(Baonghean) - Sau 3 năm thực hiện nghị quyết số 11 - NQ/HU về chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, từ một huyện “trắng” bệnh viện nay Nghĩa Đàn đã đưa Trung tâm y tế có giường bệnh vào hoạt động, hệ thống trạm y tế cơ sở không ngừng được nâng cấp, đầu tư đạt chuẩn, tạo cơ sở chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn...
 
images994117_4a.jpgBác sỹ ở Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn thăm khámcho bệnh nhân.
 
Chúng tôi về xã Nghĩa Thắng - một trong những xã nghèo của huyện Nghĩa Đàn. Nằm cách xa trung tâm, địa hình, đất đai không thuận lợi, đồng bào dân tộc nhận thức còn nhiều hạn chế nhưng đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về việc tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế”. Nghị quyết xác định “tăng cường chỉ đạo công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình phục vụ hoạt động y tế trên địa bàn”. Cơ sở vật chất Trạm y tế tại thời điểm đó chỉ là 2 dãy nhà cấp 4 xập xệ, trang thiết bị, dụng cụ thiếu thốn.
 
Triển khai công tác xã hội hóa, cán bộ xã, cán bộ trạm y tế bám xóm, bám dân “đến từng xóm, gõ từng nhà”, tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu chủ trương, tạo sự đồng thuận trong đóng góp xây dựng trạm. Hiểu đúng chủ trương, thông về tư tưởng, dẫu nghèo nhưng mỗi hộ dân Nghĩa Thắng vẫn tham gia đóng góp 200.000 đồng/hộ, cùng với sự hỗ trợ của huyện, các hạng mục nhà y tế đa năng đã được xây dựng với giá trị đầu tư 1,2 tỷ đồng. Trang cấp thiết bị y tế cũng từng bước được đầu tư như máy thử nước tiểu, dụng cụ đo đường huyết, máy chạy khí dung… hỗ trợ tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở. Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Bí thư chi bộ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Thắng, cho biết: “Chi bộ đặt quyết tâm cao trong việc tham mưu lộ trình phấn đấu đạt xã chuẩn về y tế. Các đảng viên bám trạm, bám dân để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu”. 
 
Thuận lợi hơn xã Nghĩa Thắng, xã Nghĩa Hội có điều kiện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, nhờ vậy công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Y sỹ Võ Văn Hồng - Bí thư Chi bộ Trạm y tế nhớ lại: “Suốt một thời gian dài, trạm chỉ có một dãy nhà cấp 4, cơ sở vật chất rất nghèo nàn, vì vậy việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gặp nhiều khó khăn”. Bây giờ, trạm đã có 4 dãy nhà với 15 phòng chức năng như phòng tiểu phẫu, phòng sản và hậu sản, phòng khám, phòng điều trị nội trú và các máy thở ôxy, xét nghiệm máu…
 
Đội ngũ cán bộ trạm có 7 người cũng được chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn. Với những đầu tư đó, Trạm Y tế xã Nghĩa Hội đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trong xã mỗi khi có ốm đau, bệnh tật. Những dấu ấn trên là kết quả của một quá trình phấn đấu và đầu tư có định hướng của Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Hội. Đồng chí Bùi Văn Lam - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, xã đã xây dựng đề án và bám sát vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia ưu tiên nguồn vốn ngân sách kết hợp xã hội hóa để đầu tư xây dựng”. Vì vậy, ngay trong năm 2010, Trạm Y tế xã Nghĩa Hội đã đạt tiêu chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn I và đạt chuẩn giai đoạn II sau đó 2 năm.
 
Việc đưa Trung tâm Y tế huyện theo mô hình trung tâm y tế có giường bệnh đi vào hoạt động được xem là một sự thành công vượt bậc. Trung tâm Y tế huyện từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ y tế dự phòng, nhờ sự đầu tư từ nguồn vốn vay WB, và một số hạng mục từ nguồn Trái phiếu Chính phủ đã vươn lên đảm nhận thêm chức năng khám, chữa bệnh. Ngoài được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất nhà cửa, phương tiện khám, điều trị, chất lượng đội ngũ được đặc biệt quan tâm. Từ chỗ ban đầu mới thành lập chỉ có 1 bác sỹ thì bằng các giải pháp rút bác sỹ ở tuyến xã lên, cử đi học chuyên khoa 1, đào tạo kỹ thuật chuyên ngành… nên hiện tại, trung tâm đã có 20 bác sỹ/72 cán bộ, bác sỹ, y sỹ… đáp ứng được những yêu cầu của bệnh viện hạng 3.
 
Các danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt từ 421 danh mục (thực hiện ban đầu) nay tăng lên 691 danh mục được phê duyệt thực hiện, góp phần tích cực trong việc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương và khu vực lân cận. Hiện tại, mô hình Trung tâm y tế có giường bệnh tại Nghĩa Đàn đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động với 14 khoa phòng chức năng. Trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp đón từ 150 - 200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 5,8% xuống còn 3,4%. Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Vi Văn Quế cho biết: Cùng với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ khám, điều trị thì công tác nêu cao y đức luôn được chi bộ, cơ quan quan tâm, giáo dục đội ngũ y bác sỹ. Trung tâm đang phấn đấu xây dựng theo mô hình yêu cầu “bệnh viện thân thiện” tại vùng Phủ Quỳ.
 
Có thể nói, với mục đích ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, chất lượng chuyên môn của ngành y tế công, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao hơn nữa thể lực, trí tuệ và tuổi thọ của người dân trên địa bàn thì việc BTV Huyện uỷ Nghĩa Đàn ban hành Nghị quyết số 11 đã thể hiện sự kịp thời, tạo được sự chuyển biến căn bản không những tuyến cơ sở mà còn ở tuyến huyện. “Để công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn theo mục tiêu nghị quyết, tới đây, BTV Huyện uỷ tiếp tục chỉ đạo các ngành, phòng, ban liên quan phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chất lượng khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá và tăng cường giáo dục sức khoẻ để trang bị cho nhân dân những kiến thức cơ bản trong tự chăm sóc và bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng” - đồng chí Võ Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ.
 
 
Hữu Nghĩa