(Baongehan) - Cực chẳng đã, sau chuỗi thời gian dài sốt ruột, ngày 26/1/2015 Bộ trưởng Bộ Tài chính buộc phải hạ bút ký quyết định thành lập 3 đoàn công tác nhằm “tức tốc” kiểm tra khoảng 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở một số đô thị lớn mà nguyên nhân không gì khác là những đơn vị kinh doanh vận tải này thuộc nhóm “kiên định” với giá cước cho dù “bạn” xăng đã làm việc ấy (giảm giá) đến mười mấy lần trong vòng một năm qua.
Sau đó một ngày, sự hối thúc từ dư luận cũng đã “kéo” Đài Truyền hình vào cuộc bằng việc phát đi phóng sự phản ánh tình hình không khả quan tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) khi có đến hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vận tải thuộc đám “kiên định” kia. Thực tế tình trạng này diễn ra hầu hết các tỉnh thành, tuy nhiên 5 địa bàn có doanh nghiệp lọt vào “tầm ngắm” đợt này là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Chúng tôi dùng chữ “cực chẳng đã” ở trên bởi thành lập đoàn kiểm tra giá cước vận tải là một việc làm dường như nằm ngoài kế hoạch cũng như sự mong muốn của cơ quan quản lý. Nó tất nhiên không phải là “đặc sản” của cơ chế thị trường, nơi mà sự can thiệp hành chính chả phải lúc nào cũng được khuyến khích. Số là chờ doanh nghiệp xung phong giảm giá cước mãi không thấy nhúc nhích, gợi ý hoài cũng chả thấy động tĩnh, đến khi nhắc nhở cũng không xong, lại phải kiểm tra thôi, đúng là cực chẳng đã.
Người ta vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy rằng, thị trường là chiến trường, là chốn cạnh tranh khốc liệt, bởi vậy có bên thắng thì sẽ có bên thua, có bên được thì sẽ có bên mất. Tuy nhiên, đấy là cách nhìn, cũng có thể là lý thuyết cổ điển. Ngày nay, sự thắng thua ấy được thay thế bằng nguyên tắc “win win” (cùng chiến thắng). Tất cả đều được! Thay vì cướp chiếc bánh của đối phương người ta chung sức, hợp tác với nhau để làm ra chiếc bánh to hơn, thậm chí ngon hơn. Rất tiếc, hình như lý thuyết kinh doanh hiện đại này vẫn nằm đâu đó xa lạ, ít nhất, qua phóng sự của “nhà đài” thì nó cũng chưa đến được... bến xe Mỹ Đình! Gần một năm qua, câu chuyện giá cước vận tải được thiên hạ nói đến nhiều, quá nhiều. Tuy nhiên, cái mà người ta bận lòng không đơn thuần chỉ là kiểu làm tiền bất công, thậm chí có phần thô bạo trong loại hình dịch vụ này, mà hơn thế là thông qua đó để thấy được và nhận ra cái triết lý, cái văn hóa kinh doanh cực kỳ lạc hậu đã và đang tồn tại một cách công khai đến chướng tai gai mắt trong xã hội. Một cái thị trường không giống với... thị trường. Thay vì tri ân, họ tranh thủ lợi dụng móc túi những người đã “nuôi” họ những tháng ngày cam go nhất. Người ta ngang nhiên biến tiêu chí “khách hàng là thượng đế” thành câu khẩu hiệu suông đầu lưỡi, xa xỉ hơn tý là dùng nó trong hội nghị tổng kết. Xăng đều đặn xuống hết lần này đến lượt khác nhưng cước vận tải vẫn hoặc là trơ ra, hoặc là đủng đỉnh nhỏ vài giọt có tính trang trí, làm đỏm, mà nói một cách dân dã là giảm mấy hào để “lòe” khách hàng. Trơ trẽn hơn, trong lúc xăng ồ ạt xuống thế mà vẫn có doanh nghiệp đang tâm khoác tờ trình đi xin tăng giá cước vận tải vì lý do... gần tết! Cảm giác như nhà cung cấp dịch vụ không biết xấu hổ nữa. Họ công khai “lỳ đòn”! Hành khách vẫn ngậm đắng nuốt cay. Không phải những người đi đường không biết tính nhẩm mà họ không thể về quê bằng phương thức... đi bộ. Tóm lại là “thượng đế” không có sự lựa chọn nào khác. Vấn đề mấu chốt nằm ở đây không? Còn nữa! Hãy thử một lần đến bến xe lớn, chắc chắn bạn sẽ không thể nào nhận ra đâu là xe “ngoan ngoãn” trong việc giảm giá cước còn đâu là xe “kiên định”. Chịu! Sự thiếu minh bạch này đã tiếp tay cho những nhốn nháo. Đây chính là kẽ hở khổng lồ nhất cho kiểu làm ăn chụp giựt sinh nòi đẻ giống lâu nay chăng? Ai cũng tưởng rằng, xăng giảm là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp giản đơn trong chiêu thức hạ giá thành sảm phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Xăng giảm là phần thưởng trước hết cho hành khách, và số lượng hành khách tăng lên mới là “phần thưởng” của “nhà xe”. Ấy vậy mà ta thì lại khác, xăng giảm đồng nào thì chảy vào túi “nhà xe” đồng ấy. Họ hả hê tăng chuyến tăng xe. Doanh nghiệp vận tải đua nhau tranh thủ hớt lãi khủng khiếp, bất chấp sự phản ứng của dư luận. Hành khách ngày qua ngày vẫn ngậm ngùi bước lên xe rồi móc ví trả tiền như một trò chơi ú tim về giá.
Tại sao lại phải thành lập đoàn kiểm tra? Tại sao doanh nghiệp giảm giá cước tùy thích như một sự ban ơn với hành khách mà không phải ngược lại? Tại sao không để thị trường tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu? Tại sao không để khách hàng “điều trị” doanh nghiệp thay cho nhà quản lý? Câu trả lời thật giản đơn, tại vì... không thể!
Ở các nước kinh tế phát triển, việc khách hàng tẩy chay thương hiệu này hay nhãn hiệu kia khi nhận thấy sự tổn hại nào đó là chuyện bình thường, được coi là văn minh của người tiêu dùng. Vì sao ư? Một là họ được giáo dục điều ấy, hai là họ có điều kiện thực hiện điều ấy. Điều kiện ở đây có thể hiểu là tính minh bạch và cơ hội lựa chọn. Còn ở ta, hành khách chắc cũng chán ngây chán ngất với mấy “ông vận tải” lỳ đòn rồi. Nhưng khổ nỗi có biết ai tốt, ai xấu, ai đắt, ai rẻ nào đâu mà lựa chọn. Vả lại, không đi “xe đò” thì đi phương tiện gì? Nói trộm vía, nhỡ họ không giảm, thậm chí tăng giá lên cao nữa cũng phải nhắm mắt nghiến răng mà chấp nhận chứ chẳng chơi!
Đã đến lúc cần tạo ra không gian kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn trên lĩnh vực này. Bảo vệ khách hàng chỉ bằng những đoàn kiểm tra cũng chỉ là hình thức “uống thuốc giảm đau”. Vấn đề là phải mang đến cho hành khách cơ hội lựa chọn bằng sự minh bạch, giúp hành khách nhận diện những “ông” vận tải xấu tính, rồi vén cho người ta thấy cái quyền tối thượng của khách hàng. Còn không, sẽ vẫn nhiều nhiều đoàn kiểm tra nữa ra đời, trong lúc người tiêu dùng thì ấm ức vì thèm tẩy chay cũng không tẩy chay được.
Nguyễn Khắc An