(Baonghean) - Xã Đồng Văn, huyện Quế Phong là thủ phủ lùng của miền Tây xứ Nghệ. vào mùa khai thác lùng cảnh mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền.
Bến chính (người dân địa phương gọi là bến Bù Kẻm Hè) của hồ thủy điện Hủa Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong mùa này luôn tấp nập chợ mua bán lùng. Những chiếc xe ô tô siêu trường, siêu trọng đậu sát mép nước chở lùng về xuôi.
Hiện nay, trên lòng hồ thủy điện Hủa Na có trên 20 chiếc thuyền sắt chuyên thu mua, vận chuyển lùng cho bà con. Riêng gia đình ông Lô Văn Tiến - Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm - ngư nghiệp Đồng Tiến đã sắm được 3 chiếc thuyền mua lùng, tạo thêm việc làm cho con cháu.
Ông Tiến tự hào: Cũng bao hộ khác trong xã, gia đình ông thuộc diện di dời dân theo chủ trương của nhà nước để thực hiện công trình trọng điểm quốc gia, xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na. Là người biết đi trước đón đầu, sau khi di dời đến điểm TĐC ở mới ổn định, mặc dù hồ thủy điện chưa tích nước, ông vẫn dành số tiền đền bù, ra tận Thanh Hóa tìm mua 1 chiếc thuyền sắt trị giá 150 triệu đồng.
Khi đó, mọi người trong bản cho ông là người “dở hơi”, có tiền thì gửi ngân hàng lấy lãi, chứ mua con thuyền về làm sắt vụn chắc! Khi hồ thủy điện tích nước, con thuyền của ông chạy đầu tiên trên lòng hồ. Khách qua lại không đáng kể, nhưng hàng hóa của người dân ra vào khu vực lòng hồ, đều nhờ cậy vào con thuyền của ông. Nhiều người tái định cư trở lại lòng hồ làm ăn bằng trồng ngô, sắn, khai thác lâm phụ sản ngoài gỗ… đều phụ thuộc vào con thuyền của ông.
Mùa khai thác lùng tạo việc làm cho cả nghìn người từ khâu khai thác đến thu mua, bốc vác... Trò chuyện với anh Lô Văn Tân, một trong những thanh niên đang bốc vác lùng, anh cho biết: Tốp bốc vác lùng ở đây có 10 người đều ở xã Đồng Văn. Một ngày làm tích cực, cả nhóm có thể bốc vác được 60 tấn lùng từ thuyền lên 2 xe ô tô, tiền thù lao được 6 triệu đồng. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có nhiều việc, vì những chiếc xe to thế này mỗi tuần mới vào 1 - 2 lần, còn lại phần lớn là loại xe chở 10 - 15 tấn.
Chủ thuyền Lô Văn Tâm, cho biết: Một chiếc thuyền có thể chở được 7 tấn lùng. Trong quá trình mua lùng, chủ thuyền ghi chép cẩn thận từng mẻ cân. Giá thu mua lùng cho bà con 1,1 triệu đồng/tấn, chở ra bến bán lại cho thương lái. Làm ăn với nhau lâu dài, tạo được lòng tin giữa thương lái và chủ thuyền, nên khi thuyền chở lùng ra đến bến, dựa vào danh sách thu mua lẻ cửa từng người, nhân công cứ việc bốc xếp lên xe ô tô, chứ không phải cân lại.
Bà Quang Thị Lợi, người khai thác lùng cho hay: Vào mùa thu hoạch lùng, vợ chồng vào đây dựng lều để khai thác lùng. Mỗi ngày vợ chồng chặt được 3 tạ lùng, bán được hơn 300 nghìn đồng, nhờ đó mà có tiền trang trải cuộc sống. Khai thác lùng không được chặt bừa bãi, mà phải biết cách, chọn những cây già mà chặt, giữ gìn từng cây non để năm sau có thu hoạch.
Ông Lô Văn Tiến cho biết thêm: Trong khu vực lòng hồ có khoảng 3 nghìn ha rừng có tỷ lệ cây lùng chiếm từ 50 – 70%. Trước đây, địa phương cấm khai thác măng lùng nên rừng lùng phát triển mạnh. Mới đây, Dự án OXFAM đã đầu tư phân bón, kết hợp với tập huấn cho người dân cách bón phân, chăm sóc cây lùng tại 4 bản của xã Đồng Văn: Pù Duộc, Pù Khoảng, Khủn Na và Mường Hinh.
Cây lùng dùng để sản xuất ra các mặt hàng: tăm, đũa, chân hương… phục vụ nghề mây tre đan xuất khẩu, nên lùng tiêu thụ mạnh. Không những các đơn vị sản xuất trong huyện mà các huyện lân cận, Thành phố Vinh, Hà Nội cũng đến thu mua lùng ở đây. Do vậy, hàng năm vào mùa thu hoạch lùng, bà con trong xã, đặc biệt là người dân tái định cư kéo nhau vào lòng hồ khai thác lùng ngày càng nhiều. Đây cũng là chủ trương của địa phương khuyến khích người dân khai thác lùng, tăng thu nhập. 1 ha rừng lùng, 1 năm có thể khai thác được 70 tấn lùng, như vậy mỗi năm trong lòng hồ thủy điện Hủa Na cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn lùng, bà con thu về hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Bá Hiền – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, cho biết: Diện tích rừng có cây lùng trên địa bàn xã có hàng nghìn ha, là điều kiện để người dân khai thác lùng làm hàng hóa. Hàng năm lực lượng kiểm lâm kiểm tra, rà soát, sau đó hướng dẫn người dân vào khai thác lùng trong những khu rừng lùng đã đến tuổi khai thác.
Địa phương cũng có cách bảo vệ rừng lùng của mình, bằng cách xã thành lập các tổ truy quét, không cho bà con khai thác lùng vào mùa măng mọc; cấm không cho người ngoài địa phương vào khai thác lùng trong diện tích rừng đã giao cho địa phương quản lý. Khai thác đúng quy trình, mỗi năm người dân Đồng Văn thu về hàng tỷ đồng từ bán lùng mà có. Do vậy, Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã khóa 20 (nhiệm kỳ 2015 – 2020) xác định lùng là cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân Đồng Văn.
Xuân Hoàng