(Baonghean) - Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Phạm Hồng Linh - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) về vụ việc hơn 50 người dân xóm Gia Đề khiếu kiện vượt cấp
P.V: Đề nghị đồng chí cho biết một số thông tin về vụ việc 50 công dân xóm Gia Đề khiếu kiện vượt cấp, nguyên nhân là do người dân không đồng tình với chủ trương khai thác cát, sỏi trên địa bàn hay còn có những nguyên nhân khác?
Đồng chí Phạm Hồng Linh: Tháng 2/2015, UBND xã Nghĩa Dũng nhận được thông báo của UBND Huyện Tân Kỳ kèm theo Quyết định cấp phép số 19/GP – UBND ngày 6/1/2015 của UBND tỉnh về việc cấp phép khai thác khoáng sản cát sỏi xây dựng cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm tại địa điểm bãi cát bồi xóm Gia Đề. Sau khi nhận được hồ sơ cấp mỏ cho doanh nghiệp, UBND xã đã có thông báo cho cấp ủy, Ban cán sự xóm Gia Đề nơi có mỏ được biết. Tuy nhiên, cán bộ và nhân dân xóm Gia Đề đã không đồng tình việc cấp mỏ cho doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm.
Vì sao cán bộ và nhân dân Gia Đề không đồng tình, về nguyên nhân khách quan, nhân dân cho rằng việc khai thác cát tại bãi bồi này sẽ gây biến đổi dòng chảy, từ đó sẽ gây hậu quả về thiên tai; việc đi lại của bà con sang bên bãi bồi trồng ngô cạnh đó sẽ khó khăn hơn, đồng thời sẽ làm mất đất canh tác từ thời cha ông để lại.
Về chủ quan, doanh nghiệp chưa có những cuộc đối thoại để nhằm đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Trong hồ sơ cam kết có thỏa thuận doanh nghiệp sẽ bồi thường nếu làm biến đổi dòng chảy hoặc gây sụt lở đất canh tác gần đó. Nhưng theo ý bà con thì khi đã được quyền khai thác doanh nghiệp này sẽ không thực hiện những cam kết đó vì bà con cho rằng đây là doanh nghiệp có vấn đề về đạo đức.
“Gia Đề là địa bàn có tiếng về việc khiếu kiện vượt cấp, hễ có chủ trương nào đó không đồng thuận là người dân lập tức tập hợp nhau kéo lên huyện, lên tỉnh, thậm chí ra Trung ương. Và lạ đời là cứ chu kỳ 10 năm lại xảy ra một vụ khiếu kiện vượt cấp lớn, điển hình như năm 1996 người dân tự ý xây dựng trạm biến áp mà không theo chủ trương của xã, khi chính quyền đình chỉ và yêu cầu chủ trạm biến áp phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước thì bị người dân phản đối và tổ chức “cơm đùm cơm nắm” ra tận Trung ương” - theo đồng chí Phạm Hồng Linh.
Lần thứ hai là năm 2006 khi tỉnh có chủ trương phân chia ranh giới theo bản đồ 365 giữa Nghĩa Dũng với Tân Long, theo trích đo, địa phận bãi Cồn Nổi thuộc bản đồ hành chính xã Tân Long nhưng người dân cứ một mực cho rằng cha ông bao đời của Gia Đề đã canh tác ở đây nên nhất quyết không thuận theo ranh giới đã được phân chia. Vậy là lại đi kiện, từ tỉnh đến Trung ương. Xã lại phải thuê xe đi đón về. Và cả hai vụ kiện đó để bình ổn trật tự an ninh trên địa bàn chúng ta đã có những cơ chế mở đáp ứng quyền lợi và nguyện vọng của người dân. Nay đến sự kiện này dân cho rằng cứ kiện là “thắng” nên lại rủ nhau kiện đến cùng.
P.V: Sau khi tạm ngừng cấp phép khai thác cho doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Hồng Linh:Nhìn chung mọi việc vẫn ổn, bà con vẫn tham gia đầy đủ các cuộc họp xóm, xã. Tuy nhiên, họ không đồng tình việc cho doanh nghiệp vào khai thác cát. Điển hình là mới đây họ đã đưa hơn 197 gộc tre vào đóng tại địa phận đã được cấp phép khai thác… Bên cạnh đó, với việc duy nhất chỉ có bí thư chi bộ vẫn ủng hộ chủ trương thì cả cán bộ và nhân dân yêu cầu ông từ chức.
Trước sự việc này, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm “yên dân”. Do đó đối với các cấp ủy đảng, chính quyền yêu cầu các đồng chí trong chi ủy phải bám sát cơ sở từ đó linh hoạt cách thức tuyên truyền. Đồng thời, hội viên của tổ chức hội nào thì tổ chức hội đó phải có hình thức tuyên truyền để hội viên mình hiểu được các quy định của pháp luật.
P.V: Vậy theo yêu cầu của tỉnh, xã đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người dân chưa, và sau các cuộc đối thoại này tâm tư của người dân như thế nào?
Đồng chí Phạm Hồng Linh: Sau khi tỉnh có quyết định ngừng việc cấp phép cho doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm, huyện cũng đã chủ trì nhiều cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc giữa người dân và doanh nghiệp, giúp người dân hiểu rõ các chủ trương cũng như việc cần thiết để doanh nghiệp được khai thác mỏ. Theo đó, cả huyện và xã đều đã giải thích rõ bằng văn bản cũng như bằng cách đối thoại với người dân rằng để được khai thác thì ngành chức năng đã có quá trình thăm dò địa chất và cam kết không có tình trạng sụt lún đất như người dân đã lo lắng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có những thương thảo nhất định với bà con nhưng chính doanh nghiệp cũng mất tự tin khi đối thoại nên bà con đã không vừa lòng với cách hành xử của doanh nghiệp.
P.V: Vậy với việc huy động 197 cọc tre để rào chắn không cho doanh nghiệp vào khai thác, xã đã có cách thức nào để ngăn chặn?
Đồng chí Phạm Hồng Linh: Vào ngày 30/11, 1/12/2015 chúng tôi được biết một vài người dân chở cọc tre về xóm, ban đầu chúng tôi cũng không biết việc họ sẽ tổ chức cắm cọc tre vào bãi bồi đã được phê duyệt khai thác, nhưng tối đến rất nhiều người dân đã ngấm ngầm cùng ra bãi tham gia. Sáng sớm thì vùng bãi bồi đã sin sít cọc tre, họ còn cắt cử người dân trông giữ. Trước tình hình đó, chúng tôi đã trực tiếp xuống tận hiện trường để vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, không ra trồng tre tại các vùng mỏ đang có biểu hiện tranh chấp. Chúng tôi có trình báo việc này lên huyện và xin ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên trước tình thế này huyện cũng yêu cầu không cưỡng chế, xử phạt việc người dân vi phạm vì tránh sự bức xúc đáng tiếc có thể xảy ra.
P.V: Vậy trước việc cán bộ, nhân dân và Chi bộ Gia Đề yêu cầu đồng chí Lê Văn Lan từ chức bí thư chi bộ, chúng ta đã có giải pháp gì?
Đồng chí Phạm Hồng Linh:Thứ nhất nói về hệ thống chính trị của xóm Gia Đề đã bị một số người dân lôi kéo vào vụ việc này, chúng tôi đã gặp từng người để tuyên truyền vận động họ chấp hành đúng chủ trương và những quy định của pháp luật. Mới đây hai cán bộ trong ban cán sự xin từ chức nay cũng đã quay lại nhận nhiệm vụ, còn Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, chúng tôi đã bổ nhiệm được đồng chí mới. Vì thế hiện nay tình hình tại Gia Đề đang tạm ổn, hệ thống chính trị đã hoạt động trở lại bình thường.
Lại nói về việc Chi bộ Gia Đề từng gay gắt yêu cầu đồng chí Lê Văn Lan từ chức bí thư chi bộ. Đây là điều mà đảng viên trong chi bộ này đã vi phạm nghiêm trọng quy định và điều lệ Đảng. Thứ nhất đồng chí Lê Văn Lan không làm sai và không vi phạm điều lệ đảng trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo ở xóm Gia Đề nên không thể yêu cầu đồng chí từ chức. Việc đồng chí không đồng tình với số đông ý kiến người dân ở đây mà yêu cầu đồng chí từ chức là yêu cầu vô lý, thiếu căn cứ và trái với quy định của đảng và quy định của pháp luật.
P.V:Điều mà dư luận và cấp ủy chính quyền lo lắng là liệu có ổn định tình hình trong dịp bầu cử sắp tới, địa phương đã thực hiện việc tuyên truyền bầu cử hiệp thương lần thứ nhất như thế nào?
Đồng chí Phạm Hồng Linh: Theo quy định về trình tự thì chúng tôi cũng đã tổ chức giới thiệu 2 ứng cử viên của xóm Gia Đề ra ứng cử. Về công tác tuyên truyền, chúng tôi tiến hành tuyên truyền qua các cuộc họp, qua truyền thanh xuống tận xóm, riêng đối với xóm Gia Đề, chúng tôi cũng phát tài liệu về quy định người ứng cử và trình tự bầu cử HĐND và ĐBQH khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới tận xóm. Trong khi với 12 xóm còn lại trên địa bàn Nghĩa Dũng bà con không có thắc mắc gì qua lần hiệp thương thứ nhất.
Tuy nhiên riêng ở Gia Đề chúng tôi đã phải tổ chức họp đến 3 lần mới “thông” được. Ngày 14/3 này chúng tôi sẽ tổ chức hiệp thương lần thứ 2 đối với các đại biểu được giới thiệu ứng cử cấp xã. Theo tình hình mà chúng tôi đã nắm bắt thì mọi việc sẽ thuận lợi, người dân không có điều gì thắc mắc hay chống đối.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
P.V