(Baonghean) - Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, chuyển tải được nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri tỉnh nhà tới Quốc hội, trong đó đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) đã có nhiều ý kiến làm sôi động nghị trường.
Đem “tiếng nói thực tiễn” đến nghị trường
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đang đối đáp lại các thảo luận góp ý về dự thảo luật, thì đại biểu Nguyễn Hữu Cầu giơ bảng xin tranh luận về vấn đề này. Ông trở thành đại biểu đầu tiên áp dụng việc giơ bảng đăng ký tranh luận tại kỳ họp, trong sự phấn khích của các đại biểu có mặt tại hội trường.
Không chỉ tham gia tranh luận, tại các phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã thẳng thắn đặt câu hỏi chất vấn trước các Bộ trưởng như: “Liệu sắp tới Bộ trưởng có biện pháp mạnh tay để xử lý những cán bộ tha hóa này không?”; “Đề nghị Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ quản quản lý nhiều doanh nghiệp lớn, thời gian tới phải có giải pháp để tăng hiệu quả các dự án của Nhà nước!”...
Tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã hơn 5 lần phát biểu ý kiến ngay tại hội trường, lúc thì nêu lên các vấn đề cử tri đang bức xúc, lúc thì những ý kiến đóng góp xây dựng các dự án luật khá sắc sảo. Trước Quốc hội, ông đã phản ánh về tình trạng bất cập trong xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước, dòng chảy và ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận đồng bào miền núi, đồng thời đề nghị kiểm tra và khắc phục tình trạng này; hay vấn đề ô nhiễm môi trường biển miền Trung, ngư dân và nghề dịch vụ du lịch biển Nghệ An bị thiệt hại khá nặng nề nhưng chưa được hỗ trợ đền bù, đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ cho nhân dân Nghệ An bị thiệt hại. Ông cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục ưu tiên ngân sách để chi trả cho người có công tu sửa lại nhà theo Quyết định 22 của Chính phủ…
Ở buổi thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã phát biểu: “Nhà nước giao quyền sử dụng súng cho một số đối tượng là người thi hành công vụ nhằm giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, người sử dụng không những phải thành thạo về mặt kỹ thuật mà còn phải nắm vững các quy trình của pháp luật về việc sử dụng. Nếu không thì gặp nguy cơ phải đối mặt với việc vi phạm pháp luật rất cao. Nhiều sỹ quan chỉ huy nếu không bản lĩnh, không nắm vững quy định thì không dám sử dụng súng chứ chưa nói đến cán bộ, chiến sỹ bình thường”. Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo luật xem xét kỹ điều 21 dự thảo quy định về nổ súng; vì có khoản quy định “Trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo”, vậy bắn chỉ thiên có phải là nổ súng không?
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, khi đại biểu phát biểu trước Quốc hội, có nghĩa đã đưa hết tâm huyết, trí tuệ và năng lực của mình để đảm bảo lời nói của mình có chất lượng chứ không phải là phát biểu cho “qua chuyện”; đây là danh dự cũng đồng thời trách nhiệm của đại biểu với cử tri. Để có được những ý kiến phát biểu trước Quốc hội, ngoài việc đọc tài liệu về các vấn đề liên quan, ông đã chắt lọc từ hàng trăm ý kiến của cử tri qua mỗi lần tiếp xúc ở các địa phương, bởi với ông “Đại biểu Quốc hội nhiều người giỏi, uyên bác, có nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo, nên trước mỗi vấn đề khi phát biểu phải cân nhắc và tập trung xoáy sâu vào những vấn đề từ thực tiễn, có tính khả thi cao trong áp dụng, cũng như xây dựng luật”. Cũng theo ông thì: “Cái khó nhất là mỗi lần phát biểu chỉ được 7 phút, do đó mình phải nói làm sao để ý kiến, trách nhiệm của mình với cử tri thực sự được chuyển đến Quốc hội”.
Văn võ song toàn
Trong những ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội vừa qua, tin vui đến với Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, ông được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư. Đây là sự ghi nhận xứng đáng bởi ông không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người chỉ huy trên mặt trận bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mà với vai trò một Tiến sỹ Luật, ông còn dành thời gian làm giáo viên kiêm nhiệm, giảng dạy lồng ghép giữa lý thuyết và thực tiễn các vấn đề về tôn giáo, an ninh nông thôn, tội phạm ma túy, băng nhóm, xã hội đen... hướng dẫn hàng chục sinh viên hoàn thành đề tài nghiên cứu thạc sỹ và tiến sỹ. Bản thân ông cũng hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, 5 công trình khoa học tiêu biểu với tư cách là chủ nhiệm, chủ biên hoặc người tham gia và viết hàng chục bài báo khoa học, bài viết đăng kỷ yếu hội thảo trong nước; qua đó góp phần nâng cao nghiệp vụ, đưa ra những dự báo, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng là một người chỉ huy nhanh nhạy, quyết đoán. Còn nhớ, khi vụ thảm sát ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (7/2015) chưa lần ra manh mối thủ phạm, lúc đó vừa mới được bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh, ông đã trực tiếp cắt rừng, lội suối cùng các điều tra viên vào tận hiện trường truy tìm dấu vết thủ phạm. Trước đó, một số vụ gây rối, lộn xộn ở xã Yên Khê (Con Cuông); hay ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc), ông trực tiếp tận nơi xảy ra xung đột để nói chuyện, khuyên giải với bà con và cả với những đối tượng “chống đối”. Nhiều người còn nhớ hình ảnh vị đại tá công an trao chiếc mũ của mình cho một người dân ở Yên Khê để làm tin, đã hóa giải mọi rắc rối, căng thẳng...
Trong những lần chứng kiến ông chỉ huy, xử lý tình huống tại một số “điểm nóng” cũng như trò chuyện với các cộng sự, ai cũng ấn tượng về một vị lãnh đạo ngành xông xáo nơi tuyến đầu, bám sát cơ sở, chỉ đạo nhanh, nhạy các vấn đề mới nảy sinh, từ đó rút ra kinh nghiệm truyền dạy cho các thế hệ đi sau.
Trên cương vị Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đã tổ chức các cuộc đối thoại với các lực lượng trong ngành như: Cảnh sát giao thông; đoàn thanh niên; phụ nữ; trưởng công an xã… để trực tiếp trả lời các tâm tư, tháo gỡ các vướng mắc, tạo niềm tin, động lực, hướng đến tiêu chí người công an “Chính quy hơn, tận tụy hơn, lễ phép hơn, quyết liệt hơn và uy tín hơn”.
Nhờ đó, công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả, nhiều băng nhóm tội phạm bị bóc gỡ, nhiều đường dây buôn bán ma túy bị chặt đứt, nhiều tội phạm kinh tế, tham nhũng được đưa ra ánh sáng… Phong trào thi đua của Công an Nghệ An cũng từng bước đi lên mạnh mẽ, năm 2016, được Chính phủ tặng Cờ thi đua, về công tác cải cách hành chính được xếp vị trí số 1 trong lực lượng công an toàn quốc.
Đức Chuyên