bna_xa_tq_lung4870271_1102020.jpgLãnh đạo xã Châu Thắng (Quỳ Châu) khảo sát diện tích lùng trồng tại vườn gia đình chị Vi Thị Hà ở bản Xẹt. Ảnh: Nguyên Nguyên

Ở Nghệ An, lùng tập trung ở huyện Quế Phong và Quỳ Châuvới trên dưới 9.000 ha, trong đó, có khoảng 5.000 ha tập trung. Thế nhưng, nhiều diện tích lùng tự nhiên đang bị giảm và nguy cơ thái hóa. Vấn đề bảo tồn và phát triển cây lùng, phục vụ mục tiêu khai thác, sử dụng lâu dài được các địa phương đặt ra nhiều năm nay. Có những thời điểm, các địa phương cấm khai thác lùng.

Hơn 100 gốc lùng trồng trong vườn gia đình chị Vi Thị Hà ở xã Châu Thắng (Quỳ Châu), trong đó có nhiều gốc măng phát triển khỏe. Ảnh Nguyên Nguyên

Trước đây, có một số công trình nghiên cứu lấy cành ươm giống hoặc hạt cây để tạo giống nhưng hiệu quả chưa cao. Đầu năm 2020, được sự giúp đỡ của một số tổ chức và chính quyền huyện, gia đình chị Vi Thị Hà ở bản Xẹt, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) đã thí điểm trồng hơn 100 gốc lùng tách từ rừng tự nhiên trong vườn nhà.

Đến nay, sau hơn 9 tháng, tỷ lệ lùng sống hơn 90%, rất nhiều gốc đã mọc măng khỏe mạnh, hứa hẹn phát triển tốt. Nếu thuận lợi, sau 4 năm những gốc lùng trồng sẽ cho thu hoạch.

Để trồng lùng, gia đình chị Hà lựa chọn những cây bánh tẻ trong các vườn lùng sinh trưởng trong tự nhiên phát triển tốt, không bị sâu bệnh, để tách gốc 1 cụm gồm 2-3 cây, chặt bỏ đoạn thân trên, chỉ để lại đoạn hom dài 1,2 - 1,5m. Hố trồng được đào trước và bón lót một lớp phân chuồng.

Khai thác lùng tự nhiên ở huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu

Cây lùng có giá trị lớn trong sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đồ mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, từ lâu nay, lùng chủ yếu được khoanh nuôi tự nhiên, một số diện tích bị thái hóa.

Trước thực tế đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu phát triển bền vững cây lùng phục vụ tiêu dùng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ” để tuyển chọn, phục tráng, phát triển lùng. Thế nhưng, hiện nay, việc thuần hóa, trồng đại trà cây lùng chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Châu Thắng (Quỳ Châu), quá trình kiểm tra mô hình trồng lùng của gia đình chị Hà cho thấy cây phát triển tốt. Nếu đạt hiệu quả như kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp của địa phương.

Cây lùng trồng ở xã Châu Thắng (Quỳ Châu) được kỳ vọng tạo giá trị mới trên đất lâm nghiệp. Ảnh Nguyên Nguyên

Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, hiện trên địa bàn xã có hơn 200 ha lùng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ. Lâu nay, 1 ha lùng khoanh nuôi cho thu hoạch khoảng 20 triệu đồng/năm. Trong khi đó, xã có hơn 600 ha trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế thấp, mỗi ha keo chỉ cho thu hoạch khoảng 70-80 triệu đồng trong 5 năm.

Cây lùng (nhiều nơi gọi là mạy quăn, dùng), thuộc bộ tre trúc, mọc tự nhiên nhiều tại các huyện phía Tây các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La. Đây là một trong các lâm sản ngoài gỗ quan trọng nhất, được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, đan các sản phẩm dân dụng, làm giấy, chân hương, tăm, đũa, mành... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.