(Baonghean) - Lũ dữ đã qua, cuộc sống yên bình đang trở lại với người dân xã Yên Na (Tương Dương). Đâu đó, trong các bản vừa trải qua trận lũ “chưa từng thấy” lễ mừng cơm mới bắt đầu…

Sau cơn lũ dữ, nắng thu vùng núi sóng sánh vàng phản chiếu trên nền xanh rừng núi. Trong tiết trời ấy tôi ngược ngàn về bản Na Khốm (Yên Na – Tương Dương). Mấy ngày trước, Na Khốm và một số bản khác của xã Yên Na vừa trải qua một trận lũ cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, hàng trăm vật nuôi. Cơn lũ đi qua, chiếc cầu tràn cuối bản vẫn đầy ứ rác. Thấy chúng tôi đứng lại chụp hình, một người đàn ông chỉ về phía con khe mà rằng: “Tôi có 2 ao cá, trôi sạch rồi.” Cạnh đó là ngôi nhà của ông Lương Văn Thôn, trên nền xi măng vẫn còn dấu vết của bùn đất. Nghe đâu khi cơn lũ về, gia đình, họ hàng đang chung vui bữa cơm mừng lúa mới. Bữa cơm mất vui nhưng mà cũng may vì có nhiều người chuyển đồ hộ. Cứu được đồ trong nhà nhưng vật nuôi thì vẫn thiệt hại, nước cuốn mất một đôi lợn. May là người vẫn an toàn. 
images1055553_c_t_l_a_chu_n_b__l__l__m_ng_l_a_m_i.jpgCắt lúa chuẩn bị làm lễ mừng lúa mới.
Hôm nay trong bản không có nhà nào làm lễ mừng cơm mới. Tôi phải chờ đến sáng hôm sau nên phải nghỉ qua đêm tại bản Xiềng Nứa. Hôm sau, mới sáng tinh mơ đã có cuộc gọi đến. Anh bạn tôi nhấc điện thoại rồi quay sang bảo: “Lên rẫy thôi chú, người ta đi gặt lúa mới rồi đó.” Nói là “lên rẫy” nhưng kỳ thực thì nương lúa của gia đình anh bạn tôi chỉ cách con đường nhựa chừng hơn trăm mét. Chúng tôi bỏ xe máy lại ven đường rồi leo dốc lên rẫy.  Lúa đã chín vàng rộm cả một góc rừng. Vừa thoăn thoắt cắt những bông lúa còn ướt đẫm sương đêm, bà Lô Thị Soa vừa kể cho tôi nghe chuyện làm rẫy. Ngôn từ tiếng Thái của bà ít bị pha tạp tiếng Kinh như những bản vùng ngoài hay cánh thanh niên trẻ trong bản. Bà Soa là chị cả trong gia đình có 7 anh, chị em, nay mỗi người sống mỗi nơi. Người gần nhất cũng cách nhau chục cây số, cậu em út ở xa nhất tận bên nước Lào. Trong nhà có người buôn bán, có người là công chức nhà nước, duy nhất mỗi bà vẫn chuyên nghề rừng, nghề rẫy. Ruộng thì ít mới phải làm thêm rẫy, phải năm lúa tốt được mùa còn đủ gạo ăn đến vụ sau. Lúa mà bông ngắn, ít hạt như năm nay thì phải chạy gạo từ 3 tháng đến nửa năm. Từ ngày có đường lớn qua bản, từ con gà, con lợn trong chuồng đến trái dưa, cây rau trên rừng đều thành hàng hóa, đỡ đi phần nào cho người bản.
 
Dù được hay mất mùa thì dân bản Na Khốm vẫn làm lễ mừng lúa mới, cốt là để nhớ ơn tổ tiên đã phù hộ cho một mùa lúa tốt tươi, người và gia súc đều mạnh khỏe. Lễ mừng lúa mới cũng là dịp để anh em họ hàng sum họp bên nhau. Hai giờ đồng hồ trôi qua, chiếc gùi của bà Soa đã chất đầy những bó lúa. Bà bảo: Hôm nay gặt lấy ngày nên chỉ gặt đúng 8 bó lúa đem về làm lễ. Lúa được mang về nhà, chất vào nồi để luộc. Khoảng 1 giờ đồng hồ, lúa đã được luộc chín. Sau khi vớt ra cho ráo nước, lúa được chất lên gác bếp, dùng lửa sấy khô, cắn thử hạt lúa thấy vừa giòn vừa cứng là được. 
 
Lại nói chuyện xưa khi chưa điện khí hóa, mọi công đoạn để làm ra hạt gạo đều phải nhờ đến sức người. Trỉa, làm cỏ, gặt hái, giã, dần, sàng đều làm thủ công. Ngày nay việc tách hạt khỏi bông lúa đã có chiếc máy tuốt, rồi cái máy xát lúa giữa bản lại giúp việc biến thóc thành gạo. Có lẽ vì thế mà phần nào đó thứ gạo cốm hôm nay có phần kém xanh và chẳng thơm bằng hương gạo cốm giã bằng cối ngày nào. 
 
Sau khi đi giã gạo về, đã thấy nồi “moọc” được gia đình chuẩn bị đang tỏa hương thơm khắp gian bếp. Ông Lương Văn Thâm giải thích rằng đây là món làm từ thịt lợn nấu với gạo tấm, không thể thiếu trong mâm cơm ngày mừng lúa mới cũng như khi cúng tổ tiên vào ngày tết. Gạo cốm mới xay về được ngâm trong nước lạnh chừng nửa giờ đồng hồ, vốc từng vốc vào những chiếc hông gỗ. Theo phong tục đón lúa mới của dân bản Pá Khốm và một số vùng ở huyện Tương Dương thì trong mâm cúng nhất thiết phải có xôi nấu bằng gạo nếp cũ và gạo cốm làm từ lúa mới. Làm vậy tổ tiên sẽ được ăn gạo mới lẫn gạo cũ. Trong chõ xôi để bày mâm cúng ngày mừng lúa mới vì thế mà có hai phần. Gạo cũ ở đáy chõ, gạo mới ở phía trên. Khi xôi chín bắc xuống đổ ra rá, chõ xôi được chia thành hai phần. Phần màu xanh xôi cốm, phần màu trắng là gạo cũ. Phong tục này mang theo là ước muốn thóc lúa đầy nhà, lúa cũ chưa hết đã gặt lúa mới. Qua nét phong tục này người vùng cao muốn gửi gắm một mong ước về cuộc sống ấm no, đủ đầy.
 
Chạng vạng tối thì chõ xôi chín. Mâm cúng được bày ra gian nhà ngoài, chốn “ngồi ăn cơm” của tổ tiên. Trong lúc ông mo Lô Văn Hoàn đọc bài cúng mời ma nhà về ăn cơm mới thì bà con chòm xóm cũng đã tụ hội đông đủ. Câu chuyện của họ xoay quanh những chuyện đã qua ở bản, về cơn lũ dữ chưa từng thấy. Họ bảo rằng trời đất giờ đây cũng đã “thay tính đổi nết”, chỉ có tình người thì vẫn bền chặt, vẫn cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Những lễ mừng lúa mới thế này sẽ giúp mỗi người quên đi cơn lũ vừa qua để bắt đầu một mùa gặt mới.
 
Nâng chén rượu mời mọi người, thầy mo Lô Văn Hoàn nói lớn: “Chúc cho mọi người luôn mạnh khỏe để làm được cái rẫy lớn, cho thóc lúa ăn quanh năm không hết nhé”. Đó cũng là niềm mơ ước của người dân bản vùng cao mới trải qua một cơn lũ dữ. Mơ ước giản dị vậy thôi nhưng nó đã trải qua biết bao kiếp người rồi.
 
Bài, ảnh: Hữu Vi