(Baonghean) - Đã thành thông lệ vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, các “nhà” mà chủ lực là các nhà báo sẽ chọn 10 sự kiện nổi bật của năm cả ở phạm vi quốc gia lẫn tỉnh. Chưa biết năm 2013 này, với Nghệ An ta, 10 sự kiện nào sẽ được lựa chọn đây?
Nếu được chọn cho riêng mình, theo tôi, sự kiện số một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2013 của tỉnh nhà sẽ là:
Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 26 -NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Tôi chọn như vậy là bởi:
- Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết dành riêng cho một tỉnh với tinh thần trách nhiệm chính trị rất cao cùng với một tình cảm cách mạng sâu nặng. Nghị quyết chỉ rõ “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và các địa phương với tấm lòng vì quê hương và lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. (1)
- Với NQ này, Bộ Chính trị đã trao và giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An chiếc kim chỉ nam để nhận thức và hành động trên chặng đường lớn 7 năm tới. NQ này cũng là “chìa khóa” mà Bộ Chính trị trao cho, giao cho để mở thông hết mọi cánh cửa ngay trong nhận thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, mở thông mọi mối quan hệ (vừa là quan hệ trách nhiệm, vừa là quan hệ lợi ích với trên, với dưới, với bạn bè trong nước và ngoài nước). Có kim chỉ nam này, có “chìa khóa” này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh ta có nhận thức mới, động lực mới, tinh thần mới, quyết tâm mới trong vận hội mới để thực hiện bằng được mong muốn của Bác Hồ đối với quê hương, để làm trọn vẹn lời hứa của quê hương đối với Bác Hồ.
- Đây là một văn kiện chính trị nhưng tính chất bao trùm của văn kiện lại là sự gợi mở, từ đó mà “phát huy mạnh hơn nữa tinh thần tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo”(1) vốn là một thế mạnh trong tính cách và trí tuệ của con người Nghệ. Sự gợi mở ấy đã chuyển một văn kiện của Bộ Chính trị thành một văn kiện của Nghệ An, cho Nghệ An, vì Nghệ An. Từ đó việc tổ chức thực hiện NQ này không dừng ở trách nhiệm với Bộ Chính trị nữa mà sâu xa hơn, thấu đáo hơn là trách nhiệm với chính mình: Với cá nhân mình, với gia đình mình, với làng, bản, phố phường mình, với huyện mình, ngành mình… cộng tất cả lại là với tỉnh mình.
- NQ này, nếu được nhận thức đầy đủ và nhất là nếu được tổ chức thực hiện có kết quả tốt nhất, thì đây không chỉ là sự kiện số một của năm 2013, mà đây sẽ còn là một cột mốc có tính lịch sử trong cuộc chiến đấu để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Nhiều người Nghệ An đều biết, ngày 21/7/1969, Bác Hồ có “Thư gửi BCH Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An”. (2)
Cuối bức thư Người viết:
“Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. (2)
Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta coi bức thư lịch sử này, lời mong mỏi thiết tha này là Di chúc của Bác Hồ để lại cho quê hương.
Đã có nhiều kỳ đại hội đảng bộ, cũng đã có không ít Lễ Kỷ niệm ngày sinh của Bác, chúng ta hứa sẽ thực hiện được điều mong mỏi của Người. Nhưng cho đến năm 2013 này “Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ bằng 70% của cả nước”. (1)
Vậy là chúng ta vẫn chưa thực hiện được lời hứa với Bác. Nhiều xã còn nghèo. Các huyện, thị xã, thành phố và tất cả các xã, phường, thị trấn đều phải tự đặt ra cho mình câu hỏi: Vì sao mình vẫn đang nghèo? Và lại cũng chính mình phải tìm ra phương cách để thoát nghèo; phương cách để thoát nghèo chỉ có thể tìm thấy, rồi để thực hiện phải xuất phát từ 2 cơ sở: Một: Tự nhìn nhận mình thật đúng, thật rõ với tinh thần tự phê bình và phê bình cao. Từ đó mà đánh giá nhận thức và hành động của mấy chục năm qua những gì là thành quả, những gì là khuyết điểm, thiếu sót, những gì là đúng hoặc chưa đúng, những gì là được và chưa được, những gì đã có và đang thiếu. Hai: Đối chiếu với những phương hướng, nhiệm vụ vừa mang tính chỉ đạo, vừa có tính gợi mở có trong NQ 26 của Bộ Chính trị.
Trên con đường lớn đi tới mục tiêu: Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, tỉnh phải có phương cách chung, huyện (thị, thành) phải có phương cách cụ thể, xã (phường, thị trấn) lại phải có phương cách chi tiết. Phương cách của mọi xã, mọi huyện vừa có cái chung vừa trong cái chung của phương cách tỉnh lại nhất thiết phải có cái riêng, thậm chí rất riêng của huyện (thị, thành), của xã (phường, thị trấn). Trong cái chung ai cũng giống ai. Còn trong cái riêng thì chẳng ai giống ai. Chỉ đi với phương cách riêng (của mình) trong phương cách chung (của tỉnh) thì mình mới đến đích để cùng với cả tỉnh đến đích.
Để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu (cho một gia đình, một xã, một huyện, một tỉnh) không ai làm thay cho mình được (mà cũng chẳng có ai làm thay cho mình). Nhưng mặt khác cũng cần khẳng định rằng: Trong nền kinh tế thị trường, trong xu thế hội nhập quốc tế, sẽ chẳng có bất cứ ai, kể cả một quốc gia lại có thể phát triển lên được nếu như tách mình ra một cách biệt lập.
Cha ông ta đã từng nói: “Buôn có bạn, bán có phường”, “Giàu vì bạn…”. Đề cập đến khía cạnh này để tự mình đặt ra câu hỏi: Xã mình, huyện mình, và cả tỉnh trong 10 - 15 năm lại đây có nhiều, hay ít bạn (thử so sánh với các tỉnh gần ta), nhanh hay chậm có bạn? Có bạn rồi thì quan hệ với bạn ra sao? Có bạn mới có quên bạn cũ? Có một bạn rồi liệu đã từ bạn đó kéo thêm nhiều bạn khác?... Và câu hỏi vì sao lại thế? Vì cơ chế chính sách? Vì trên quan tâm chưa đúng mức? Vì bạn có gì đó mà mặc cảm với tỉnh ta?…
Với suy nghĩ qua nhiều dằn vặt, tôi cho rằng: Nghệ An ta phát triển chậm (thoát nghèo chậm) có nhiều nguyên nhân (như Nghị quyết 26 đã chỉ ra), trong đó có nguyên nhân là ta ít bạn, ta chưa giỏi kết bạn và làm bạn. Còn vì sao lại thế? Theo tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân mà lâu nay ta chưa, hoặc còn ngại đề cập: Đó là ở tính cách của người Nghệ (cả người lãnh đạo các cấp, các ngành đến tận người dân).
Trong tính cách của người Nghệ - Cụ thể là Nghệ An ta có rất nhiều phẩm chất cao quý. Song, cũng có cái gì đó rất phù hợp với xưa mà nay thì lại rất ít phù hợp - Với xưa tức là với văn hóa làng - xã, với kinh tế tự túc tự cấp, đèn nhà ai nhà nấy rạng, còn nay là với kinh tế thị trường là sản xuất hàng hóa - là hội nhập.
Nhà thơ Huy Cận có một câu thơ rất đáng để chúng ta suy ngẫm về sự làm bạn của người Nghệ:
Người xứ Nghệ quen lâu,
Nhưng quen rồi thì sâu lắng.
Cái sâu lắng khi kết bạn của người Nghệ là một phẩm chất cao quý trong tính cách của người Nghệ. Còn sự quen lâu (hay lâu quen) thì trong điều kiện cụ thể hiện tại và tương lai, cái sự thể muốn kết bạn được với người Nghệ phải lâu thì e là không phù hợp lắm. Trong tính cách người Nghệ còn: “Chặt to, kho mặn”, còn “ăn chắc, mặc bền”, nhiều khôn mà ít khéo… E chừng cũng tạo nên ít nhiều trở ngại, ít nhiều rào cản khi mong muốn mau có bạn, có bạn rồi tiếp tục có thêm nhiều bạn mới. Có thể nói thế này chăng: Đôi ba khía cạnh nho nhỏ ở trên, trong tính cách người Nghệ na ná giống như một vài vết xước nho nhỏ của một viên ngọc quý. Đôi ba khía cạnh nho nhỏ ấy không khéo thành ra hạn chế sức hút, sức lan tỏa, sức hấp dẫn vốn rất lớn từ những phẩm chất cao quý, tốt đẹp trong tính cách người Nghệ chúng ta.
Điều này hẳn cũng đáng suy ngẫm lắm để ta có thêm nhiều bạn đến với ta, chia sẻ với chúng ta, góp công, góp sức, góp tiền của, góp công nghệ, góp khả năng quản lý, năng lực kinh doanh… Từ đó mà “Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh”. (1)
Để thực hiện NQ 26 của Bộ Chính trị có kết quả cao, phải có ý chí mạnh, quyết tâm cao. Cùng với đó phải có tầm trí tuệ cần thiết: Trí tuệ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Trí tuệ trong tổ chức, trong sản xuất kinh doanh. Trí tuệ trong khoa học công nghệ, trong giao lưu và hội nhập…
Người Nghệ An thông minh, hiếu học và cả khổ học nữa nên có tiềm năng trí tuệ rất lớn. Chỉ khi nào khai thác được tiềm năng trí tuệ thì mới khai thác được các tiềm năng khác. Tiềm năng trí tuệ nằm ở mọi người, mọi ngành, mọi cấp, và mang cả vỏ vô hình. Do đó, để khai thác được tiềm năng này phải biết huy động, biết tận dụng, biết tập hợp để từ những trí tuệ nhỏ phân tán, tản mạn thành một trí tuệ lớn, một trí tuệ chung. Có thế trí tuệ mới có sức mạnh lớn, mới từ “tiềm năng” thành hiện thực. Muốn huy động, tận dụng và tập hợp được trí tuệ thì trước hết như Bác Hồ đã dặn trong thư Người gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 21/7/1969: “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa. Cùng với đó phải thực sự đoàn kết từ chi bộ đến toàn Đảng bộ tỉnh, đoàn kết trong cấp ủy, đoàn kết trên dưới, trong ngoài”.(2)
Thực hiện dân chủ, thật sự đoàn kết, có quan hệ không chỉ với quan điểm và nhận thức cách mạng mà còn ở tính cách người Nghệ nữa.
Người Nghệ An thông minh đó là điều không phải bàn cãi nhưng lại có điều phải tính cho phép cộng của sự thông minh. Phép cộng này, một phép cộng xã hội, chứ không đơn thuần là phép cộng số học. Với phép cộng xã hội thì nếu chịu nhau, biết tự trọng và biết tôn trọng vì lợi ích chung, cái thông minh cụ thể sẽ thành một thông minh lớn hơn. Nếu làm ngược lại: Vì đều là thông minh nhưng không ai chịu ai, ai cũng tự cho mình là nhất… thì cái thông minh sẽ triệt tiêu lẫn nhau, dẫu đó là phép cộng - càng thông minh nên có cơ sở để đoàn kết. Song, cũng do càng thông minh lại sinh ra mầm mống để thiếu đoàn kết - bởi vậy chớ quá tự tin mà quên mất phản ứng ngược của sự thông minh.
Người Nghệ An hiếu học, khổ học và học giỏi. Nghệ An được coi là đất học. Điều này cũng không còn phải bàn cãi. Nhưng, tỉnh táo mà xem xét thì Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo. Tại sao vậy? Học giỏi mà làm ăn không ra? Học giỏi mà lại nghèo? Có phi lý không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nói:
“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (3)
Từ câu nói này, chúng ta suy ngẫm sâu sắc hơn về cái “đất học” về sự học, về học giỏi của Nghệ An ta.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải bắc một cái cầu từ học giỏi sang làm ăn giỏi, từ giỏi học chuyển sang giỏi học làm ăn, từ “đất học” sang “đất làm ăn”. Bởi suy cho cùng, học là để làm người - để làm người: làm người tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn. Đó mới là cái đích thực của sự học.
Để thoát nghèo phải thoát dốt! Để thoát dốt trước hết phải nhận thức đúng rằng mình còn dốt (dẫu là thông minh - dẫu là đất học) từ đó mà lo học: “Học chữ, học làm việc, học lãnh đạo, học quản lý, học nghề, học khoa học - kỹ thuật, công nghệ, học làm trên, học làm dưới, học làm cán bộ, học làm dân, học làm con, làm cháu, học làm ông bà, cha mẹ, học làm thầy, học làm trò…”. Khái quát như cha ông nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Lo học rồi lại biết học: Học thầy, học bạn, học trong sách, học trong thực tế, học trên, học dưới, học dân, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi việc, học gắn với hành, còn sống, còn làm việc, còn phải học. Học suốt đời, học, học nữa, học mãi. Lo học, biết học như vậy mới thoát dốt. Có thoát dốt thì mới thoát nghèo. Cái sự học như vậy đòi hỏi lãnh đạo và nhân dân ta chớ sớm tự bằng lòng, tự thỏa mãn với cái danh đất học mà mình đang có. Cái sự học ở Nghệ An ta đang còn thiếu thốn nhiều điều.
Trải mấy nghìn năm, đấu tranh dựng nước và giữ nước đã kết tinh thành tính cách Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Trên mảnh đất Nghệ An, với những điều kiện địa lý, lịch sử cụ thể, người Nghệ mang đầy đủ tính cách, trí tuệ của dân tộc Việt Nam, đồng thời ở điều này điều khác, khía cạnh này khía cạnh khác lại có những nét riêng có trong tính cách và trí tuệ người Nghệ. Tính cách, trí tuệ người Nghệ là vốn quý nhất trong mọi vốn quý, là tiềm năng lớn nhất của mọi tiềm năng.
Trên con đường đi tới, vốn quý, tiềm năng phải tiếp tục được phát huy hơn nữa. Đồng thời lại cũng phải biết hoàn thiện tính cách, làm giàu thêm trí tuệ để xóa đi những gì không còn phù hợp để bù đắp thêm những gì còn thiếu trong cả tính cách và trí tuệ của mình. Cả hai điều đó phải được nhận thức và hành động song hành. Không thể chỉ làm điều này mà không làm điều kia và ngược lại. Với tính cách và bằng trí tuệ, các thế hệ ông, cha đã tạo lập nên truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của người Nghệ An trong truyền thống vẻ vang của dân tộc. Ngày nay cùng với tính cách ấy và được hoàn thiện, cũng bằng trí tuệ ấy và được làm giàu thêm, nhất định những người con đất Nghệ An sẽ lập nên một dấu ấn lịch sử mới: Đưa Nghệ An thành tỉnh khá tiến tới trở thành một tỉnh công nghiệp, trở thành tỉnh giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trương Công Anh
-----------------------------------------
(1) - Trích trong NQ 26 – NQ/TƯ của
Bộ Chính trị.
(2) - Thư gửi BCH Đảng bộ Đảng LĐVN tỉnh Nghệ An.
(Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. Trang 481- 483)
(3) - Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
(Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. Trang 8)