Có mặt tại cảng cá Quỳnh Lập (T.X Hoàng Mai) vào lúc 5 giờ sáng 17/11, hàng chục thuyền khai thác ruốc biển của bà con ngư dân liên tiếp về bờ cập bến. Ảnh: Việt Hùng
Biết tin thuyền về bờ, chị Nguyễn Thị Hoa mang dụng cụ ra thuyền hỗ trợ chồng phân loại ruốc. Công việc này diễn ra trong khoảng 1 giờ là hoàn tất. Sau khi phân loại, những khay ruốc biển đầy ắp được ngư dân vận chuyển xuống đò để mang ra chợ bán. Hiện giờ ruốc biển có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
 
Chuyến về bờ sáng sớm nay, ngư dân Trần Đình Quỳnh phấn khởi vì thuyền của anh xúc được 7 tạ ruốc biển, trừ chi phí thu lãi hơn 6 triệu đồng. "Chúng tôi đi lúc 5 giờ chiều hôm qua, xúc ruốc từ đêm qua đến sáng nay mới về. Những ngày này, vào mùa ruốc biển nên ngư dân đều trúng đậm” - anh Quỳnh chia sẻ. Ảnh: Việt Hùng
 
Với ngư dân Lê Hùng, chuyến về bờ sáng nay được xem là bội thu nhất khi thuyền của anh xúc được hơn 1 tấn ruốc biển, cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Anh chia sẻ, ra khơi từ chiều hôm qua, tối đến mới bắt đầu thả te xuống biển, gặp được luồng ruốc nhiều nên sau 3 tiếng là đầy khoang. Ảnh: Việt Hùng
 
Theo chia sẻ của ngư dân, từ tháng 8 đến tháng giêng ÂL năm sau là vào mùa ruốc biển, nhưng cao điểm nhất vẫn từ tháng 9 - 10 ÂL. Để săn được ruốc biển, ngư dân sử dụng thuyền dạ và te lưới có công suất máy từ 120 CV trở lên để khai thác ruốc. Ảnh: Việt Hùng.
Ông Nguyễn Văn Dũng - một ngư dân lâu năm cho biết, những chiếc te lưới săn bắt ruốc thường có giá trị hơn bởi chúng không lẫn các loại cá tạp vào; ruốc cũng to con hơn so với dùng thuyền dạ kéo lưới sát đáy biển. Te lưới dùng để xúc ruốc được làm từ 2 thân gỗ, mỗi bên dài 16 mét, ở giữa giăng lưới. Khi ra khơi, chiếc te được hạ xuống mặt nước khoảng hơn 1 mét để xúc ruốc. Ảnh: Việt Hùng
 
Trời dần sáng, nhiều thuyền đánh ruốc về bờ càng đông hơn và nhộn nhịp hẳn. Mặc dù vất vả với nghề biển nhưng với những khay ruốc đầy ắp đã mang đến niềm phấn khởi cho các ngư dân... Hiện xã Quỳnh Lập là địa phương có nghề khai thác ruốc biển nhiều nhất ở Thị xã Hoàng Mai với trên 50 phương tiện, ngoài ra địa phương có khoảng hơn 100 chiếc tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Ảnh: Việt Hùng
Ruốc hay con gọi là moi biển, chúng được chế biến thành nhiều món ăn ngon, đặc trưng như xào cải xanh; bí đỏ, khế chua; nấu canh hoặc sử dụng để làm mắm ruốc… Ảnh: Việt Hùng
Clip: Ngư dân Nghệ An trúng đậm mùa ruốc biển