Đi qua những chặng đường rừng trắc trở của Đồng Văn (Quế Phong) với mong muốn tìm được gốc cây chè hoa vàng, ông Lương Văn Hùng (trưởng bản Tục, Đồng Văn) chia sẻ rằng, trước đây chỉ cần đi vào vùng rừng của Đồng Văn, Thông Thụ từ 7 đến 10km là đã có thể bắt gặp những gốc chè cổ thụ sum suê.
Thế nhưng, kể từ năm 2013 trở lại đây, để tìm được chè hoa vàng phải đánh đường vài chục cây số. Lý do là bởi từ ngày tư thương ráo riết thu mua hoa của cây chè hoa vàng với giá cao “ngất ngưởng” lên tới 2- 3 triệu đồng/kg thì người dân đổ xô vào rừng thu hái. Thậm chí, với những cây cao, nhiều người sẵn sàng đốn hạ tận gốc.
Việc trồng mới diện tích cây chè hoa vàng cũng gặp nhiều khó khăn khi Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ đã tiến hành thử nghiệm hơn 1.000 gốc chè hoa vàng giống bản địa tại địa bàn 3 xã: Tri Lễ, Hạnh Dịch, Thông Thụ nhưng mô hình đã thiệt hại trên 90% do ảnh hưởng của thiên tai.
Nhận thấy sự suy giảm đáng kể số lượng cây chè hoa vàng trên địa bàn, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ trồng mới 5 ha chè hoa vàng và bảo tồn, trồng bổ sung trên tổng diện tích 90 ha.
Theo đó, trong 2 năm (2016, 2017) huyện Quế Phong đặt mục tiêu bảo tồn và trồng bổ sung 37 ha và trồng mới 2,5 ha.
Tuy nhiên, kết quả chỉ bảo tồn, trồng bổ sung 17 ha, đạt 46% kế hoạch 2 năm.
Cùng với đó, diện tích trồng mới chỉ có 0,5 ha, đạt 20% kế hoạch 2 năm.
Các xã chủ yếu dựa vào các nguồn đầu tư của Nhà nước và một số dự án hỗ trợ khác mà chưa có các biện pháp triển khai thực hiện để phát huy nội lực của người dân và tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác khuyến lâm cơ sở chưa thực hiện thường xuyên nên diện tích trồng bổ sung, trồng mới và bảo tồn thiếu sự giám sát chặt chẽ.
Trước những vướng mắc còn tồn tại, việc hoàn thành được mục tiêu trồng mới 3 ha và bảo tồn, trồng bổ sung 63 ha chè hoa vàng trong giai đoạn 2018 - 2020 của đề án đang được đánh giá là khó hoàn thành đối với huyện Quế Phong.