(Baonghean) - Ngày 31/1 tới, trên quê hương Nghệ An sẽ diễn ra sự kiện văn hóa trọng đại: Lễ đón nhận Bằng UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm mong đợi và tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, mà còn là niềm vinh dự của nhân dân cả nước. Kể từ đây, Dân ca ví, giặm được cả thế giới biết đến, niềm vui này thật khó nói hết bằng lời.
 
Dân ca ví, giặm ra đời cách đây hàng trăm năm, được trao truyền qua nhiều thế hệ để sống mãi đến ngày nay. Trên vùng đất Hồng Lam, từ bao đời nay Dân ca ví, giặm là tiếng hát giao duyên, là bài ca lao động của những người dân cần cù, chất phác. Những đêm trăng kéo sợi, những mùa cày cấy ngoài đồng, lúc trèo non hái củi, khi chèo thuyền trên sông… ở đâu có cuộc sống lao động là ở đó cất lên những câu hát ví, giặm. Người dân xứ Nghệ trải lòng mình với nước non, với quê hương xứ sở và trao gửi 
 
tình yêu đôi lứa bằng những câu ví, giặm ngọt ngào, sâu lắng. Ai đã một lần đến xứ Nghệ, được nghe câu hát “gừng cay muối mặn” đều không thể nào quên.
 
Đi suốt chiều dài lịch sử, Dân ca ví, giặm cũng có những bước thăng trầm. Từ sau cách mạng tháng Tám (1945), khi cuộc sống làng quê biến đổi sâu sắc, nghề trồng bông, dệt vải và các nghề thủ công mai một, những câu hát ví, giặm tưởng chừng như chỉ còn trong ký ức. Có một thời, người ta nghĩ rằng Dân ca ví, giặm đã thất truyền vì không còn những đêm hát ví. Có một thời, các nhà sưu tầm, nghiên cứu đi tìm những câu hát ví, giặm như tìm về kỷ niệm của các nghệ nhân.
 
Nhưng Dân ca ví, giặm không thể nào mất, như nước sông Lam, sông La không bao giờ cạn. Vượt qua thử thách của thời gian, Dân ca ví, giặm vẫn sống mãnh liệt trong tâm thức người dân xứ Nghệ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào hát dân ca trỗi dậy mạnh mẽ trong các đội văn nghệ quần chúng của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ những làn điệu nguyên gốc cổ truyền, Dân ca ví, giặm đã lên sân khấu nghệ thuật quần chúng để lan tỏa khắp các vùng quê. Kết nối với phong trào ca hát quần chúng, Dân ca ví, giặm được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, sáng tạo những vở diễn đặc sắc. Bên cạnh những làn điệu nguyên gốc cổ truyền, xuất hiện những làn điệu cải biên, nâng cao, mang hơi thở cuộc sống đương đại. Nhiều bài hát mới của các nhạc sỹ nổi tiếng sáng tác bằng chất liệu Dân ca ví, giặm đã trở thành những ca khúc được người dân cả nước yêu thích. Nhiều vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh khai thác các làn điệu Dân ca ví, giặm đã trở thành những vở diễn đặc sắc trong kho tàng kịch hát dân tộc.
 
Những năm gần đây, hàng trăm câu lạc bộ dân ca ra đời ở khắp các địa phương hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, là nơi các nghệ nhân truyền thụ Dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân ngày xưa là những cô gái quay xa, kéo sợi, là những nho sinh làm “thầy bày” trong các cuộc hát phường vải. Nghệ nhân ngày nay là những diễn viên văn nghệ quần chúng, cán bộ văn hóa nghệ thuật về hưu và những người yêu thích dân ca. Những nghệ sỹ gắn bó với dân ca, khi rời sân khấu chuyên nghiệp đã trở thành nghệ nhân ví, giặm. Với thế hệ nghệ nhân hôm nay, Dân ca ví, giặm đã thấm sâu vào tâm hồn họ khi còn nghe mẹ hát, đã đi suốt cuộc đời họ, và họ đem tiếng hát phục vụ nhân dân. Dân ca ví, giặm của cha ông không những được họ lưu giữ, trao truyền, mà còn được sáng tạo, phát triển để ngày càng phong phú hơn. 
 
Để được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca ví, giặm đã sống với nhân dân lao động suốt hàng trăm năm, là di sản trong lòng dân như mạch nguồn không bao giờ cạn. Có ý kiến băn khoăn là trong cuộc sống đương đại khó phục hồi môi trường diễn xướng cổ truyền cho Dân ca ví, giặm. Nhưng đã là di sản trong lòng dân, thì Dân ca ví, giặm sẽ sống mãi với thời gian.
 
Trần Hồng Cơ