(Baonghean) - Năm cũ Bính Thân 2016 khép lại với nhiều điều đáng nhớ, đáng để chúng ta suy ngẫm; một năm có nhiều sự kiện quan trọng cấp tỉnh, cấp quốc gia diễn ra thành công, có nhiều thành quả đáng phấn khởi trên mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội; một năm đặt nền móng khởi sắc cho nhiệm kỳ 2016 - 2020 với mục tiêu lớn hơn, tầm nhìn hội nhập sâu rộng hơn. 
 
 
images1800045_ct1.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Đường trao đổi về việc tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An.
Những dấu ấn nổi bật nhất của năm 2016 có thể kể đến con số thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay - đạt trên 11.000 tỷ đồng; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp với số lượng doanh nghiệp thành lập đạt 1.541 đơn vị, tăng 15%. Công tác thu hút đầu tư năm 2016 cũng tiếp tục duy trì “phong độ” rất tốt của năm 2015 với 141 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký đạt hơn 35.441 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực xã hội cũng có những chuyển biến tích cực với những đổi thay rõ rệt từ nông thôn đến thành thị. 
 
Các tuyến đường nội tỉnh được nâng cấp, xây mới, đảm bảo mạng lưới giao thông kết nối các vùng sâu, vùng đặc thù với khu vực trung tâm tạo điều kiện phát triển đồng đều cho các vùng, miền. Sự hiện diện của các doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia, quốc tế như Tôn Hoa Sen, Massan, The Vissai, VSIP, Hemaraj, Vingroup, TH,… không chỉ tạo việc làm cho người lao động Nghệ An mà còn tạo điều kiện cho các dịch vụ vệ tinh phát triển, nâng chất lượng cuộc sống của địa phương. Tốc độ tăng trưởng của năm khá - đạt 7,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; có 152 xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới là những con số biết nói khác để chốt lại năm 2016.
 
Bên cạnh các thành quả nổi bật trong lĩnh vực kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân tỉnh nhà có sự chuyển biến tích cực. Thành tích của các em, các cháu học sinh, sinh viên tỉnh nhà trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế tiếp tục được duy trì truyền thống nhiều năm nay của Nghệ An. Chất lượng các dịch vụ an sinh xã hội được quan tâm và ngày càng cải thiện. Quốc phòng - an ninh dù có những diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung vẫn được giữ vững, có sự theo dõi sát sao và xử lý kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội chung. 
 
 
Giờ học tiếng Anh tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: Hữu Nghĩa
Để khép lại năm Bính Thân 2016 và mở ra năm mới Đinh Dậu 2017, tôi muốn nhìn lại một sự kiện vừa mới diễn ra hồi cuối năm và thu hút được sự quan tâm chú ý của truyền thông cũng như đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đó là Ngày hội hoa hướng dương - một sự kiện gắn với cánh đồng hoa hướng dương thuộc sở hữu của Tập đoàn TH, tại địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Đây là năm đầu tiên tỉnh ta tổ chức sự kiện này, và có điểm đặc biệt - đó là sự kiện này không xuất phát từ một lễ hội văn hóa truyền thống sẵn có, mà có thể nói là hoàn toàn “nhân tạo”, với ý tưởng xuất phát từ sức hút của cánh đồng hoa hướng dương từ năm 2015. Trong nhiều ngày trước, trong và sau khi Ngày hội hoa hướng dương diễn ra, tỉnh ta đã đón nhiều lượt du khách về thăm quan đồng hoa với nhiều dịch vụ vệ tinh được tổ chức phục vụ nhu cầu khách du lịch.
 
Từ những dịch vụ tự phát của người dân địa phương như cho thuê phụ kiện chụp ảnh, in ảnh, bán nông sản sạch… đến những dịch vụ chuyên nghiệp của Trang trại TH, có thể thấy năm nay chúng ta đã chủ động hơn trong khai thác giá trị kinh tế từ điểm du lịch này. Những hoạt động vui chơi giải trí và Cuộc thi Người đẹp hoa hướng dương cũng là những điểm nhấn níu chân du khách, giúp quảng bá rộng rãi hơn về điểm du lịch mới mẻ này. Tất nhiên, là năm đầu tiên tổ chức khó tránh khỏi những thiếu sót. Vẫn còn một số cảnh tượng không đẹp như du khách xả rác trên đồng hoa, phá hoại hoa hay việc ách tắc giao thông do lượng du khách đổ về quá lớn,… Bên cạnh những lý do khách quan đến từ phía người dân và du khách tham quan, chúng ta thừa nhận vẫn còn một số “hạt sạn” trong khâu chuẩn bị, tổ chức cho ngày hội. Những năm tới đây, tin rằng chúng ta sẽ rút kinh nghiệm để ngày càng nhuần nhuyễn hơn trong việc chuẩn bị các sự kiện mang tính kinh tế - văn hóa như thế này, để tạo dựng hình ảnh Nghệ An thân thiện, văn minh và hấp dẫn với du khách gần xa. 
 
Cánh đồng hoa hướng dương tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) vào ngày hội tháng 12/2016. Ảnh: T.S
Chọn Ngày hội hoa hướng dương để bàn luận ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điều mà Nghệ An vẫn còn thiếu và đang nỗ lực hướng đến: Sự chuyên nghiệp. Đó là yêu cầu vô cùng quan trọng để chúng ta có thể hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Mà trước mắt, mục tiêu của chúng ta là phải vươn lên sánh hàng với những địa phương đi đầu cả nước trong việc làm thương hiệu. Ví dụ như nhắc đến Đà Nẵng là nghĩ ngay đến thành phố du lịch vừa hiện đại vừa thân thiện, văn minh, chiều lòng được mọi du khách từ bình dân cho đến người có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Hay với đối tượng khách du lịch ưa trải nghiệm, những điểm đến yêu thích hàng đầu của họ không thể thiếu các hòn đảo hoang sơ ở phía Nam có các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi hoặc vùng núi cao phía Bắc ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu,…
 
Thậm chí Quảng Bình trước đây chỉ nổi tiếng nhờ quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng thì nay cũng được điểm danh trong danh sách điểm đến không thể bỏ qua với các điểm du lịch mới mẻ như Động Thiên Đường, Hang Tối, Suối Nước Moọc. Một số địa phương phụ cận các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm với các khu vực cắm trại, homestay với giá cả bình dân, dịch vụ giản tiện, nhưng vẫn hút khách nhờ cảnh quan thiên nhiên, không khí trong lành - những điều tưởng bình thường nhưng vẫn không bao giờ là thừa với người dân thành thị… 
 
Tôi nghĩ về tiềm năng du lịch, Nghệ An không thiếu mà thậm chí còn có rất nhiều. Chúng ta có biển, có sông, có núi, dày dặn di tích, thắng cảnh - hội tụ mọi loại địa hình, cảnh quan và sự đa dạng về mặt văn hóa. Vậy chúng ta còn thiếu điều gì để du lịch Nghệ An thực sự tạo được dấu ấn trong lòng du khách trong và ngoài nước? Tôi nghĩ chúng ta thiếu sự chuyên nghiệp. Tư duy làm du lịch của Nghệ An vẫn còn khá đơn thuần, chủ yếu là theo hình thức tự phát.
 
Tôi lấy ví dụ một số ngọn thác rất đẹp ở miền Tây Nghệ An, sau khi được truyền thông quảng bá rầm rộ và thu hút một lượng du khách nhất định đến thăm quan, lại rơi vào quên lãng, vì địa phương chưa quan tâm đúng mực và có định hướng phát triển kinh tế du lịch cho người dân. Đó thực sự là một điều đáng tiếc và rất lãng phí. Nhất là đối với các vùng miền núi Nghệ An muốn vươn lên thoát nghèo, những ngành công nghiệp không khói như du lịch, dịch vụ là hướng đi không quá khó mà có thể đem lại giá trị kinh tế cao, thì địa phương và người dân nên nhận thức được lợi thế vốn có để có cách khai thác hiệu quả và bền vững. 
 
 
Sản xuất tại Nhà máy Royal Foods. Ảnh: L.T
Từ ví dụ của ngành Du lịch mà nói rộng ra, thì Nghệ An chúng ta còn cần sự chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như phát triển nông nghiệp, thương mại, thu hút đầu tư,… muốn hội nhập bền vững thì không thể làm một cách chộp giật, thiếu bài bản. Nói như vậy thì khó hình dung, nhưng nói nôm na thì chúng ta hãy cứ bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Như là từ bao bì, mẫu mã trở đi chẳng hạn. Chúng ta chưa cần phải tìm tòi, nghiên cứu ra sản phẩm gì mới lạ, mà tại sao không bắt đầu bằng chính Cam Vinh, tương Nam Đàn, nông sản miền Tây, biển Cửa Lò, đảo chè Thanh Chương, những cổng trời và cung đường đèo kỳ vĩ ở Kỳ Sơn,…?
 
Tôi tin rằng những người đã từng đến với Nghệ An, từng biết đến những đặc sản của đất và người Nghệ An đều phải nhận ra những giá trị đích thực của những đặc sản ấy… Song với người chưa đến, chưa nghe, chưa biết về Nghệ An thì chúng ta cần phải cho họ thấy những hình ảnh đẹp nhất, hấp dẫn nhất thay vì cách làm thương hiệu có phần sơ sài, còn “mộc” như hiện nay. Như vậy thì người ta mới muốn đến, muốn trải nghiệm và hiểu về Nghệ An ngay cả khi chưa hề biết gì về vùng đất này. Có một bài hát về Nghệ An mà tôi cho là nói khá đúng về tính cách, đặc trưng của đất và người ở đây: “Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng/Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng”. Sự sâu sắc, đằm thắm của đất và người xứ Nghệ hiển nhiên cũng là một nét đẹp, nét đáng yêu, nhưng sẽ càng tốt hơn nếu chúng ta cởi mở và chủ động trong kết nối, giới thiệu để bạn bè gần xa cảm nhận được nét đẹp đó để tìm đến với chúng ta.
 
Nguyễn Xuân Đường
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh