(Baonghean) - Trong năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ huyện Nghi Lộc đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực, nhất là trong công tác phát triển Đảng và phong trào Xây dựng nông thôn mới.
Ngày cuối năm, về xã Nghi Vạn ( Nghi Lộc) đúng vào lúc đảng bộ địa phương đang tổ chức tổng kết công tác xây dựng Đảng, niềm vui như nhân lên khi năm nay, đảng bộ kết nạp được 11 đảng viên mới, chuyển chính thức cho 8 đồng chí, giới thiệu về nơi cư trú 53 đồng chí, tiếp nhận 29 đồng chí về sinh hoạt tại địa phương, xét tặng huy hiệu đảng các loại cho 20 đồng chí.
Bí thư Đảng ủy xã Nghi Vạn, Lê Văn Thân phấn khởi cho biết: Toàn đảng bộ có 297 đảng viên, 20 chi bộ, 16 chi bộ nông thôn. Những năm qua, cấp ủy đảng luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn đảng viên trẻ, giao các chi bộ quan tâm, bồi dưỡng phát triển đảng viên từ lực lượng sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trung cấp chưa xin được việc làm, hoặc có việc làm ổn định tại địa phương giao cho họ làm bí thư, phó bí thư chi đoàn thôn xóm, thôn đội trưởng, công an viên; từ đó tạo môi trường để họ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Thứ hai là phát triển nguồn từ lực lượng thanh niên tại chỗ, có phẩm chất đạo đức tốt, đang tham gia vào các chi hội đoàn thể thôn xóm và nguồn từ trường học. Bình quân mỗi năm, Đảng bộ Nghi Vạn kết nạp từ 7- 10 đảng viên, đặc biệt có năm kết nạp được 13 đảng viên. Tuy nhiên, các chi bộ đảng ở Nghi Vạn luôn lấy chất lượng đảng viên làm mục tiêu hàng đầu, chỉ kết nạp những quần chúng thực sự ưu tú, xứng đáng…
Niềm vui của Đảng ủy Nghi Vạn cũng là niềm vui chung của Đảng bộ huyện Nghi Lộc vì năm nay toàn huyện chuyển chính thức cho 315 đảng viên, kết nạp được 302 đảng viên mới, cao nhất từ trước đến nay, vượt 52 đảng viên so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là phát triển 250 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là giáo dân.
Đồng chí Thái Bá Châu - Trưởng ban Tổ chức huyện Nghi Lộc cho hay: Trong năm 2013, BTV Huyện ủy chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, phát triển chi bộ, đảng viên trong doanh nghiệp, trong khối nông thôn và trường học. Từ khi ban hành triển khai thực hiện Đề án 05-ĐA/HU ngày 01/10/2012 về xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đến nay huyện đã thành lập thêm được một chi bộ đảng là Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân Nghi Hoa và đang xúc tiến thành lập chi bộ tại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Huyện cũng đã ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường phát triển đảng viên ở đảng bộ khối nông thôn. Trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Đảng cho lực lượng ĐVTN, gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giao chỉ tiêu cho từng tổ chức cơ sở đảng trong việc bồi dưỡng các nhân tố tích cực trong các tổ chức đoàn thể quần chúng và bố trí phân công nhiệm vụ cho đảng viên ngay sau khi kết nạp, tạo điều kiện và động lực để đảng viên phấn đấu. Nhờ vậy, công tác phát triển Đảng có nhiều chuyển biến, số lượng đảng viên mới được kết nạp trong năm 2013 ở khối nông thôn là 187 người, chiếm 62% số đảng viên được kết nạp của đảng bộ huyện trong năm. Đặc biệt, nhiều đảng bộ khối nông thôn đã vượt chỉ tiêu phát triển Đảng so với kế hoạch đề ra, tiêu biểu như: Nghi Công Nam, Nghi Vạn (vượt 5 chỉ tiêu); Nghi Phong, Nghi Thạch (4 chỉ tiêu); Nghi Hưng ( 2 chỉ tiêu)…
Để bổ sung lực lượng đảng viên trẻ, huyện chủ trương tạo nguồn từ học sinh phổ thông và tập trung chỉ đạo các trường THPT rà soát, triển khai thực hiện mạnh công tác tạo nguồn, đào tạo và phát triển Ðảng trong học sinh. Nâng cao nhận thức giúp học sinh nhận thức đúng động cơ vào Đảng, có hướng phấn đấu, rèn luyện trong học tập cũng như trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên phù hợp với đặc điểm đối tượng là học sinh. Các chi bộ các trường học căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình để có những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Nhờ vậy, công tác phát triển Đảng trong các trường học trên địa bàn đạt được kết quả tích cực. Trong năm học 2012-2013, toàn huyện đã kết nạp được 14 học sinh ưu tú vào Đảng.
Nét nổi bật nữa trong năm qua ở Nghi Lộc đó là phong trào Xây dựng NTM đang được thực hiện rất sôi nổi. Nhờ các cấp uỷ đảng chỉ đạo quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay 100% xã đã hoàn thành xây dựng và công bố quy hoạch, nhiều xã tổ chức cắm mốc, phóng tuyến, đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Với sự tiên phong gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào rộng khắp. Toàn huyện có 3.582 hộ hiến đất và 902 hộ hiến tường bao, cây cối để mở đường. Trong năm 2013, nhân dân tiếp tục hiến 2,8 ha đất làm đường giao thông nông thôn, nâng tổng diện tích hiến đất cho chỉnh trang đồng ruộng và xây dựng nông thôn mới lên 50 ha. Điều đáng ghi nhận là, nhiều xứ, họ đạo trong toàn huyện đã phát huy tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, huy động nguồn lực đầu tư xây dưng nông thôn mới như bà con giáo dân Giáo xứ Thượng Lộc (Nghi Vạn), Giáo xứ Làng Anh (Nghi Phong), Giáo xứ Làng Nam (Nghi Trung)...
Đồng chí Đinh Thị Tâm - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Nghi Lộc cho biết: “Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Lộc chỉ đạo mỗi đơn vị cấp huyện căn cứ nội dung chương trình, chức năng nhiệm vụ của tổ chức mình, chọn 2 mô hình cấp xã, mỗi xã chọn 2 mô hình cấp xóm về dân vận khéo xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2013, toàn huyện xây dựng được 57 mô hình, điển hình dân vận khéo. Trong đó 33 mô hình dân vận khéo xây dựng nông thôn mới. Phần lớn các mô hình xây dựng đều có hiệu quả, nhất là trong hiến đất mở đường. Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện, nhân dân đã đóng góp công của, xây dựng mới 52 km đường bê tông theo chuẩn nông thôn mới, tổng trị giá 50 tỷ đồng. Toàn huyện có sáu xã đạt 11 tiêu chí trở lên, có 14 xã đạt 6 đến 10 tiêu chí, trong đó xã Nghi Thái đạt 14/19 tiêu chí.
Trong lĩnh vực sản xuất, nhân dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và áp dụng các tiến bộ KHKT về giống mới. Cấp uỷ chính quyền đã tích cực chỉ đạo nhân rộng thay thế một phần diện tích lúa lai bằng lúa chất lượng cao, xây dựng thành công 4 cánh đồng mẫu lớn ở Nghi Đồng, Nghi Kiều, Nghi Hoa, Nghi Lộc… Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 93.222 tấn/80.610 tấn (bằng 115,65% KH), là năm có tổng sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Tuy rằng, trong năm qua còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trên địa bàn xảy ra những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến tình đoàn kết lương giáo, nhưng với truyền thống đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Khánh Ly