Làm sách và có sách xuất bản từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX, tính đến nay nhà báo Nguyễn Thành đã là tác giả của 16 đầu sách in riêng và gần 40 đầu sách in chung, cùng hàng trăm bài báo chủ yếu viết về các vấn đề lịch sử, lí luận chính trị, báo chí... Thế đủ biết quá trình, tâm huyết và "gia tài" sách vở, tư liệu gom góp được của ông thật không nhỏ chút nào!

763207_small_56226.jpg
Đặc điểm ngòi bút nghiên cứu, biên khảo của tác giả Nguyễn Thành, có thể nói, rất phong phú về tư liệu; tỉ mỉ, thận trọng, có lớp lang trong trình bày. Chất "sử" báo chí trong sách ông khá rõ, ngoài ra nhiều loại tư liệu khác như văn học, tranh ảnh, ngôn ngữ học, xã hội học,... đều được huy động vào công trình, nên bạn đọc của ông có cái thú riêng, bị thuyết phục, mặc dù không khỏi có lúc như bị rối giữa ngổn ngang tư liệu, số liệu.

Lần này, ông hướng ngòi bút vào sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác là người Việt Nam đầu tiên sử dụng báo chí như một vũ khí chiến đấu hết sức nhiệm màu trong suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, là người mở đầu cho dòng Báo chí Cách mạng Việt Nam và giương cao ngọn cờ chiến đấu của Báo chí Vô sản chống mọi kẻ thù dân tộc và giai cấp, Bác là người Việt Nam cống hiến trí tuệ, tài năng cho sự hình thành và phát triển của lịch sử Báo chí Cách mạng nước ta, bởi vậy Nguyễn Thành càng tỏ ra hào hứng, tỉ mỉ và thận trọng.

Theo ông, thì việc tìm hiểu sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có từ mấy chục năm về trước, mà cuốn sách đầu tiên là Bác Hồ, Nhà báo cách mạng vĩ đại, của hai tác giả Thế Tập và Kim Oanh (Nxb Sự Thật, 1985). Với cuốn sách Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nxb Lí luận Chính trị, in lần 3, Hà Nội, 2005), ngoài "Lời nói đầu" (viết cho lần xuất bản thứ 3) và "Phần mở đầu" có tính chất đặt vấn đề, nêu mục đích, giới hạn, phương pháp biên soạn, Nguyễn Thành hướng sự quan tâm tới 7 vấn đề trùng với 7 chương của cuốn sách:


- Nguyễn Ái Quốc với báo chí của phong trào công nhân và cộng sản ở Pháp;

- Nguyễn Ái Quốc với Báo Le Paria;

- Nguyễn Ái Quốc với báo chí Quốc tế, báo chí Xô Viết và các Đảng Cộng sản;

- Nguyễn Ái Quốc với báo chí Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945;

- Bác Hồ với các báo là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Bác Hồ với báo chí các ngành ở Trung ương; và các địa phương;

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí tư sản.


Bảy chương sách, trải qua nhiều giai đoạn làm báo sôi nổi của Bác, trong quan hệ với nhiều tờ báo và báo giới có quan điểm, tư tưởng khác nhau, thậm chí chống đối nhau, tác giả công trình Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ hình ảnh Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại nhất, là người khai sáng Báo chí Cách mạng Việt Nam, kể từ Báo Thanh Niên, xuất bản lần đầu tiên ngày 21-6-1925. Xin nói thêm: Theo một công trình về báo chínước ta của Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương (2004), cuộc đời làm báo của Bác để lại hơn 2.000 bài báo các loại, gồm 500 trang truyện ký, sử dụng khoảng trên 150 bút danh. Người trực tiếp sáng lập ra 9 tờbáo, cả ở trong và ngoài nước...


Khảo cứu và suy ngẫm từ cuộc đời cách mạng và làm báo vẻ vang của Bác, soạn giả Nguyễn Thành muốn lưu ý bạn đọc hôm nay, nhất là những người đang tiếp tục sự nghiệp báo chí của Người, ở đôi điều tâm đắc. Đầu tiên, làm báo thì phải có động lực cao đẹp, mạnh mẽ. Khác với thời cụ Phan Bội Châu, thời đại mới đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Cộng sản, từ đó Người say sưa chiến đấu vì lí tưởng Cộng sản, vì Độc lập dân tộc. Đó chính là động lực lớn cho Người trên mặt trận báo chí.

Vấn đề xác định đúng đối tượng và mục đích của bài báo, thể hiện tính Đảng và tính quần chúng của báo chí cũng được Bác thường xuyên nhắc nhở, như một nguyên tắc không bao giờ cũ (viết cho ai xem, viết để làm gì, viết cái gì, dẫn đến viết như thế nào?). Đấy cũng là kinh nghiệm thiết thân, Bác muốn truyền lại cho các thế hệ người làm báo nước mình.

Việc phê bình và tự phê bình, ngay trong nội bộ báo chí, được Bác đặc biệt lưu ý đối với cán bộ làm báo, vì theo Bác, ở đây biểu hiện quy luật phát triển báo chí cách mạng và phẩm chất cần có ở mỗi người làm báo dưới chế độ mới. Bác còn đề cao tài năng ở người làm báo nữa.

Học tập tấm gương viết báo của Bác Hồ, trước hết phải bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức của người làm báo, nhưng không có nghĩa là "cào bằng", cho rằng tất cả người đạo đức tư cách tốt đều làm được báo hay, mà không cần tài năng-tài năng do tự nhiên, thiên bẩm và tài năng nhờ tìm tòi, học tập, đào luyện, từng trải mà có được?!


In đầu tiên, năm 1988, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành; đến năm 1995, cuốn sách Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Nhà xuất bản Văn hoá -Thông tin in lần thứ hai,có sửa chữa và bổ sung. Năm 2005, cuốn sách của Nguyễn Thành lại được Nhà xuất bản Lí luận Chính trị in lần thứ ba, với 538 trang (lần đầu in 340 tr, lần thứ hai 368 trang). Điều này, phần nào nói lên giá trị của công trình được dần khẳng định và nhu cầu đón đọc ngày càng rộng rãi của công chúng, trong đó có báo giới!


Kim Hùng