà xuất bản Nghệ An cho ấn hành tập thơ “Tình quê” gồm 86 bài và hiện ông đang chuẩn bị cho ra hai tập thơ về đề tài phòng chống tham nhũng và tệ nạn xã hội. Tiền nhuận bút từ thơ cũng được ông sử dụng  vào công việc sưu tầm ảnh Bác. Đến nay ông đã có bộ sưu tập hơn 400 bức ảnh về Bác được chia theo từng thời kỳ và chú thích cẩn thận. Đã từng xuất hiện trong phóng sự của Đài truyền hình Nghệ An, Thông tấn xã Việt Nam và VT1 Đài truyền hình Việt Nam. Với ông sưu tầm ảnh Bác không phải để được “nổi tiếng” mà xuất phát từ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với vị Cha già của dân tộc.
 
Hiện tại, người cựu chiến binh gần 70 tuổi đang say sưa chuẩn bị đề cương, nội dung cho cuộc triển lãm ảnh Bác tại nhà văn hoá khối nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Bác. Mong muốn của ông là sẽ tổ chức được cuộc triển lãm quy mô hơn đón tiếp đông đảo quần chúng tới xem, góp phần tuyên truyền thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Khánh Ly