(Baonghean) - Xã Đại Sơn, huyện Đô Lương nổi tiếng với phiên chợ đầu mối buôn bán trâu, bò lớn nhất cả nước. Vào các phiên chợ, hàng nghìn con trâu, bò được vận chuyển từ khắp nơi về tạo nên không khí náo nhiệt, làm thay đổi vẻ bình yên nơi làng quê heo hút này...
Đi chợ phiên trâu bò
Từ Tỉnh lộ 34, đoạn qua các xã Nghi Phương, Nghi Kiều của huyện Nghi Lộc hỏi đường về chợ Ú Đại Sơn không ai là không biết. Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, heo hút. Hai bên đường là keo, bạch đàn, những bãi lạc, ngô xanh mướt. Dãy Đại Huệ án ngữ ở phía Nam như bức tường thành che chở cho những xóm làng nhỏ bé.
Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Thúc Hải, Phó Chủ tịch xã Đại Sơn: “Nếu không có chợ Ú, chắc chẳng mấy ai biết đến xã Đại Sơn”. Chợ họp ngay giữa ngã ba trung tâm xã. Đây là vị trí đắc địa thuận lợi cho việc đi lại. Từ đây, có thể ngược lên trung tâm huyện theo đường Khuôn – Trù – Đại, có thể đi qua Nghi Kiều (của huyện Nghi Lộc) theo Tỉnh lộ 34 về Thành phố Vinh, cũng có thể rẽ qua Yên Thành để ra Quốc lộ 7A. Chợ được di chuyển nhiều nơi, ban đầu trong chợ có đầy đủ các loại hàng hóa phục vụ dân sinh. Việc mua bán trâu bò được thực hiện trong những phiên chợ này. Với lợi thế đất rộng, nghề chăn nuôi phát triển mạnh nên nhu cầu mua bán trâu bò ngày một tăng. Không chỉ bà con trong xã, người dân quanh vùng mỗi lúc có nhu cầu cũng tìm đến chợ Ú. Tiếng lành đồn xa, các thương lái từ khắp nơi tìm về ngày một đông. Nhận thấy điều này, năm 1967, chợ trâu bò Đại Sơn được thành lập và đi vào hoạt động. Chợ họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6,11,16,21,26 với lượng trâu bò lên đến hàng nghìn con.
Chẳng biết tự bao giờ, câu ca “Ai về chợ Ú Đại Sơn/ Mua con trâu mộng lập nên đại điền” đã trở nên quen thuộc. 5 giờ sáng, trên khắp các ngả đường, từng đoàn người dắt theo trâu bò đổ về phía chợ, miệng không ngớt lời bàn tán. Những con trâu bước vội theo tiếng giục của chủ, những con nghé tung tăng chạy theo... Với thương lái ở xa, để kịp phiên chợ, họ phải dắt trâu bò đi bộ đến chợ từ hôm trước. Những chiếc xe tải mang biển số ngoại tỉnh cũng đầy ắp trâu bò bóp còi inh ỏi tìm lối đi. Anh Nguyễn Văn Bá vội vàng giục trâu đi, vẻ háo hức lắm: “Mấy ngày mới có một phiên chợ, không đi thì tiếc lắm. Nông dân, ít vốn nên chỉ có một vài con mang ra chợ bán thôi”. Với nhiều nông dân, đi chợ còn là vì thói quen để... nhìn trâu, bò. Họ xem đây như một thú vui. Ngoài ra, chợ trâu bò còn là dịp để nhiều người đến tham khảo giá cả thị trường và học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống. Những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, những cái bắt tay, tiếng mặc cả, thách giá giữa dòng người bước vội… ngược hẳn với sự bình yên vốn có của làng quê này.
Xem tướng… trâu
Người xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Việc lựa chọn giống trâu bò làm sức kéo của người nông dân rất quan trọng, nó có thể báo trước gia chủ sẽ gặp phúc hay họa. Người nông dân nào đi chợ cũng thuộc nằm lòng câu: “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sa/ Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”. Ông Huê – một lão nông gắn bó hơn nửa đời người với chợ Ú chia sẻ kinh nghiệm: “Kỵ nhất là loại “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu “tam trinh”, còn gọi là con trâu có 3 mắt – có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ 3. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”… là những con cần tránh hàng đầu khi lựa chọn. Loại trâu bò được ưa chuộng nhất có: “Mồm gấu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi. Nếu ai mua nhầm phải trâu bò nghịch thì sẽ phải “thẩm mỹ” cho nó để che mắt thiên hạ, nếu không được thì phải chịu bán giá thấp cho thương lái”.
Việc mua trâu bò thịt khá đơn giản, không cầu kỳ như lựa chọn trâu bò giống. Tuy nhiên, muốn bước chân vào hoạt động mua bán trâu bò thì điều đầu tiên là có cái nhìn chuẩn xác, tinh tường. Mọi quá trình mặc cả, ra giá đều dựa trên sự quan sát bằng mắt, không qua một công đoạn cân đo nào. Cả người mua lẫn người bán đều biết ước đoán đúng khối lượng con vật. Bằng con mắt làm ăn từ nhiều năm, anh Nguyễn Văn Sáu – một thương lái có kinh nghiệm trong vùng cho biết: “Tiêu chí lựa chọn hàng là những con có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt nhưng xương nhỏ. Thường thì những con giống “nghịch” của nông dân lại là cơ hội kiếm lãi đối với người buôn”.
Với thương lái, việc thua lỗ trong mua bán là bình thường. Với người nông dân, những người luôn xem trâu bò là “đầu cơ nghiệp”, mua nhầm trâu bò “nghịch” là điều tối kỵ. Vì vậy, khi mua một con giống, họ thường nhờ cả chục người, bao gồm anh em nội ngoại và những vị cao niên trong làng. Sau phiên chợ, một bữa cơm thân mật tại nhà được bày dọn như để cảm ơn mọi người và chào đón con giống mới với hy vọng về những điềm lành trong nay mai.
Thương nhân chợ Ú
Gọi là thương nhân, thực chất họ là những nông dân đi buôn. Ban đầu, do sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả, tận dụng có chợ trâu bò gần nhà nên họ tập trung chăn nuôi để bán. Kinh nghiệm mua bán và đánh giá trâu bò ngày một cao, họ vay thêm tiền bạc để mua bán nhỏ. Dần dần, họ đi hết các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn và sang tận nước bạn Lào để mua trâu bò về bán.
Những người ít vốn hơn thì “buôn ngồi”. Họ mua những con trâu bò hơi gầy về vỗ béo trong vòng vài tuần rồi mang ra chợ bán, kiếm được 400 đến 600 nghìn đồng. Cũng như nhiều nông dân khác ở xã Đại Sơn, lão nông Lê Văn Quyền đành gác lại giấc mơ đại điền xoay ra buôn bán trâu bò. Chẳng nhớ nổi vận vào cái nghề này được bao lâu, chỉ biết trước đây gia đình ông có làm ruộng, cả buôn trâu và giờ đây là mỗi độc nghề này. Kéo theo cả thằng con lớn cũng mê nghề dắt trâu hơn mê cái chữ, cả bà vợ rỗi rãi cũng ra chợ dắt trâu thuê. Thế là cả nhà cùng kiếm sống nhờ cái chợ trâu bò. Mỗi tháng 6 phiên nuôi đủ 4 miệng ăn trong 30 ngày. Mà đâu chỉ mỗi gia đình ông, cả cái làng, cái xã này đều thế. Nói là buôn, thực ra là vỗ béo trâu bò để bán. Chồng hoặc con trai lớn đi tìm trâu bò gầy, ốm mang về, vợ con ở nhà chăn dắt, vỗ béo. Cứ độ vài tuần sau về, với sự chăm sóc “có nghề”, trâu bò được đưa ra chợ. Một khi trong làng có hàng đem ra chợ thì cả nhà cùng rồng rắn kéo nhau đi. Trong khi chờ đợi xem hàng có bán được hay không, những đứa trẻ lại tranh thủ “làm thêm” bằng cách nhận dắt trâu bò thuê cho các thương lái. Không ít gia đình gần chợ đã tận dụng diện tích đất sẵn có dựng lên những “rặc” (chuồng tạm bợ) làm nơi trú chân cho trâu bò trong lúc chờ đưa lên xe. Các thương lái khi mua đủ hàng thì phải thuê những rặc này với giá 15.000-20.000 đồng/con. Nhờ có chợ trâu bò, nhiều gia đình nơi đây xây được nhà cao tầng, sắm được những trang thiết bị đắt tiền, đời sống kinh tế trở nên khấm khá. Khu vực trung tâm xã, những hàng quán mọc lên san sát. Bộ mặt làng quê ở Đại Sơn đang thay da đổi thịt. Anh Nguyễn Thúc Hải, Phó Chủ tịch xã Đại Sơn cho biết: “Chợ trâu bò góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân dân trên địa bàn xã, nhất là những lúc nông nhàn. Hiện có khoảng 60% trong tổng số hơn 1.800 hộ dân trên địa bàn xã có thu nhập từ chợ trâu, bò. Hằng năm, hoạt động của chợ trâu bò nộp vào ngân sách của xã hơn 90 triệu đồng tiền thuế, tạo thêm nguồn vốn để giải quyết những khó khăn của địa phương...”.
Tan chợ lúc giữa trưa, những quán ăn bên đường lại nhộn nhịp với tiếng cười nói của các thương lái sau một phiên “mua may bán đắt”. Dọc đường, nông dân hớn hở dắt về con giống vừa chọn xong, không ít người trầm trồ, chỉ trỏ…
Nguyễn Lê