Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, tình trạng công dân khiếu kiện có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

Sáng 4/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) của công dân năm 2016 của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tình hình KN, TC của công dân năm 2016 có xu hướng giảm so với năm 2015. Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KN, TC, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4% và số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư KN, TC giảm 10,6%; tổng số vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6%.

images1704532_tinh_trang_cong_dan_khieu_kien_qua_khich__buc_xuc_gia_tang_hinh_0_57f323cb292cd.jpgTổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu

“Song tình hình khiếu kiện của công dân vân diễn ra phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết” – Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết. 

Tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân, khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và vận động thì có thái độ bức xúc, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ.

Theo dự báo, tình hình KN, TC của công dân trong năm tới nhiều khả năng tăng trở lại và vẫn diễn biến phức tạp.

Ủy ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá toàn diện về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01 tháng 9 năm 2015 đến ngày 31 tháng 8 năm 2016.

Báo cáo đã phân tích, đánh giá được thực trạng tình hình, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, kết quả giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, đề ra một số giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về các vấn đề như: nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

Những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân vẫn còn chậm được khắc phục, hiệu quả tiếp công dân chưa cao; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với năm 2015 và chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra (trên 85%).

Báo cáo cũng cần làm rõ tình trạng việc đơn thư tố cáo tăng hơn năm trước về số lượng đơn thư và số lượng vụ việc; vì sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%); hiệu quả giải quyết chưa tiến bộ hơn so với các năm trước trong khi Quốc hội đã ban hành Luật đất đai 2013 và Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN