Khắc phục tình trạng quan liêu
Vài năm gần đây, hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cơ sở (chủ tịch HĐND, UBND cấp xã) với nhân dân được ủy ban MTTQ các cấp chủ trì triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, trở thành hoạt động thường niên. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 826 cuộc đối thoại. Theo đó, nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở trong quản lý đất đai, như bán đất trái thẩm quyền, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang đê điều, hành lang ATGT, chậm trong cấp đổi GCNQSDĐ; trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo phát triển kinh tế cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, thực hiện chế độ chính sách và ý thức đạo đức công vụ của cán bộ, công chức cơ sở…, được nhân dân thẳng thắn nêu.
Và điều quan trọng, theo đồng chí Võ Văn Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, những vấn đề nhân dân nêu, chính quyền không thể né tránh mà buộc phải trả lời và giải quyết một cách công khai dưới sự giám sát của nhân dân; từ đó hạn chế những bức xúc kéo dài, đồng thời các nguyện vọng, mong muốn của người dân được đáp ứng kịp thời hơn. Đặc biệt, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở theo đó cũng được nâng lên; khắc phục tình trạng chủ quan, duy ý chí, áp đặt, mệnh lệnh hành chính trong chỉ đạo, điều hành và bệnh quan liêu, xa dân của cán bộ, công chức - hai trong những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.
Ngoài hoạt động đối thoại cấp cơ sở, ở cấp huyện, nhiều địa phương cũng đã quan tâm đến công tác đối thoại nhằm giải quyết từng vấn đề, vụ việc cụ thể. Đơn cử ở huyện Anh Sơn, trong năm 2018 vừa qua, Thường trực Huyện ủy đã tiến hành 2 cuộc đối thoại với cán bộ chủ chốt cơ sở, gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã và bí thư chi bộ, khối - xóm trưởng trên địa bàn toàn huyện. Qua đó, nhiều vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở được lãnh đạo huyện thông tin, làm rõ và định hướng cho cơ sở hướng đi và sự tập trung lãnh đạo.
Đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), gắn với sắp xếp, bố trí cũng như chính sách cán bộ; các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; sự phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện trong đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế mới, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyết toán công trình xây dựng chậm…
Bên cạnh đối thoại ở diện rộng, lãnh đạo huyện Anh Sơn cũng đã tổ chức thêm 4 cuộc đối thoại chuyên đề, địa bàn cụ thể. Theo đó, chuyên đề được lựa chọn đối thoại là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện - vấn đề được nhiều cử tri quan tâm phản ánh, bức xúc và 3 cuộc đối thoại còn lại được tổ chức tại 3 xã Thạch Sơn, Khai Sơn và Hội Sơn - nơi có nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ và giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Khắc Xuân - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Anh Sơn, cho biết: “Ở các cuộc đối thoại, các vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập đều xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân để đôn đốc giải quyết sau đối thoại. Ví như sau đối thoại công tác cấp (được tổ chức đầu năm 2018), Huyện ủy đã thành lập các tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm tổ trưởng trực tiếp xuống từng cơ sở có tỷ lệ cấp giấy thấp để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là tăng trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong vấn đề này, tránh tình trạng khoán trắng cho công chức địa chính hoặc ỷ lại đơn vị tư vấn. Nhờ đó, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình 6 tháng cuối năm 2018 bằng kết quả 2 năm trước đó cộng lại.
Tương tự, qua đối thoại tại xã Hội Sơn, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến chế độ chính sách tồn đọng; quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện quy trình cán bộ chưa đảm bảo chặt chẽ được làm rõ và giải quyết sau đó, tạo sự tin tưởng cho người dân”.
Bên cạnh giải quyết các vấn đề bức xúc, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Anh Sơn, qua đối thoại cũng đã phát hiện một số sai phạm, gắn với xử lý trách nhiệm đối với một số tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần ngăn ngừa sai phạm và nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Mở rộng hoạt động đối thoại
Đối thoại là một trong biện pháp của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ, đồng thuận vì mục tiêu phát triển chung, đảm bảo hài hòa lợi giữa Nhà nước và người dân; đồng thời phát huy những mặt tích cực, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thậm chí là ngăn ngừa sai phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Hoạt động đối thoại trên địa bàn tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Quyết định số 2924/QĐ-TU, ngày 30/8/2012 về ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”, cùng với nhiều Công văn sau đó và gần đây nhất là Công văn số 4063-CV/TU, ngày 7/01/2019 về Chỉ đạo tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Theo đó, Công văn này yêu cầu các huyện, thành, thị ủy trực thuộc Tỉnh ủy, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhân dân thì phải triển khai tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện với nhân dân.
Cần mở rộng hoạt động đối thoại theo lĩnh vực, ngành để giải quyết rốt ráo các vấn đề một cách công khai
Song song với việc mở rộng hoạt động đối thoại ở cấp huyện, quá trình tiếp cận cơ sở, chúng tôi ghi nhận những ý kiến cho rằng, có những tồn tại, bức xúc, bất cập đặt ra đối với cấp ngành cũng cần phải đặt ra yêu cầu đối thoại để giải quyết rốt ráo các vấn đề một cách công khai “ba mặt, một lời”, tránh tình trạng cấp này đổi cho cấp kia, ngành này đổ lỗi cho ngành kia mà không ai chịu nhận trách nhiệm để tháo gỡ.
Chẳng hạn đối với ngành Công Thương, cần tổ chức đối thoại để tìm giải pháp tháo gỡ trong việc hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn hay đối thoại nhằm giải quyết bài toán phối hợp giữa chính quyền với chủ đầu tư các dự án thủy điện và giữa các dự án thủy điện, đảm bảo vận hành, điều tiết các hồ chứa an toàn trong mùa mưa lũ. Hoặc đối với ngành Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức đối thoại giữa các bên để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại các dự án chung cư và khu đô thị. Đó còn là đối thoại để thúc đẩy việc hoàn thiện các hồ sơ thủ tục các dự án được chấp thuận đầu tư và đẩy nhanh triển khai thi công các dự án sau khi hoàn thiện các thủ tục…
Các cấp, các ngành cần quan tâm nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại, tránh hình thức trong tổ chức.
Cùng với việc tăng cường, mở rộng hoạt động đối thoại, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Văn Tiến cho rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm đến chất lượng các cuộc đối thoại, tránh hình thức trong tổ chức. Đặc biệt là phải có tinh thần cầu thị, tiếp thu nghiêm túc và chỉ đạo xử lý quyết liệt các vấn đề được nêu ra tại các cuộc đối thoại mà nhận thấy thuộc thẩm quyền trách nhiệm ở cấp mình, “tránh đánh trống, bỏ dùi”; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị, cùng với cấp trên giải quyết.