(Baonghean) - Sau gần 2 năm nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các cấp ủy Đảng; củng cố niềm tin của nhân dân vào những “đầu tàu gương mẫu”, “những công bộc của dân”…

Chấn chỉnh kỷ luật, rèn cán bộ

Một trong những giá trị và ý nghĩa lớn nhất của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, của tự phê bình và phê bình là ở tính cảnh báo, sự thúc giục thức tỉnh và tính răn đe. Những tồn tại, khuyết điểm được phân  tích, mổ xẻ một cách thấu đáo với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao; qua hội nghị kiểm điểm đã giúp từng tập thể, cá nhân, TCCS đảng có dịp “soi lại” mình, nhận thấy rõ hơn yếu kém của mình từ đó có sự điều chỉnh trong nhận thức và hành động, xác định các giải pháp khắc phục, những vấn đề cần làm ngay nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.
 
Điều này được minh chứng bằng những điều mắt thấy, tai nghe, những câu chuyện, sự chia sẻ, bày tỏ thẳng thắn của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên tại nhiều địa phương mà chúng tôi từng đến.  Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến là cách “rèn” cán bộ “bám đội, lội đồng” ở  xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), ông Hoàng Danh Lai - Bí thư Đảng ủy  xã cho hay: “Đảng bộ xã đã quán triệt cán bộ “nói đi đôi với làm” không chỉ đạo suông mà mỗi tuần ít nhất một lần phải xuống đồng trực tiếp chỉ đạo sản xuất, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe kiến nghị đề xuất của dân. Có như thế mới tạo được lòng tin của dân vào cán bộ, mới huy động được sức dân”. Cũng nhờ vậy, đến nay địa phương đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới và đang phấn đấu để sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại...
 
Còn tại huyện Anh Sơn, Huyện ủy đã có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, tìm giải pháp khắc phục, tạo sự chuyển biến tích cực sau kiểm điểm. Tất cả các cơ quan, đơn vị công sở trường học trên địa bàn huyện, ý thức tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức đã được nâng lên rõ rệt bắt đầu từ việc chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc, đeo thẻ công chức. Sáng thứ 2 đầu tuần hàng ngàn cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn huyện Anh Sơn đến sớm hơn thường lệ 15-30 phút, trong trang phục áo dài, đồ công sở để làm lễ chào cờ...  Khi được hỏi về ý nghĩa của việc này, một bí thư đảng ủy xã cho biết: “Cái hay nhất của lễ chào cờ đầu tuần, là thông qua đó, kịp thời nhắc nhở về tác phong làm việc, các khuyết điểm còn tồn tại, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, hạn chế tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm trong công việc”.
 
Huyện ủy Anh Sơn cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định không uống rượu bia buổi trưa, trong giờ làm việc,  phân công 160 đảng viên thuộc cán bộ đảng - đoàn thể, đảng bộ cơ quan UBND huyện, công an, quân sự về tham gia sinh hoạt tại 253 chi bộ thôn, bản thuộc 21 xã, thị trấn; chủ trương tăng cường đối thoại với dân giúp BTV Huyện ủy nắm bắt diễn biến tư  tưởng, khó khăn vướng mắc của dân để có hướng chỉ đạo kịp thời. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Bí thư Huyện ủy thì chuyển biến rõ nhất sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là ý thức  tự giác, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên, mọi hoạt động đi vào kỷ cương, nề nếp, tạo niềm tin trong quần chúng vào những công bộc của dân.
 
images904025_c_n_b__t_nh_do_n_ch_o_c__d_u_tu_n.jpgCán bộ Tỉnh đoàn chào cờ đầu tuần. Ảnh: K.L
 
Tại huyện lúa Yên Thành, bám sát các nội dung trọng tâm của Nghị quyết TƯ 4, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan để khắc phục, sửa chữa và quyết tâm xử lý sai phạm, huyện đã  tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kết luận sau kiểm tra đối với 31 đảng viên, trong đó có 1 huyện ủy viên, 12  đảng ủy viên, 14 chi ủy viên. Chỉ đạo xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ vi phạm, thực hiện luân chuyển cán bộ ở một số lĩnh vực nhạy cảm ở phòng Nội vụ, phòng Tài chính, phòng Tài nguyên - Môi trường… Ông Dương Ngọc Hoàng - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy cho biết: “Với tinh thần “chống” để “xây”, các vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến cán bộ đã được BTV Huyện ủy thảo luận kỹ, phân tích, đánh giá một cách nghiêm túc, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và được đưa ra bàn bạc tìm biện pháp, lộ trình xử lý; tập trung chỉ đạo giải quyết một cách quyết liệt vừa kịp thời chấn chỉnh vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những dấu hiệu tham ô, tham nhũng”.
 
Ở huyện Đô Lương, trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn phân tích, mổ xẻ, làm rõ nhiều vấn đề yếu kém, tồn tại; đồng thời xác định rõ nguyên nhân, trong đó có vai trò người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương, ngành còn thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công việc được giao, dẫn đến có nhiều công việc đình trệ, không hoàn thành đúng thời hạn; có việc giao đi giao lại nhiều lần vẫn không được thực hiện. Nhằm khắc phục tình trạng này, sau kiểm điểm Trung ương 4, Đô Lương đã mạnh dạn, sáng tạo “thể chế hóa” trách nhiệm người đứng đầu bằng Quy định số 06/QĐ-HU, ngày 14/01/2012 về “chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị, các ban, phòng, ngành, MTTQ và đoàn thể cấp huyện”.
 
Trên tinh thần quy định của Huyện ủy, các đơn vị cũng có sự “phán xử” tương tự với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền cấp mình. Đây có thể coi là sáng tạo đầu tiên của Đô Lương mà chưa có đơn vị nào làm được. Theo đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy thì: “Quá trình thực hiện quy định, ý thức bám việc, nắm việc, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của những người đứng đầu ở các cấp, các ngành, tổ chức rõ hơn; khắc phục tình trạng trước đây có nhiều việc người đứng đầu không nắm được, không biết cấp dưới làm gì. Vì vậy, nhiều công việc, nhất là các việc tồn đọng được tập trung giải quyết; số công việc phải nhắc nhở lần 2, lần 3 giảm đi nhiều. Dư luận đồng tình cao, tạo thêm niềm tin đối với Đảng, chính quyền”.
 
Còn tại huyện Nghĩa Đàn, để chấn chỉnh tình trạng cán  bộ, đảng viên tham dự hội họp thiếu nghiêm túc, BTV Huyện ủy đã ban hành quy định về “Tổ chức và tham gia học tập các nghị quyết của Đảng, việc tham gia các cuộc hội nghị, các cuộc họp do cấp huyện tổ chức” và giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Nhờ đó tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc hội nghị do cấp huyện và cơ sở tổ chức. Huyện cũng thực hiện bổ sung, sửa  đổi quy chế làm việc, tiến hành phân công lại một số đồng chí trong ban chấp hành, ban thường vụ phụ trách cơ sở đảm bảo tính hợp lý và phát huy được vai trò trách nhiệm được giao. Đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung một số quy chế, quy định về công tác cán bộ; sắp xếp, bố trí lại một số vị trí cán bộ chủ chốt ở một số đơn vị yếu kém để xốc lại kỷ cương, nề nếp. Đến nay, huyện đã chỉ đạo thực hiện quy trình luân chuyển 5 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thị về giữ chức vụ chủ chốt ở 5/10 xã, phường… vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành qua  thực tiễn, vừa ổn định tình hình cơ sở.
 
Sự nghiệp cách mạng của Đảng suốt chiều dài lịch sử cũng đã chứng minh, tổng kết “cán bộ nào, phong trào ấy”. Bám sát nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định về công tác cán bộ như: quy định về chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của Đảng, đoàn thể ở các cơ quan cấp tỉnh; quy định phân cấp quản lý cán bộ; kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội;  triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn và ủy viên BTV cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở; quy chế bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ, điều động luân chuyển cán bộ; quy chế đánh  giá cán bộ, công chức, các đề án luân chuyển cán bộ, quản lý; quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020…
 
Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã luân chuyển 17 cán bộ lãnh đạo các ngành về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch các huyện; 7 đồng chí chủ trì huyện về làm giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành; luân chuyển, bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý từ ngành này sang ngành khác tạo môi trường và động lực cho cán bộ phấn đấu trong công tác. Trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ; tăng cường thẩm định và giám sát việc thi tuyển cán bộ, công chức; tiến hành kiểm tra và hướng dẫn tự kiểm tra bộ máy, biên chế khối đảng, MTTQ và các đoàn thể… Chuyển biến rõ nhất sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đó là phương pháp, phong cách lãnh đạo của cấp ủy địa phương, đơn vị có nhiều đổi mới, tính đoàn kết, cộng sự được củng cố, bước đầu góp phần cảnh báo, cảnh tỉnh và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác xây dựng Đảng.
 
Chọn việc “Đảng lo, dân cần” để  làm ngay
 
Từ gợi ý kiểm điểm của BTV Tỉnh ủy và sự chủ động, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các vụ việc phát sinh gây dư luận và được quần chúng nhân dân phản ánh, góp ý, ngay sau kiểm điểm, cấp ủy đảng các cấp đã nghiêm túc triển khai những việc cần làm ngay. Trong đó, tập trung vào những nội dung mà “Đảng lo, dân cần”, giải quyết cơ bản các vụ việc còn tồn tại, nổi cộm, xử lý những “điểm nóng” tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đó là những vi phạm trong quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, hạn chế trong cải cách hành chính;  sa sút đạo đức công vụ, lạm dụng quyền hạn của cán bộ, đảng viên, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông,  vi phạm trong khai thác khoáng sản; xuống cấp hệ thống kênh mương tưới tiêu, hồ đập, thủy lợi… Những thiếu sót trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát dẫn đến các “điểm nóng” nêu trên được chỉ ra.
 
Đặc biệt, nguyên nhân dẫn đến sai phạm được nhìn nhận và “đặt” lên vai những tập thể, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu. Tính đến nay, ở cấp huyện đã xử lý xong 172/206 việc cần làm ngay đạt 83,5%. Điển hình là Nghĩa Đàn 5/5 việc; Quỳ Châu 7/7 việc; Kỳ Sơn 7/7 việc, Cửa Lò 5/5 việc, Hưng Nguyên 6/6 việc; Nghi Lộc 5/5 việc; BĐBP tỉnh 13/13 việc; Công an tỉnh 7/7 việc; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 19/20 việc… 100% các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc đã tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị. Ở cấp cơ sở, các tổ chức cơ sở đảng đã đốc thúc các đơn vị trực thuộc triển khai những việc cần làm ngay được khoảng 81%, nhiều  đơn vị đạt tỷ lệ cao như quân sự 87/87 việc, đạt 100%; Thị xã Thái Hòa 293/299 việc, đạt 97%; Kỳ Sơn 175/180 việc đạt 97%...
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi động viên các hộ dân xóm Nguyễn Huệ, xã Sơn Thành (Yên Thành) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hữu Nghĩa
 
Ở cấp tỉnh, trên cơ sở nhiệm vụ được  BTV Tỉnh ủy giao, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan chủ động, tích cực rà soát nội dung, vụ việc; tham mưu các loại văn bản chỉ đạo xử lý giải quyết một số nội dung, lĩnh vực, vụ việc tồn đọng, bức xúc được dư luận quan tâm với tinh thần khẩn trương, kịp thời, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể là UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản, chấn chỉnh việc cấp phép, quản lý, xử lý kiên quyết, nghiêm khắc các vi phạm trong hoạt động này. Rà soát, xử lý, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm cấp đất sai đối tượng ở đồng Cánh Phượng và 12 sự việc nổi cộm, bức xúc theo kết luận của BTV Tỉnh ủy như vi phạm ATGT và các quy định bảo vệ rừng ở rừng quốc gia Pù Huống; sập mỏ đá Lèn Cờ (Yên Thành)...
 
Tiến hành soát xét lại các dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng không triển khai hoặc không có năng lực triển khai, chuyển đổi mục đích sử dụng không phù hợp với quy hoạch, nhất là những dự  án có sử dụng đất trong đô thị để thu hồi. Đến nay đã kiểm tra 26 dự  án, ra quyết định thu hồi 6 dự án, xem xét giãn tiến độ cho 13 dự án, nếu thời gian tới không triển khai thực hiện sẽ kiên quyết thu hồi. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lập và trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Vinh; tiến hành giao đất đúng tiến độ cho những dự  án lớn có hiệu  quả kinh tế - xã hội cao, nhất là những dự án cần nhiều đất để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định như bò sữa, rau sạch, chế biến gỗ và MDF, chiết xuất dược liệu, trồng rừng, trồng cao su; soát xét, chấn chỉnh tổ chức bộ máy cán bộ, công chức, việc tiếp nhận, thi tuyển công chức tại các cấp, các ngành, chính sách người có công… Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã tăng cường kiểm tra làm rõ tính pháp lý, tính gương mẫu của cán bộ quản lý liên quan trong vụ việc chuyển đổi đất ở  HTX Trung Đô; xúc tiến các thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm trong vụ án “lạm quyền trong thi hành công vụ” ở Thanh An (Thanh Chương) và các trường hợp vi phạm kỷ luật khác mà chưa được xử lý dứt điểm hoặc xử lý chưa nghiêm...
 
Có thể nói, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố khi mỗi TCCS đảng, mỗi cán bộ, đảng viên quyết tâm làm trong sạch mình, thẳng thắn soi rọi vào những yếu kém, sai lầm để sửa chữa, khắc phục, xử lý nghiêm sai phạm, chấn chỉnh kỷ cương, siết chặt kỷ luật. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình thực hiện NQ TƯ 4 vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tại một số địa phương, đơn vị, việc thực hiện những việc cần làm ngay ở cấp cơ sở chưa đạt yêu cầu (Cửa Lò đạt 59%; Con Cuông 57%, Hoàng Mai 67%). Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết  TƯ 4 trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để tập trung chỉ đạo khắc phục những  tồn tại, hạn chế; những việc cần làm ngay ở cơ sở; đẩy mạnh công tác cán bộ, ban hành đề án tiêu chuẩn chức danh vị trí, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt chương trình thu hút cán bộ chất lượng cao vào các cơ quan đảng, MTTQ và các đoàn thể. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức  để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự “thấm” và “ngấm” tinh  thần của Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Đánh giá về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhiều cán bộ lão thành đã bày tỏ rằng: “Qua đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình vừa qua, dù mức độ và hiệu quả khác nhau, dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã có bước khởi động tích cực, đã có chuyển biến thiết thực. Sẽ không có gì thấm thía, thực chất hơn khi mỗi người biết tự đánh giá, tự vấn lương tâm, trách nhiệm và danh dự của mình, để tự mình thay đổi theo hướng tốt hơn, thực chất hơn”. 
 
Tuy đây chỉ mới là bước chuyển ban đầu sau một thời gian ngắn thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4, nhiều việc phải làm vẫn còn ở phía trước, nhưng cũng đã cho thấy quyết tâm của Nghệ An coi việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục  tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội  trên địa bàn, gây dựng niềm tin, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.
 
Khánh  Ly