Chuyện về bà giáo Ngô Thị Hương (xóm 2, xã Thạch Sơn, Anh Sơn) vì việc của mẹ mà theo đòi công lý được báo Nghệ An điện tử phản ánh qua bài viết “Nghệ An: Người đàn bà 21 năm kêu kiện chuyện đất đai”.
Bà Hương có mẹ là bà Lê Thị Thân do hoàn cảnh gia đình, vào năm 1989 đã phải rời tổ ấm của mình ra ở riêng. Cũng năm 1989, bà Thân được UBND xã Hội Sơn (Anh Sơn) xét đơn, giải quyết cấp đất ở tại xóm 10 với diện tích 306m2 (nay thuộc xóm 10, xã Hoa Sơn).Năm 1990, bà Thân dựng nhà trên diện tích đất mới được xét cấp.
Năm 1997, ở huyện Anh Sơn triển khai cấp giấy chứng nhận QSD đất cho nhân dân. Giai đoạn này, bà Lê Thị Thân bị tai biến, phải về nhà con để điều trị; bà Ngô Thị Hương thay mẹ đi làm các thủ tục về đất đai. Và bà vô cùng sửng sốt khi cán bộ địa chính xã thông tin, mảnh đất có nhà ở của mẹ mình đã “được” UBND huyện Anh Sơn “giao” cho gia đình ông Nguyễn Ngô Hồng, bà Ngô Thị Lữ.
Bà Ngô Thị Hương, người phụ nữ đã 21 năm ròng kêu kiện đất đai và Thông báo số 08/TB-UBND ngày 19/1/2018 của UBND huyện Anh Sơn về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của bà Ngô Thị Hương. Ảnh: Nhật Lân Từ năm 1997 đến năm 2002, bà Hương thay mẹ hết kiến nghị đến khiếu nại UBND xã Hội Sơn. Tháng 8/2002, qua kiểm tra, UBND xã Hội Sơn công nhận quyền sử dụng đất (diện tích 306m2) trong Giấy chứng nhận QSD đất đã cấp cho ông Nguyễn Ngô Hồng, bà Ngô Thị Lữ thuộc quyền sử dụng của bà Lê Thị Thân.
Sau đó, năm 2003, gia đình bà Ngô Thị Lữ khiếu nại UBND xã Hội Sơn lên UBND huyện Anh Sơn. Qua kiểm tra, UBND huyện Anh Sơn công nhận quyền lợi đất đai của bà Lê Thị Thân, bác đơn khiếu nại của bà Ngô Thị Lữ (tại Quyết định 524/QĐ.UB ngày 31/7/2003). Tuy nhiên, UBND xã Hội Sơn lại không giải quyết theo chỉ đạo của cấp trên, thậm chí còn giao Giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình bà Ngô Thị Lữ; để rồi tháng 9/2003, gia đình bà Lữ đã phá bỏ nhà của bà Lê Thị Thân.
Vụ việc tranh chấp đất đai từ đó đã được chuyển đến cơ quan tòa án các cấp để giải quyết, thậm chí phải lên đến Tòa án dân sự - Tòa án nhân dân tối cao.
Ngày 24/11/2011, tại Quyết định Giám đốc thẩm số 894/2011/DS-GĐT, Tòa án dân sự - Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An về vụ án tranh chấp đất đai và nhà ở giữa bà Lê Thị Thân và bà Ngô Thị Lữ.
Bởi: “Tòa án sơ thẩm buộc ông Nguyễn Ngô Hồng trả lại 306m2 đất cho bà Thân là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc thủ tục giấy tờ của bà Thân chưa đầy đủ, chưa được hợp thức hóa để bác đơn bà Thân đòi quyền sử dụng đất là không đủ căn cứ...”.
Quyết định Giám đốc thẩm số 894 cũng chỉ rõ: “Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà Ngô Thị Lữ là có sai sót, và không đúng theo quy định của pháp luật”.
Liên quan đến vụ tranh chấp đất đai giữa bà Lê Thị Thân và gia đình bà Ngô Thị Lữ, vào ngày 2/7/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn đã làm rõ ông Đặng Minh Châu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hoa Sơn có những vi phạm thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đã thực hiện giao Giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình bà Ngô Thị Lữ khi đất đang có tranh chấp.
Dù vậy, vụ việc tranh chấp đất đai giữa bà Lê Thị Thân và gia đình bà Ngô Thị Lữ vẫn không được giải quyết dứt điểm; quyền sử dụng đất vẫn chưa được trao cho bà Lê Thị Thân; Giấy chứng nhận QSD đất mà UBND huyện Anh Sơn đã cấp cho ông Nguyễn Ngô Hồng và bà Ngô Thị Lữ vẫn chưa được thu hồi, hủy bỏ.
Thời điểm tháng 1/2018, khi Báo Nghệ An thực hiện xác minh đơn thư của bà Ngô Thị Hương, UBND huyện Anh Sơn trả lời cho sự chậm trễ giải quyết vụ việc là bởi gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề tồn đọng kéo dài hàng chục năm qua; công tác quản lý đất đai trước đây có nhiều tồn tại; một số cá nhân có liên quan đã qua đời…Vì vậy, huyện Anh Sơn cần phải tham vấn các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc đúng với quy định của pháp luật...
Tuy nhiên qua tìm hiểu, việc UBND huyện Anh Sơn tham vấn đã được cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai của tỉnh là Sở TN&MT trả lời rất rõ ràng tại Công văn số 6425/STNMT-QLĐĐ ngày 1/12/2017.
Ý kiến tham vấn của Sở TN&MT là đề nghị UBND huyện Anh Sơn phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, quy trình thụ lý, giải quyết vụ việc. Đồng thời qua thông tin các hồ sơ tài liệu liên quan, nội dung Tòa án dân sự - Tòa án nhân dân tối cao đã phán quyết, Sở TN&MT xác định việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất của UBND huyện Anh Sơn cho gia đình bà Ngô Thị Lữ bao gồm cả đất và nhà ở của bà Lê Thị Thân là không đúng quy định. Hướng xử lý nội dung này, theo Sở TN&MT thì UBND huyện Anh Sơn cần thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra làm rõ việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà Ngô Thị Lữ hồi năm 1998.
Những nội dung này, Báo Nghệ An đã nêu đầy đủ trong bài viết “Nghệ An: Người đàn bà 21 năm kêu kiện chuyện đất đai”, khẳng định đơn kiến nghị của bà Ngô Thị Hương là có cơ sở, đề nghị UBND huyện Anh Sơn thực hiện những nội dung mà Quyết định Giám đốc thẩm số 894 đã chỉ ra, Sở TN&MT đã tham vấn.
Tuy nhiên cho đến nay, như bà Ngô Thị Hương thông tin tại đơn, hướng xử lý của UBND huyện Anh Sơn lại là đề nghị bà gửi đơn đến UBND xã Hoa Sơn để hòa giải; nếu hòa giải không thành thì khởi kiện lên tòa án…!?.
Xem xét Công văn số 213/UBND-TNMT ngày 15/3/2018 của UBND huyện Anh Sơn thì thông tin về hướng giải quyết tranh chấp đúng như bà Ngô Thị Hương thông tin.
Thửa đất đang có tranh chấp ở xã Hoa Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Nhật Lân Ngày 19/1/2018, UBND huyện Anh Sơn từng ra Thông báo số 08/TB-UBND không thụ lý giải quyết khiếu nại của bà Ngô Thị Hương. Vì cho rằng Quyết định cấp Giấy chứng nhận QSD đất ngày 1/7/1998 cho bà Ngô Thị Lữ không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Và việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình bà Ngô Thị Lữ ngày 1/7/1998, nhưng đến ngày 11/1/2018 bà Ngô Thị Hương mới có đơn khiếu nại!
Thấy rằng, cách giải quyết này thực sự vô lý. Bởi vụ việc tranh chấp đã ròng rã 21 năm, đã qua nhiều cấp xử lý thì làm sao một đơn vị cấp xã có thể hòa giải!.
Hơn nữa, Quyết định Giám đốc thẩm số 894 đã chỉ ra: “Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà Ngô Thị Lữ là có sai sót, và không đúng theo quy định của pháp luật”. Điều này đồng nghĩa, chính quyền huyện Anh Sơn trước đây đã có việc làm sai. Vì việc làm sai này, dẫn đến ảnh hưởng quyền, lợi ích của công dân Lê Thị Thân. Nên UBND huyện Anh Sơn phải có trách nhiệm làm rõ việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho thửa đất có liên quan, để xác định rõ có hay không sai sót này, và nếu đúng như vậy thì phải sửa sai.
Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là đã làm sai thì phải sửa sai. Những người có trách nhiệm của chính quyền nhiệm kỳ trước làm sai, thì những người có trách nhiệm của nhiệm kỳ sau phải sửa những cái sai trước đó.
Nếu UBND huyện Anh Sơn không thay đổi hướng giải quyết, chỉ khiến người ta nhận thấy sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương; và khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo trên địa phương Anh Sơn kéo dài.