(Baonghean) - Theo kế hoạch, huyện Nghĩa Đàn sẽ có 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong giai đoạn 2010 - 2015. Nhưng đến nay, đã có 1 xã xác định không thể về đích được là xã Nghĩa Hồng; 4 xã còn lại là Nghĩa Hiếu, Nghĩa Long, Nghĩa Khánh và Nghĩa Bình đã và đang nỗ lực để có thể về đích đúng hẹn.
Theo chân ông Phan Văn Đức, Phó Ban quản lý XDNTM xã Nghĩa Khánh, chúng tôi đến thăm con đường Hương Mươi nối từ xóm Bến Mươi đến xóm Bến Hương, trung tâm xã. Đường được làm từ tháng 3/2014, có chiều dài 3,3 km, chiều rộng 10m, hiện đã thông tuyến giai đoạn 1. Ông Đức cho hay: Đường Hương Mươi là một công trình nông thôn mới, được xây dựng nhằm đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, mở đường thuận lợi sang vùng kinh tế rộng 700 ha nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Để xây dựng con đường đã có 62 hộ dân hiến 4 ha đất rừng, 1 ha đất màu và 10.000 cây cối các loại. Tổng giá trị xây dựng công trình là 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, chưa tính sự hỗ trợ giúp đỡ máy móc của các công ty đóng trên địa bàn và ngày công người dân bỏ ra đào đắp 40.000m3 đất đá. Có mặt tại đường Hương Mươi, chúng tôi đã gặp những cán bộ, người dân địa phương đang cùng lực lượng thi công lắp đặt các cống thoát nước chạy qua. Ông Trần Văn Cường, ở xóm Mét vừa múc nước trộn hồ, vần cống giúp thợ vừa kể: “Nghe chủ trương hiến đất là bà con chúng tôi đồng ý ngay. Đường mở ra, ngoài việc đi lại dễ dàng thì đầu ra cho cây tràm, cây ăn quả dễ dàng hơn. Trước đây đường nhỏ, thu hoạch xong vận chuyển mang ra bán khó khăn lắm” nhưng giờ thì xe ô tô vào tận nơi. Vì thế, việc đào đường, lắp cống nặng nhọc nhưng ai cũng cười tươi, phấn khởi.
Nghĩa Khánh đang có bước đi hối hả nhưng đầy vững chắc trong giai đoạn nước rút về đích XDNTM. Ông Phan Văn Đức cho hay: Đến tháng 9/2014, xã đã đạt 10/19 tiêu chí, 26/39 nội dung. Chúng tôi đặt quyết tâm cao, dồn lực để hoàn thành tốt tất cả các tiêu chí, nội dung trong năm 2015. Lộ trình đặt trong năm 2014 này, xã hoàn thành 5 tiêu chí, 4 nội dung: Kiên cố 3,48 km/19 km kênh mương còn lại (tháng 11 hoàn thành); Hoàn thành xây dựng chợ nông thôn vào tháng 11; Phấn đấu giảm 2,72%, tương đương 60 hộ nghèo bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và mở rộng mô hình lúa, mía, dê; Đào tạo dạy nghề cho thêm 300 người, nâng tổng số lao động qua đào tạo là 1.800 người, tương đương 36%; Thực hiện bảo vệ xây dựng tôn tạo nghĩa trang từ nguồn nhân dân đóng góp và nâng cấp các bãi rác, triển khai thu gom rác trên địa bàn toàn xã kể từ tháng 9/2014. Phần việc thì rất nhiều, gấp rút nhưng chắc chắn Nghĩa Khánh sẽ về đích đúng thời hạn, bởi ngoài được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ thì nội lực của địa phương là rất lớn khi được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và đặc biệt là người dân rất đồng tình ủng hộ.
Về Nghĩa Long thời gian này, chúng tôi cũng cảm nhận rõ không khí vào hội mới của miền quê “vùng hai” – có thôn bản khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Các trục đường đang khẩn trương “bê tông hóa”: Đường liên xã dài 3,3 km, đổ bê tông rộng 5m, cao 0,2m; các đường ngõ xóm dài 1,9 km đổ bê tông rộng 3m; đường các xóm về trung tâm xã dài 1,7 km đổ bê tông rộng 5m. Đến nay, xã Nghĩa Long đã hoàn thành 13/19 tiêu chí, 30/39 nội dung. Điện, đường, trường, trạm cơ bản đã đáp ứng phục vụ nhân dân; các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt vệ sinh môi trường, các nông hộ, gia trại đã đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và chất lượng chăm sóc sức khỏe, tình hình an ninh trật tự không ngừng được nâng cao”. Ông Trương Công Thắng, một đảng viên ở xóm Sơn Nam ngơi tay dọn đất đá ven đường cho biết: “Xã nghèo, địa bàn nhỏ nhưng Nghĩa Long đã vượt nhiều địa phương khác trong việc thực hiện chương trình mục tiêu. Để làm được điều đó, chủ trương xây dựng nông thôn mới được quán triệt đến mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Dân đã thông, đồng thuận thì mọi việc đều dễ, sau 1 năm triển khai, xã đã giải tỏa 100% đường trong xã, nhân dân hiến trên 71.000m2 , đóng góp trên 1 tỷ đồng để làm đường. Mỗi người góp một tay thì đường không lầy lội, đời sống tiến bộ ngay”... Ông Trương Đình Thống - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long cho hay: “Trong 6 tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí về giao thông là khó khăn nhất – đường liên xã dự kiến đổ là 3,3 km, ngoài tiền công nhân dân tự làm thì vẫn cần số tiền nguyên, vật liệu và chi phí khác gần 1 tỷ đồng; Tiêu chí về cơ sở vật chất nhà văn hóa, khu thể thao, xóa nhà tạm phấn đấu đến năm 2015 sẽ xây dựng với sự hỗ trợ của trên, tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình; hiện tại xã đang còn 14% số hộ nghèo, xã đẩy mạnh việc giảm nghèo trên cơ sở hỗ trợ cho nhân dân thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp”.
Ngoài 2 xã trên, xã Nghĩa Hiếu đã hoàn thành 15/19 tiêu chí và Nghĩa Bình cũng chỉ mới hoàn thành 8/19 tiêu chí. Thời gian về đích theo kế hoạch không còn nhiều nhưng nhìn vào số lượng tiêu chí đạt chuẩn XDNTM của 4 xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Long, Nghĩa Khánh, Nghĩa Bình có thể thấy công việc phía trước còn rất nhiều. Nhằm giúp đỡ 4 xã này, vừa qua, lãnh đạo UBND và Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Nghĩa Đàn đã làm việc với từng xã để đưa ra giải pháp thực hiện. Ông Lê Trung Tâm - Phó Ban chỉ đạo, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Để đưa 4 xã về đích, huyện Nghĩa Đàn tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi để lồng ghép nguồn vốn các chương trình tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, văn hóa; Đẩy mạnh việc huy động, kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn, con em thành đạt ở xa chung tay góp sức hỗ trợ; Phân công trách nhiệm các cá nhân, tổ chức phụ trách kịp thời giúp đỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc ở các xã.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, thành công lớn nhất của huyện Nghĩa Đàn, đó là đã quán triệt, vận dụng tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” phù hợp thực tế, từ đó huy động được sự đóng góp của nhân dân vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên diện mạo mới. Vì vậy, 4 xã được lựa chọn về đích năm 2015 đã thực sự phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, tích cực vận động nông dân trong xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đã tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu về bản chất cốt lõi của chương trình XDNTM để tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp tiền bạc, vật chất để thực hiện xây dựng công trình phục vụ cộng đồng chung… Lòng dân đã thuận, vấn đề đặt ra của Nghĩa Đàn hiện tại là tăng cường “sức dân”. Mặt khác, để xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững, Nghĩa Đàn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển kinh tế như: đẩy mạnh đưa cơ giới hóa, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân như: mô hình trồng cây bí xanh, ngô vụ đông xuân, trồng rau vụ đông ở Nghĩa Hội, Nghĩa Trung; chăn nuôi lợn ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Trung và mô hình trồng nấm ở xã Nghĩa Minh, Nghĩa Bình, Nghĩa Hội;... Có như vậy mới mong “xã điểm” xây dựng NTM về đích đúng hẹn.
Bài, ảnh: Thanh Sơn