Quỳnh Lưu là địa phương có tổng phương tiện tàu thuyền lớn nhất tỉnh, ngoài khai thác xa bờ với những loại hải sản có giá trị cao, ngư dân Quỳnh Lưu còn giữ gìn nghề truyền thống cha ông với việc khai thác gần bờ, săn bắt những con đặc sản có giá trị..
Ngư dân Hồ Văn Minh ở xã Quỳnh Nghĩa cho biết, chúng tôi đi biển quanh năm với 5 - 6 nghề như: nghề đánh cá trích, cá bạc má, cá sóc, tôm tít, ghẹ... Hiện nay, đang vào mùa đánh ghẹ nên ngư dân hầu như chuyển sang nghề này. Nghề đánh ghẹ vào mùa từ tháng 7 - 10 ÂL, khoảng 4 giờ sáng đi đánh đến 7 giờ là ngư dân quay về bờ. Có hôm gặp may, nhiều thuyền đánh được khoảng 1 tạ ghẹ, thu về 8 triệu đồng/ngày.
Với thâm niên đi biển lâu năm, ngư dân Nguyễn Minh Hưng chia sẻ: Vào mùa này, ghẹ nhiều, chúng thường kiếm ăn vào ban ngày nên ngư dân thường săn bắt chúng từ rạng sáng. Mỗi chiếc thuyền ra khơi, ngư dân đều trang bị 2 - 3 vàng lưới đánh ghẹ, mỗi vàng lưới được kéo lên sau khoảng 2 -3 tiếng thả lưới, thu về nhiều tạ ghẹ cho thu nhập khoảng 3 - 5 triệu đồng/ngày.
Đối với những con đặc sản đánh bắt gần bờ, ghẹ là con có giá trị cao và được các nhà hàng, thương lái thu mua với số lượng lớn. Hiện giá bán tại bến ghẹ loại 1 là 250.000 đồng/kg, loại 2 giá 150.000 - 170.000 đồng/kg... Sau khi ngư dân đánh bắt ghẹ từ biển về, các thương lái sẽ thu mua, nuôi trữ trong bể để phân phối khắp các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng hơn 300 chiếc chuyên khai thác ghẹ; tập trung các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng... Nhờ có nghề này, ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu có cuộc sống khá giả hơn, vừa giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
Clip: Nghề đánh ghẹ trên biển của ngư dân Nghệ An |