Phát biểu tại buổi họp báo hôm 16/8 của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo khẳng định thế giới đang đòi hỏi sự thay đổi trong cách hành xử của Iran, để nước này “rốt cuộc hành động như một quốc gia bình thường”. Ông nói thêm rằng Hook sẽ đứng đầu một Nhóm Hành động Iran nhằm “khích lệ sự ủng hộ quốc tế đối với những nỗ lực của chúng tôi”.
Ông Hook khẳng định Mỹ muốn “thúc đẩy một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Iran”, nói thêm rằng “chế độ của Iran là một nguồn gây bất ổn và bạo lực”.
Hook cũng nhắc đến 12 yêu cầu trước đó được chính phủ Mỹ đưa ra, mà Washington cho rằng Tehran phải tuân thủ. Những yêu cầu này bao gồm việc Iran rút khỏi Syria. Pompeo trước đó tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp đặt “những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử” nếu Iran không tuân theo những yêu cầu này.
Hook nói rằng nếu Tehran “thay đổi hành vi ứng xử” trong 12 lĩnh vực nói trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump “sẵn sàng đối thoại với chế độ này”. Khi đề cập đến các nước khác làm ăn thương mại với Iran, Hook khẳng định Mỹ “sẵn sàng áp trừng phạt thứ cấp lên các chính phủ khác”.
Mỹ “chắc chắn kỳ vọng sự tuân thủ đầy đủ của tất cả các quốc gia”, Hook nói, đồng thời lưu ý rằng mục tiêu của Washington là “giảm lượng nhập khẩu dầu từ Iran của mỗi nước về 0 trước ngày 4/11”.
Khi hãng tin AP đề cập rằng việc tuyên bố thành lập Nhóm Hành động Iran diễn ra đúng dịp kỷ niệm cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn năm 1953, và đặt câu hỏi liệu điều này có ngụ ý về “sự thay đổi chế độ”, ông Hook trả lời rằng thời gian “chỉ là trùng hợp” và Nhóm Hành động Iran nhằm “thay đổi hành vi của chế độ Iran”.
Các quốc gia châu Âu và Nga hiện đã lên tiếng trước những yêu cầu ngừng giao thương với Iran từ Mỹ. Các bộ trưởng Anh, Pháp, Đức và EU đã viết thư gửi các quan chức cấp cao của Trump hồi tháng 6, theo đó yêu cầu Washington đồng ý không trừng phạt các nền công nghiệp châu Âu do giao dịch với Tehran.
Lá thư nói trên, được đăng trực tuyến trên The New York Times, khẳng định rằng “với tư cách các đồng minh, chúng tôi mong Mỹ sẽ kiềm chế đưa ra hành động gây hại cho các lợi ích an ninh của châu Âu”.
Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các bên khác tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các nước có hoạt động kinh doanh với Iran “là một chính sách hoàn toàn trái luật và không thể chấp nhận, nhưng, dĩ nhiên, điều này hầu như không thể thay đổi và sẽ hứng đủ khó khăn trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và chính trị”.
Lavrov cũng hối thúc các bên còn lại tham gia ký kết thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) phát triển các cách thức nhằm giữ cho quan hệ thương mại và kinh tế với Iran “không phụ thuộc vào tính khí thất thường của Mỹ”.