(Baonghean) - Sau cơn mưa của một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi ngược xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Xã nằm cạnh sông Nậm Nơn, nơi thượng nguồn của hồ Thủy điện Bản Vẽ. Khi đến điểm cầu tràn km 9, trên con đường rẽ về trung tâm xã, tại địa phận bản Xốp Tụ, cũng là điểm đầu của xã Mỹ Lý, lúc này dòng nước chảy xiết qua tràn sâu tới đầu gối, xe máy không thể qua lại được. Đang loay hoay tìm cách thì một đám thanh niên bước tới, ra giá khênh xe và cõng người qua tràn. Tôi đồng ý, 4 thanh niên dùng 2 chiếc đòn bằng gỗ khênh xe qua tràn với giá 30 nghìn đồng, còn tôi được 1 thanh niên nắm tay dắt qua. Chỉ trong thời gian khoảng 10 phút, có tới 3 người đi xe máy đi đến đoạn đường này, đều phải nhờ đám thanh niên khênh xe qua tràn. Mỗi lần như vậy, đám thanh niên lấy từ 10 - 30 nghìn đồng (tùy đối tượng), nếu cõng người thì lấy thêm 10 nghìn đồng. Ngày hôm đó, tôi phải chi 50 nghìn đồng cho 2 lần vào và ra. 
 
Theo tìm hiểu được biết, cầu tràn này phía dưới được thiết kế hệ thống thoát nước, do mưa lũ, đất đá trôi về lấp đầy, gây tắc dòng chảy, khiến dòng nước chảy qua mặt tràn. Mưa càng to, lượng nước chảy qua tràn càng lớn, rất nguy hiểm cho người đi đường. Chỉ cần có trận mưa kéo dài vài tiếng đồng hồ, nước từ núi đổ về, tràn này ngập nước 1 ngày. Còn những lúc mưa kéo dài, tình trạng này xẩy ra cả tuần. Mặt tràn trơn trượt, nước chảy xiết, lội bộ qua đã khó, không ai dám đi xe máy qua. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như cầu tràn được thiết kế phù hợp hơn, hoặc chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, sau mỗi lần mưa lũ, dùng máy múc đất đá trước miệng tràn, khơi thông dòng chảy, thì sẽ hạn chế được tình trạng nước chảy qua tràn quá lâu. 
 
images1058132_dsc_0064.jpgNgười dân bản Xốp Tụ vận chuyển phương tiện qua cầu tràn km9.
 
Qua cầu tràn km 9 là đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ ập xuống mặt đường. Đặc biệt, đoạn đường dài khoảng 10 m, sát tường trụ sở UBND xã và khu nội trú của Trường PTDT bán trú Mỹ Lý, mặt đường nứt nẻ, lún sụt, có nguy cơ sạt lở rất cao. Quan sát thấy, đoạn sạt lở này đã được kè rọ đá nhưng không ổn định. Ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã, băn khoăn: Đoạn đường vào trung tâm xã dài hơn 10 km, trong đó có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Những đợt mưa to vừa qua đã xẩy ra tình trạng sạt lở, tắc đường dài ngày. Nguy hiểm nhất là điểm phía sau Trường PTDT bán trú sát với trụ sở UBND xã. Hiện tượng mặt đường nứt nẻ, lún sụt này xẩy ra từ lâu. Mới đây, cơ quan chức năng đã xử lý kè rọ đá, nhưng vẫn không đảm bảo an toàn khi có mưa to. Nếu xẩy ra sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản trụ sở UBND xã và việc học tập của học sinh. Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Mỹ Lý - thầy Nguyễn Quang Tuấn, trăn trở: Khu nhà ở của học sinh sát với điểm sạt lở, mỗi khi có mưa là đất đá trôi xuống sân, các em phải thu dọn rất vất vả. Những lúc mưa to kéo dài, nhà trường không dám cho các cháu nghỉ trong các phòng gần đó, vì sợ sạt lở đất, nguy hiểm đến tính mạng...
 
Mỗi khi có mưa to kéo dài, xã Mỹ Lý bị cô lập, bởi giao thông sạt lở, ách tắc, người dân không an tâm. Các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp an toàn trên đoạn đường này, tạo điều kiện cho người dân qua lại?!
 
Xuân Hoàng