(Baonghean) - Từng nghe Mường Ải là "mường anh, mường chị" thăm thẳm tuổi giữa đại ngàn bên Nam rẻo cao Kỳ Sơn; ngỡ, hẳn phải khác những “mường muộn” Bắc Lý, Keng Đu bên Bắc... Ấy nhưng, không phải vậy; dù một niềm thân thương mường nào thì vẫn thế...
Bởi chưa một lần lên Mường Ải, nên tôi đã rất háo hức khi nghe tin đoàn công tác của Sở KH&CN thực hiện chương trình "Tiếp sức học sinh đến trường" ở nơi này. Ỉ ôi, nài nỉ, rốt cuộc mấy cán bộ Trung tâm ứng dụng KHCN đồng ý, nhưng còn "đe" chỉ 40 km tính từ Mường Xén vào trung tâm Mường Ải, nhưng sẽ rất vất vả, mất gần 3 tiếng đồng hồ. Thấm gì. Xa xôi, hiểm trở như đường tới Keng Đu đây cũng đã đi rồi.
12h15’ phút ngày 15/9, đoàn công tác rời Thị trấn Mường Xén trên 3 chiếc ô tô, gồm 1 chiếc bán tải chuyên dụng, 2 chiếc 7 chỗ, chiếc 1 cầu, chiếc 2 cầu lèn chặt những hàng với người. Lộc phộc cùng tôi trên chiếc bán tải, ngoài cán bộ Trung tâm ứng dụng KHCN, còn có các anh ở Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An và Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa. Mới đi chừng dăm cây số, con đường rải đá cấp phối chênh vênh một bên là vách núi, bên là vực sông Nậm Mộ đã chuyển đổi hình hài. Mặt đường nhão choét, gồ lên những sống trâu kéo dài thành vệt, rãnh, xen lẫn với những hầm, hố sâu hoẳm lởm chởm đá. Cả đoàn xe dừng lại. Trưởng đoàn, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành, với kinh nghiệm của người có một thời từng công tác ở huyện miền núi Quế Phong, quyết định: "Đường này chỉ xe hai cầu mới đi được. Vậy xe 1 cầu phải quay lại, tìm người giúp đổi cho xe khác... Nếu không đổi được xe thì bốc lèn hàng sang...". Rồi "chuyển" người của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An và Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa sang chiếc Pajero, để anh cùng một cán bộ sang xe bán tải đi trước vì cần phải làm việc với xã.
Con đường từ Thị trấn Mường Xén vào đến Mường Ải là đường vành đai biên giới, được gọi là đường 7b. Song song bên kia sông Nậm Mộ, nước bạn Lào cùng đang triển khai mở đường. Đường 7b được làm cách đây khoảng hơn 10 năm, mới dừng lại ở chỗ lu lèn, rải đá cấp phối. Sau thời gian sử dụng, rất nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua các xã Tà Cạ, Mường Típ, có nhiều khu vực xung yếu, là những khúc cua khuỷu tay, những đoạn có vực sâu, kẹp bên khe núi, nước từ trên khe cao đổ xuống làm đường bị lở lói quá nhiều. Tại những vị trí như vậy, nền đường rất yếu, trong khi cây cối, đá tảng ở trên núi lô nhô như chực lăn xuống. Không ít đoạn, dù lầy lội bùn đất, nhưng mọi người phải xuống xe để đảm bảo an toàn, và vừa để xi nhan cho xe qua. Dù trấn an mọi người, "Đã làm gì khó bằng đường Châu Thôn về Quang Phong, Cắm Muộn (những xã ở huyện Quế Phong - P.V)", nhưng Trưởng đoàn Trần Quốc Thành cũng phải thốt lên: "Những chỗ này phải làm cống thoát nước, kè bờ bằng rọ đá chứ để thế này nguy hiểm quá...".
Vật vã, lắc lư, nhồi lên, nhồi xuống trên chiếc bán tải qua các xã Tà Cạ, Mường Típ, cuối cùng, sau gần 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được trung tâm Mường Ải. Chưa kịp thăm hỏi cán bộ nơi đây, thì anh Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa đi xe ôm ào tới hổn hển: "Xe 1 cầu hỏng ở đoạn Mường Típ rồi... Mất phanh... May vừa lúc đoạn đường bằng, gặp lúc đổ dốc coi như xong. Dừ vô đây mới có sóng điện thoại báo gọi thợ Thị trấn Mường Xén vào sửa giúp...!". Việc xe pháo mình có bận tâm thì thành vướng... Tôi chiều cái háo hức “đất lạ” bằng tầm mắt. Trung tâm Mường Ải - ấn tượng đầu tiên là những cột điện sừng sững đã mắc hệ thống cáp điện chạy dọc theo sườn núi, xuyên qua các bản, làng. Vậy nhưng, có cột, có đường dây, nhưng chưa có điện. "3 năm như thế rồi" - Bí thư Đảng ủy xã Mường Ải, ông Hoa Phò Ngành cho biết.
Ở Mường Ải, chính quyền xã phải lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, còn đồng bào, kè sông Nậm Típ, mua máy tua-bin đặt vào lấy điện chiếu sáng. Phó trưởng Công an xã Mường Ải Moong Bá Huần còn khá trẻ, dẫn tôi đi xem hệ thống điện của xã và bảo rằng, khi trời nắng ráo thì điện năng lượng còn sử dụng được, chứ trời mù mịt thế này thì kém lắm. May chỉ đủ thắp sáng chứ xem ti vi cũng chẳng được, chưa nói gì đến sử dụng vi tính, máy in hay máy photo. Rồi lại than thở: Dào ôi. Cái điện của Nhà nước mãi không thấy về. Cột điện dựng được mấy năm rồi đấy...
Xuống chơi nhà Lữ Phò Kiên, sống ở bản Xốp Lau 2. Kiên năm nay 30 tuổi, còn vợ, như Kiên nói "thì tên cũng là Lữ Phò Kiên", 32 tuổi. Hai vợ chồng có 4 đứa con. Đứa đầu học lớp 5, rồi theo thứ tự lớp 3, lớp 1, đứa thứ 4 được hơn 3 tháng tuổi. Có sinh nữa không? Kiên cười: "Khó khăn lắm cán bộ à. Làm nương rẫy chứ không có ruộng nước đâu. Nuôi con trâu, con bò cũng khó lắm, vì dịch bệnh nhiều mà". Hỏi Lữ Phò Kiên về chuyện điện, cô cười rồi chỉ vào chồng. Nhà Kiên sát sông Nậm Típ. Mua máy tua bin nhỏ hết 1,9 triệu đồng kè đập lấy điện chiếu sáng. Kiên xăng xái dẫn tôi xuống xem "cái thủy điện nhỏ", rồi bảo, yên lành thì cũng không sao, nhưng nếu trời hạn hoặc mưa lũ thì chịu chết. "Bị lũ làm trôi mất 2 máy rồi. Tiếc lắm, nhưng không có cái làm bóng điện sáng lại phải bán ngô, bán lợn mua máy khác. Chỉ mong có điện của Nhà nước về thôi...".
Cả Bí thư Đảng ủy Hoa Phò Ngành và Chủ tịch xã Cụt Phò Chiến đều không biết chính xác đơn vị nào là chủ đầu tư xây lắp đường điện về Mường Ải. Chỉ biết đường dây kéo từ Na Ngoi, Nậm Càn sang và đơn vị thi công khi đến thì có vào xã đề nghị giúp đỡ để làm công tác giải phóng mặt bằng. Bí thư Đảng ủy Hoa Phò Ngành nói: "Họ vào đề nghị xã tính toán đền bù cho dân, vì ảnh hưởng tới nhiều hộ lắm. Ở Mường Ải có 4 bản gồm bản Pụng, bản Nha Nang - Huồi Khe, bản Xốp Xăng và bản Xốp Lau 2 được đặt trạm biến áp hạ thế. Lập danh sách, lắp đặt đường dây xong thì chẳng thấy họ đâu nữa. Đầu tháng 6 này, Phòng Tài chính huyện vào kiểm tra việc đền bù có đúng thực tế hay không. Thế nhưng, đã ai đền bù đâu. Dân có đến hỏi, nhưng xã cũng không biết thế nào mà trả lời. Hồ sơ xã ký xong họ cũng cầm đi theo, chẳng giao cho xã bộ nào cả... Còn theo Chủ tịch xã Cụt Phò Chiến, Mường Ải có 389 hộ, 2.248 khẩu. Phần lớn là đồng bào Khơ mú, số ít là người Mông, Thái. Anh nói: "Còn vất vả lắm, cả xã ta chỉ có khoảng 50 ha ruộng nước thôi. Đường vào khó khăn, điện chưa có, nhiều cái muốn làm, nhưng chịu...".
Hơn một tiếng sau, đoàn công tác mới tập hợp được đầy đủ, cùng cán bộ xã sang trao các phần quà cho học sinh Trường TH Mường Ải. Gần 5 giờ chiều, vì có lịch làm việc tại Chi Khê (Con Cuông) nên đoàn phải trở ra Mường Xén. Khi vào vất vả, khi trở ra do trời tối nên còn khó hơn nhiều. Dò dẫm trong đêm, đến đoạn giáp ranh giữa Mường Típ, Tà Cạ, xe của Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành sập hố. Cả đoàn bốc đá, lấy cây gỗ chèn, rồi trút bỏ dày dép hè nhau đẩy cũng chẳng ăn thua. Kế cùng, phải cậy nhờ bộ đội biên phòng đưa đi tìm dây cáp. Mất hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, đoàn xe mới tiếp tục lên đường. Đến Mường Xén thì đã 21h30 phút.
Sáng hôm sau, như một sự tình cờ, tôi "may mắn" được gặp Chủ tịch UBND huyện và nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, là các ông Bùi Trầm và Vi Hải Thành cùng trong một quán nhỏ ven đường. Đưa cái sự vất vả của đường xá, và niềm mong "cái điện Nhà nước" của người dân Mường Ải ra kể. Theo các ông, đường 7b (đường Mường Xén - Mường Ải) từng được xem là "Láng - Hòa Lạc" của Kỳ Sơn, nhưng rồi hư hỏng do xe chở gỗ từ Lào kéo về quần nát. Còn về hệ thống cột, đường dây điện là do Đoàn 4 làm chủ đầu tư, kéo từ Na Ngoi, Nậm Càn sang. Tiến độ như thế nào, bao giờ sẽ đóng điện, phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Hỏi rằng với điện, đường như thế, đồng bào sẽ còn khổ lắm. Kỳ Sơn phải có cách gì chứ? Theo nguyên Bí thư Huyện ủy Vi Hải Thành, còn xe chở gỗ thì đường còn hỏng. Mà xe gỗ thì đương nhiên còn. Chỉ khi nào hết gỗ, không còn gì chở thì mới hết xe... Chủ tịch huyện Bùi Trầm thì chẳng nói gì nhiều, chỉ bảo rằng, "Kỳ Sơn còn nhiều nơi khổ. Chúng tôi cũng muốn lắm, nhưng thời điểm này rất khó...".
Nghe hai ông chia sẻ, tôi lại liên tưởng đến Bí thư Đảng ủy Mường Ải Hoa Phò Ngành lúc chia tay đoàn công tác. Anh thay mặt xã vắn tắt mấy câu, rồi đọc thơ. Thú thực, qua micro nghe không rõ lắm. Chỉ nhớ trong bài thơ ngắn phiên từ bài hát "Ai vô xứ Nghệ", anh nghèn ngẹn lặp đi lặp lại đến mấy lần câu "Ai đi qua nơi đây, xin dừng chân... Mường Ải". Nghĩ rằng, điện và đường là những vấn đề quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội, có quan hệ thiết thân với cuộc sống người dân. Thiếu đi hai yếu tố điện và đường, bên cạnh đó, chất lượng cán bộ chưa cao, nhận thức đồng bào nhiều hạn chế, quả là còn nhiều khó khăn để Mường Ải có thể đổi thay nhanh hơn!
Xa xôi vất vả đường lên, rồi thấy Mường Ải đang “gần” những nỗi lo giống như bao “mường” khác. Nhưng cứ mong sớm có lần trở lại Mường Ải, thấy lắm cái mới mà khám phá cái vui của đất “mường anh, mường chị” này!
Nhật Lân