Tập trung nhiều ở Sông Giăng, cá mát chỉ nhỏ bằng hai, ba ngón tay người lớn, con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg, mình cá có từ 3 đến 6 chấm đen, còn vi cá màu hồng. Loài cá này thường sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết.
Từ chập tối trở đi, cá mát bắt đầu theo nhau đi tìm kiếm các loại côn trùng trên mặt nước, rong tảo bám trong bờ bụi. Ăn no rồi chúng kéo nhau đi tìm bầu bạn trong dòng nước.
Anh Vi Văn Cốc ở bản Xiềng xã Môn Sơn, Con Cuông, người có thâm niên với nghề đánh bắt cá mát trên sông Giăng nhiều năm nay cho biết: “Hiện đang là “mùa” cá mát, nên đêm nào tôi cũng tranh thủ đi đánh bắt từ nửa đêm cho đến rạng sáng. Cá được đánh bắt bằng các dụng cụ thủ công như lưới, nhủi, thả lụy hay lặn bắt. Với loài cá này phải đánh bắt vào ban đêm là chủ yếu, vì thời điểm này cá thường đi theo từng đàn, con cá cũng ngon hơn”. Mỗi đêm, anh Cốc đánh bắt được từ 6-7 kg cá, bán với giá mỗi kg từ 250-300 nghìn đồng.
Cá mát sau khi đánh bắt về được các thương lái trực tiếp thu mua tại nhà, nhập cho các nhà hàng, quán ăn. Đây là loại cá được thị trường ưa chuộng vì vừa lành vừa bổ, thịt lại thơm ngon, mỡ béo ít xương. Đặc biệt có tác dụng lợi sữa, hạn chế các chứng bệnh tim mạch.
Ngoài cách kho đơn giản như những loại cá khác, người dân miền núi còn nướng cá trực tiếp bằng than và giàng sàn bếp để kho ăn dần, nấu trôi….
Để nướng cá, phải có que tre tươi kẹp từ đầu tới đuôi từng con một. Đổ than hoa vào nồi đất miệng có vỉ sắt phủ trùm lên trên rồi mới đặt kẹp cá lên vừa quạt vừa nướng, lật trở đều hai mặt cho tới khi nào thấy cá vàng ươm chảy mỡ tỏa thơm là được.
Cá mát hiện được xem là món ăn đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ, thậm chí nhiều người nói, khách du lịch khi đến Con Cuông mà chưa được thưởng thức món cá mát thì coi như chưa từng đến Con Cuông.
Chị Phan Thị Hà, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tiên tôi đến đây, ngoài cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và xinh đẹp, thì các món ăn cũng làm chúng tôi nhớ mãi, nhất là món cá mát nướng rất thơm ngon và khó quên.
Hiện nay, cá mát duy nhất chỉ có ở các huyện miền Tây Nghệ An, sống theo dọc sông Giăng. Những năm gần đây, nhờ làm tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm đánh bắt theo hình thức tận diệt nên cá mát trên sông Giăng đã phát triển nhanh, đem về nguồn thu nhập lớn cho người dân vùng thượng nguồn khe Nóng.