Chúng tôi theo thuyền của ngư dân Trần Quốc Kỳ ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đi một chuyến lộng, cùng anh buông mẻ lưới săn cá đục. Tấm lưới mắt nhỏ có kích thước dài hàng trăm mét, bề rộng hơn 1 mét.
Việc thả lưới thường mất khoảng 20 phút, trong khi chờ cá mắc lưới, anh Kỳ quay lại vị trí khác để kéo mẻ lưới được thả từ chiều tối qua. Chiếc thuyền được giảm tốc độ, anh Kỳ kéo từ từ mẻ lưới lên thuyền.
"Loài cá này khó đánh bắt nhưng khi chúng di chuyển đều theo đàn nên nếu trúng là được hàng yến, thu về hàng triệu đồng. Mỗi ngày, ngư dân ra biển kéo lưới 2 - 3 lần" - anh Kỳ cho hay.
Thời điểm này, trên 70 thuyền cá của ngư dân xã Quỳnh Long cũng tập trung khai thác cá đục. Theo chia sẻ của bà con, cá đục được đánh bắt quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa hè - thu (từ tháng 4 - 10 âm lịch).
Cá đục sinh sống gần bờ, có thân nhỏ, thon, dài khoảng 10 - 15 cm và có giá trị rất cao, từ 80.000 - 130.000 đồng/kg (tùy loại). Thông thường, mỗi thuyền cá ra khơi săn cá đục đều thu về từ 10 - 15 kg, có thuyền trúng hàng yến cá được gần chục triệu đồng chỉ trong 1 buổi.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng hơn 200 thuyền hoạt động đánh bắt gần bờ với nhiều nghề như cá đục, ghẹ, tôm tít... tập trung ở các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Tiến Thủy.
Vào mùa du lịch, cá đục là món đặc sản hấp dẫn du khách, vì thế mà giá bán tại các nhà hàng cũng được tăng lên từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tuy giá khá cao nhưng du khách vẫn ưa chuộng và sản phẩm cá đụcthường "cháy hàng" vào dịp nghỉ lễ. Cá đục có nhiều cách chế biến thành món ăn hấp dẫn như: cá đục nướng, rim kho./.