(Baonghean) - Hóa ra, cái ông lão tóc bạc, luôn giữ vẻ điềm đạm, thung dung hay ngồi đánh cờ tướng dưới sân nhà C2, khu tập thể Quang Trung (TP. Vinh) mà tôi quen mặt ấy là ông lý trưởng trong vở chèo lừng danh một thuở: “Cô gái sông Lam” (của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong) nghệ sỹ Đinh Viết Cự. Cũng là ông, người tổ trưởng dân phố cần mẫn nhiều năm về trước, đã khiến người dân khu phố nhỏ này rơi nước mắt khi đọc bài thơ tặng vợ trong ngày tiễn biệt bà về nơi chín suối. Đã xa lắm rồi ánh đèn sân khấu, xa lắm rồi những buồn đau, cay đắng cuộc đời, bây giờ, ngồi lại bên tôi là ông lão nhỏ bé, lặng lẽ bên những tấm huy chương được xếp gọn ghẽ, và bàn tay run giở lại cuốn nhật ký của hơn 50 năm trước…
“Ngày…tháng…năm 1962…”
Cuốn nhật ký bìa xanh được mở đầu bằng những dòng chữ nắn nót, cẩn trọng. Ấy là những tháng năm diễn viên - biên kịch Đinh Viết Cự chong đèn, cặm cụi ngồi ghi lại sự kiện, cảm xúc, suy nghĩ sau mỗi đêm diễn. Ngay từ những trang đầu tiên, câu hỏi: “Liệu tôi có thể trở thành nhà nghệ thuật chân chính được không?” “Liệu tôi có thể đi mãi con đường (nghệ thuật - PV) này không?” đã luôn vang lên. Ông nói: Đúng là câu hỏi ấy đã vang lên, vang lên nhưng không phải để hỏi, để băn khoăn, mà vang lên để khẳng định rõ con đường mình đi, để nhắc nhở mình phải cố gắng, phải đam mê hơn nữa…
Rõ ràng đi theo nghệ thuật là sự lựa chọn của ông, bởi ông có rất nhiều con đường để lựa chọn khi ấy. Một trí thức, được đào tạo bài bản ở Trung Quốc về, đang công tác tại Bộ Công nghiệp rồi tự mình “rẽ ngang” học “khóa học cán bộ kịch của NSND Đình Quang (Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sân khấu Điện ảnh)”, sau đó nhận lời trở về những ngày đầu tiên thành lập Đoàn Văn công tỉnh nhà (1958-1959). Ông đã chọn con đường “phiêu lưu” ấy, bởi sâu thẳm trong ông là khát khao sáng tạo, là khát khao được truyền tải những thông điệp mạnh mẽ, yêu thương đến với nhiều người, là mong mỏi sẽ trở nên “giàu có” về tâm hồn, và cũng vì ông đã không thể quên được cái cảm xúc thời thơ trẻ, khi ông đứng trên sân khấu làng Vĩnh Đức của ông để hát và diễn kịch đã nhận được muôn vàn lời tán thưởng, muôn vàn yêu thương từ những người dân chân chất, nghèo khổ quê ông.
Đinh Viết Cự nói rằng, “Cô gái sông Lam” - vở diễn đã mang lại vinh quang cho Đoàn Văn công Nghệ An, cũng mang lại vinh quang cho cá nhân nhiều nghệ sỹ năm 1962 đã khiến ông tin mạnh mẽ rằng, ông chọn nghệ thuật là vô cùng đúng đắn. Vai lý trưởng của ông được tặng thưởng Huy chương Bạc trong hội diễn toàn quốc, Đoàn Văn công Nghệ An khi đó được gặp Bác Hồ, được biểu diễn cho Bác xem. Đó là lần thứ 2, ông được gặp Bác. Ông ghi trong nhật ký, thật đậm: “Thế là tôi đã hai lần gặp Bác, nhìn tận người Bác. Nếu như những người già thường bảo “Nếu như được gặp Bác một lát thì chết cũng thỏa” thì tôi được vinh dự hơn ai hết rồi. Tôi cần phấn đấu để xứng đáng là đứa cháu ngoan của Bác”. Nhưng Đinh Viết Cự cũng thừa nhận, dấu ấn của ông trong các vai diễn không nhiều. Ngoài vai lý trưởng trong “Cô gái sông Lam”, các vai trong “Chiếc xe cải tiến”, “6 phát trung liên”, “Viên quận trưởng”… thì chủ yếu ông để lại dấu ấn ở vai trò đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật của đoàn. Có những vở diễn là sáng tác của ông như vở dân ca “Trước lúc lên đường”, hay vở kịch hài “Khoan cái đã”… Sau khi tách Đoàn Văn công thành Đoàn Chèo và Đoàn Kịch nói (1968) thì Đinh Viết Cự về Đoàn Kịch nói ở vai trò Phó trưởng đoàn. Sau này (1986), ông về làm Trưởng khoa Sân khấu, Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An cho tới năm 1991 thì về hưu. Ở vai trò nào, người ta cũng thấy ở ông sự tận tâm. Những nghệ sỹ cùng thời của ông, như Kim Tân, Ngọc Ngãi, Đình Tân, Lệ Vinh… qua những bức thư, qua câu chuyện kể đều dành cho ông sự kính trọng. Ông là người anh, là người thầy, người bạn. Và ông, khi đang ngồi đây trong căn phòng nhỏ của mình cũng nói về họ bằng tất cả sự trân trọng. Ông nhìn họ để ngắm lại mình. “Chúng tôi trải qua một đời son phấn, biết rằng lắm bạc bẽo nhưng cũng đầy niềm vui. Tránh sao khỏi những phút ngậm ngùi, nhưng điều còn lại há chẳng phải chỉ là yêu thương thôi sao?”. Nói rồi, ông đọc thơ: “Chuyện đời rắc rối, lặng thinh/ Bạc tiền đâu đến phận mình mà mong/ Tháng ngày bầu bạn thong dong/ Bạn vui ta cũng vui chung nghĩa tình/ Dẫu rằng vất vả lênh đênh/ Mà sao vẫn thấy nhẹ tênh cuộc đời…”.
Đinh Viết Cự là thế. Thế mới có chuyện, ông kể về những tháng ngày vất vả đi diễn mà cứ “nhẹ tênh”. Ấy là những tháng ngày sân khấu là vỉa hè phố Vinh, tháng ngày mà cả đoàn phải đẩy xe bò chở đạo cụ, phục trang xuống các huyện xa biểu diễn, có những đêm mưa to phải lóc cóc quay về thị tứ trong gió, ướt. Có lần cũng vì mưa mà quay về như thế, nghỉ tạm trong một căn nhà để xe tang, diễn viên cả đoàn không có gì để ăn phải vào nhà dân mua khoai luộc, “may mà ăn xong người dân không lấy tiền chứ nếu có lấy thì cả đoàn văn công không có ai có tiền để trả”. Rồi những lần biểu diễn trong mưa bom… Nếu không phải vì đam mê, không phải vì khát khao được sáng tạo, cống hiến thì anh chị em nghệ sỹ lấy đâu nghị lực để vượt qua?
Đinh Viết Cự là thế. Khi ông, đầy ngậm ngùi, chia sẻ câu chuyện về người nhạc công bạc phận của đoàn mình, nghệ sỹ Phan Bá Hải. “Hải là người thổi sáo, và Hải chết do bệnh thổ huyết. Ấy là năm 1972. Sau này về, tôi nhìn nấm mộ em ấy mà thương. Nó như nấm mộ Đạm Tiên trong Kiều vậy. Tôi đã khóc. Khóc cho em, khóc cho mình, khóc cho những người nghệ sỹ… Vậy là tôi đứng lên quyên góp để làm lại mộ cho em ấy. Bây giờ thì em ấy được ở trên đồi cao lộng gió quê”. Thế nhưng, trong dòng viết dành cho người em đã đi xa ấy, ông vẫn nhắn rằng: Đời son phấn là như thế đó. Chúng ta đã hát câu ca trong và đục. Nhìn đến em, để không bao giờ quên những lớp người đi trước, không bao giờ được phép quên câu hát quê hương.
Người nghệ sỹ già khiến tôi ngạc nhiên khi ông làm rất nhiều thơ, và thuộc lòng những bài thơ rất dài của mình. Ông nói, đó là những dòng tâm can, là máu thịt, làm sao ông có thể quên, dù cơn bệnh nhồi máu cơ tim năm ngoái đã từng quật ông đến sát miệng hố tử thần. Những bài thơ, ông dành tặng nhiều cho vợ. Người vợ đã “64 năm rồi, em về sống cùng anh. Còn nhớ ngày đầu tiên, trong căn nhà lá, đêm ngủ không chăn, không màn. Đến ngày thứ 3, em hỏi anh: “Cái quần anh mặc bữa cưới đâu rồi?”. Anh phải thú thật với em: Cái quần kaki Nam Định là anh mượn thằng cháu để làm lễ cưới với em…”. Mọi vất vả, đói khổ từng qua, ông nói: Lúc khổ có mặt nhau, lúc nhàn nhã, sung sướng thì quờ tay chẳng thấy bà đâu nữa. Tình yêu của ông và người vợ giờ đã đi xa của ông khiến bất cứ ai nghe đều cảm động. Ông viết cho bà: “Dù đi cuối đất cùng trời/ Dễ nào quên được con người tôi yêu/Bà ơi nắng sớm mưa chiều/ Bà đi, đi mãi bấy nhiêu những ngày/ Tôi ngồi bấm đốt ngón tay/ Còn hôm nay nữa là ngày 100/ …”. Ông tự hào với “người vợ quê” của ông, người con gái cùng làng Vĩnh Đức, xã Liên Sơn (giờ là Thị trấn Đô Lương) mà ông đã yêu những năm tuổi trẻ và thủy chung, trân trọng nhau đến hết một đời. Cưới nhau năm 1954, khi ấy ông vừa 21 tuổi, chuẩn bị đi học ở Trung Quốc, đến tận năm 1972, nghĩa là 18 năm sau khi cưới, hai người mới có con và đó cũng là con trai duy nhất của họ. Chắc hẳn rằng đã có những buồn đau, dằn vặt, nhưng trên hết vẫn là tình yêu không hề vơi cạn họ dành cho nhau. Đinh Viết Cự nói, ông cảm ơn cuộc đời, không chỉ đem đến một người vợ để ông yêu một đời, mà còn bù đắp cho ông người con trai, và cô con dâu hết mực hiếu thảo.
Làm nhiều thơ, và có rất nhiều bài khiến người khác rơi nước mắt, thế mà điều khiến ông day dứt là chưa làm được bài thơ nào về mẹ. Người mẹ đã một mình tần tảo nuôi ba đứa con ăn học, mà là học chữ Tây, trong điều kiện chồng mất sớm. “Mẹ tôi gánh gạo nuôi con, lặn lội khắp các chợ xa, đi tận chợ Dinh, chợ Gám, chợ Bộng, chợ Vẹo với đôi dép mo cau dưới chân mình”- ông nhớ lại và như tự nói với mình: “Hình như trước những gì quá to lớn, bao la, người ta không thể cất nổi nên lời…”
Đinh Viết Cự không là đảng viên. Ông nói, không là đảng viên nhưng ông một lòng tin Đảng. Với ông, người làm nghệ thuật, không chỉ biết “diễn” mà phải biết nhiều loại hình: thơ ca, âm nhạc, hội họa…, phải gần dân, gần gũi với đời sống nhân dân, phải có lòng tin, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ lòng mình không lay chuyển và điều quan trọng nữa là phải giữ một tấm lòng…
Đúng vậy, Đinh Viết Cự đã cho tôi thấy bằng chính đời sống của mình, rằng bao thăng trầm dâu bể kiếp người, cái còn lại cuối cùng chính là tấm lòng. Chính vì vậy, ông luôn tự cảm thấy vui, thanh thản vì thấy mình đã sống một cuộc đời đẹp. Còn tôi, tôi cứ hình dung về một ngọn núi khi đứng trước ông. Nhìn xa, cứ ngỡ rằng núi cũng nhỏ thôi, nhưng càng lại gần lại càng thấy núi cao lớn. Ông, chính là ngọn núi đã trầm mặc tỏa xuống cuộc đời, bằng cái tài, cái tâm của mình, âm thầm gây dựng những tin, yêu…
Thùy Vinh