(Baonghean) - Từ tháng 9 (dương lịch) đến tháng 3 năm sau là mùa sinh sản của cua biển. Thời gian này cua di chuyển vào cửa Lạch Vạn, rồi vào sâu trong rừng ngập mặn cư trú, sinh sôi... Đây chính là thời điểm người dân xã Diễn Vạn (Diễn Châu) vào mùa "săn" cua để bán cua thịt hoặc con giống cho những hộ nuôi cua thương phẩm.
Rộ mùa “săn" cua biển...
Trời vừa hửng sáng, cũng là lúc vợ chồng anh Nguyễn Thành (ở xóm Trung Phú- xã Diễn Vạn - Diễn Châu) chèo thuyền đi thu gom “chiến lợi phẩm” từ đăng, đụt đặt ở cửa Lạch Vạn từ tối hôm trước. Tuy có ngày may - rủi, nhưng để kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/2 lao động/ngày là điều dễ dàng; gặp những tháng biển động, cua thi nhau bò vào rừng ngập mặn, có khi kiếm được cả triệu đồng trong ngày... Với những thao tác thuần thục, anh Thành từ từ kéo đụt (hay còn gọi là lò bát quái) bằng lưới có khung sắt dài khoảng 6 -7 mét, bắt được 4 con cua nhỏ chưa bằng ngón tay cái. Anh Thành cho hay: "Bất kể cua lớn hay nhỏ đều được chủ đầm mua hết, cua bằng 2 ngón tay cái trở lên giá 7.000- 10.000 đồng/con, nhỏ hơn một chút 2.000- 4.000 đồng/con. Bình quân 1 ngày 2 vợ chồng tôi bắt được khoảng 50- 60 con cua nhỏ, thời gian đánh bắt trong vòng khoảng 6 tháng, tính ra cũng có thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học".
Cũng tham gia nghề “săn” cua biển đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Nhiệm (xóm Xuân Bắc) cho biết, đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt cua. Việc “săn” cua nhìn thế nhưng không đơn giản chút nào. Địa điểm bắt cua ở những bãi đất ít bùn, nền cứng, đôi khi hang cua nằm sâu trong từng gốc cây. Với những thao tác thuần thục, vừa dùng tay vừa lấy cuốc đào, rồi dùng móc câu "dụ" cua, phải mất hơn 10 phút, anh Nhiệm mới tóm được con cua chừng 3 lạng. Nói là móc câu, nhưng thực ra đây là thanh sắt nhỏ dài gần 1m, hai đầu được uốn cong thành cái móc, khi đưa vào hang, cua sẽ dương càng kẹp móc, lúc đó người bắt mới nhẹ nhàng kéo ra. "Hang cua sâu lắm, có khi đưa hết cánh tay cũng không với tới được chúng. Lúc này, chỉ còn cách duy nhất là dùng móc câu sắt kéo cua ra. Thú thật bao nhiêu năm theo nghề, nhưng để phân biệt được hang có cua hay không cũng không dễ, vì chỉ cần nước rút là chúng chui lên kiếm thức ăn rồi lặn mất tăm, có khi soi hang cả buổi mà bên trong không có con nào" - anh Nhiệm chia sẻ.
Từ lâu, người dân xóm Trung Phú và Trung Hậu vẫn duy trì một nghề tuy không giàu có nhưng cũng giúp họ ổn định cuộc sống, ấy là nghề khai thác tôm, cá, cua… ở cửa lạch và trong rừng ngập mặn. Riêng nghề "săn” cua biển manh nha từ những năm 1995. Đến năm 2000, khi người dân thực hiện mô hình nuôi tôm xen cua kết hợp, nhu cầu cua giống tăng mạnh, nên lúc cao điểm toàn xã có đến gần 40 hộ tham gia nghề bắt cua. Theo ông Hoàng Đô (ở xóm Trung Hậu) - người có thâm niên hơn 15 năm trong nghề: “Ngoài việc dùng lưới bát quái, đặt đăng, đáy ngăn qua dòng chảy Lạch Vạn, muốn bắt cua trong rừng ngập mặn, nhất là cua thịt, con người phải có kinh nghiệm mới cho hiệu quả cao. Khi cây sú vẹt cắm xuống đất mềm, rễ phát triển mạnh tạo nên những ngóc ngách, là nơi cua biển thích cư trú. Và lúc thủy triều lấp xấp, cua biển đi ăn sẽ để lại vết chân mỏng như kẻ chỉ phía ngoài cửa hang.
Người bắt cua chuyên nghiệp chỉ cần nhìn qua vết chân bò phía ngoài là biết trong hang có cua hay không. Khi phát hiện vết chân mới, người bắt dùng móc sắt hình lưỡi câu đưa chầm chậm vào hang. Vì đáy hang thường có nước, tay cầm móc phải thật nhạy cảm để biết tình trạng của hang cua. Nếu gặp cua thì xoay móc, lựa chiều để cả con cua nằm trọn ở chỗ cong của móc câu, rồi nhẹ tay kéo ra tới cửa hang, dùng tay ấn mạnh chiếc móc xuống đất để cua khỏi chạy, cùng lúc dùng ngón cái và ngón giữa của bàn tay trái đưa từ phía sau bóp chặt phần sau cùng của bộ chân cua để cua không kẹp được. Và phải thật khéo léo, nếu không cua gãy càng là bị rớt giá từ hàng loại 1 xuống loại 3, mất cả trăm nghìn đồng".
“Cua biển con theo thủy triều vào rừng ngập mặn sẽ làm hang dưới rễ cây, sau một thời gian sinh sống, cua "tức" gạch nó sẽ bò ra khỏi hang theo dòng nước xuôi ra cửa lạch, lúc ấy dùng lưới bát quái tóm dễ dàng. Trước đây chúng tôi chỉ bắt cua thịt, nay nghề nuôi cua phát triển, các chủ đầm luôn có nhu cầu cao về con giống nên mức thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Cua biển tự nhiên có màu xanh hơi sẫm, phần dưới hai càng có mảng màu đỏ sáng. Cua biển nuôi màu nhạt hơn và thiếu độ bóng, sáng... " - Ông Hoàng Đô cho biết thêm.
Có nhiều cách bắt cua giống, cua thịt, nhưng phổ biến nhất vẫn là dùng lưới bát quái, đăng, đáy; chỉ có người “chuyên nghiệp” mới dùng móc sắt. Lưới bát quái này Trung Quốc mới sản xuất được, gồm nhiều ngăn, buồng, con vật chui vào rồi không thể chui ra được. Ở xóm Trung Hậu, nhiều gia đình mua cái “lò bát quái” này và càng nhìn ngắm nó họ càng thán phục “tài năng” của người Trung Quốc. Trước đây, người dân còn đi câu cua. Cua biển rất háu ăn nhưng cũng rất khôn ngoan, nếu người câu giật cần câu vội vàng, không kiên nhẫn sẽ khó tóm được chúng. Khi cua đã ăn mồi, người câu phải đợi 5-10 phút để chúng "say" mồi, mất đề phòng rồi mới kéo lên nhẹ nhàng. Mồi câu đơn giản, chỉ cần con tôm sú hoặc chú cá tạp nhỏ.... Nhưng nay họ đã chuyển sang “ săn” cua vào ban đêm. Với thế mạnh gần cửa lạch, nghề nuôi cua phát triển, sinh lãi cao, vốn đầu tư ít nên nhiều người dân Diễn Vạn chuyển từ nghề nuôi tôm sang nuôi cua khiến nghề “săn” giống càng có lợi thế. Rừng ngập mặn ngày càng xanh tốt, không chỉ bảo vệ xóm làng mà còn là nơi cá, tôm, cua về sinh sôi nảy nở đem lại nguồn thu cho người dân nơi đây.
Mở hướng nuôi cua bền vững
Diễn Vạn có cửa lạch thông ra biển, đây là lợi thế có thể cung cấp nguồn nước biển dồi dào cho cả vùng nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ rộng 65 ha của xã. Thời gian qua, trước những biến đổi ngày càng phức tạp của khí hậu, thời tiết, môi trường nuôi ô nhiễm cộng với chất lượng tôm giống chưa ổn định, chi phí sản xuất luôn tăng cao đã làm không ít hộ nuôi tôm thua lỗ, không còn khả năng tái đầu tư sản xuất. Đây là lý do để những người nuôi thủy sản Diễn Vạn tìm cho mình một hướng đi mới, đối tượng nuôi mới thay thế một phần diện tích nuôi tôm kém hiệu quả. Cua biển là loài quen thuộc với người nuôi thủy sản và là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế. Đồng thời yêu cầu kỹ thuật nuôi không cầu kỳ, nguồn giống trong tự nhiên dồi dào, mức đầu tư phù hợp… là điều thuận lợi để đối tượng nuôi này ngày càng phát triển.
Là một trong những người đi tiên phong chuyển đổi từ nuôi con tôm sú sang con cua, ông Phan Niêm (xóm Vạn Nam) phấn chấn kể: "Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm sú trên ao đất gần 1ha. Nhưng do gặp mấy đợt dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi, thấy nuôi tôm ngày càng khó "ăn" nên năm 2002 tôi mạnh dạn chuyển hết diện tích tôm sang nuôi cua. Ngay vụ đầu tiên, tuy vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nhưng đã có lãi, và liên tiếp 2 vụ sau đều thắng đậm, thu về hơn 50 triệu đồng/vụ. Cái lợi của nuôi cua là thu tỉa quanh năm nên người nuôi luôn có tiền tươi. Giờ không riêng gì tôi mà nhiều người dân trong xã đã "mê" con cua hơn con tôm, vì cua dễ nuôi lại "ăn chắc". Nguồn thức ăn luôn dồi dào là cá tạp và con dắt được đánh bắt từ ngoài biển về, đầu ra không phải lo nghĩ, nhất là vào mùa du lịch hay các ngày lễ không đủ hàng nhập cho tư thương".
Theo ông Phan Niêm, để đạt được hiệu quả kinh tế, người nuôi phải chú trọng khâu chọn và thả giống, vì thành hay bại quyết định nhiều ở khâu này. Nên thả cua giống khoảng thời gian tháng 3 - 4 (dương lịch), vì lúc này nguồn giống tự nhiên nhiều, điều kiện môi trường nước thuận lợi. Phải chọn con giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng; tùy theo kích cỡ cua giống mà định ra mật độ thả phù hợp (tốt nhất là cỡ cua giống thả phải ≥2cm/con, thả 1 con/m2). Trước khi xuống giống, phải khống chế được mức nước trong ao từ 1,2 -1,3 mét, độ pH từ 7 - 8,5 và độ mặn từ 20-25 phần ngàn. Ở tháng đầu mới xuống giống chưa cần thay nước, sang tháng thứ 2 thay theo biên độ lên xuống thủy triều, và từ tháng thứ 3 trở đi khoảng 10 ngày thay nước 1 lần để đảm bảo môi trường nước luôn sạch, nhằm tạo điều kiện cho cua hoạt động và lột xác tốt. " Nuôi cua tuy ít rủi ro hơn nuôi tôm nhưng tỷ lệ hao hụt luôn cao, mất khoảng trên 40%. Trong quá trình nuôi, cua cũng thường nhiễm bệnh nấm và vi rút. Khi gặp bệnh nấm trong mang cua sẽ bị thâm đen, mắc bệnh vi rút cua bị rụng hết chân, càng… Hiện vẫn chưa tìm được thuốc phòng, trị bệnh, nhưng hai bệnh này nếu xuất hiện trong một đầm sẽ không lây lan nhanh, không gây chết hàng loạt như các bệnh khác ở con tôm nên không làm người nuôi trắng tay "- ông Phan Niêm cho biết thêm.
Anh Trần Minh Tuấn - Trưởng ban Nông nghiệp xã Diễn Vạn cho biết: Trước năm 2000, người dân nơi đây đã quen với cách thả cua xen tôm, nuôi quảng canh kết hợp với hình thức thu tỉa, thả bù. Tuy hiệu quả chưa cao nhưng con cua đã "cứu thua" cho người nuôi tôm. Việc đầu tư nuôi cua thâm canh là cách làm mới và phát triển mạnh khoảng 6 năm trở lại đây. Với mục tiêu tìm ra đối tượng thủy sản nuôi hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm cơ sở mở rộng nuôi các loại giống thủy sản, năm 2012, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Diễn Châu thực hiện xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm tại hộ ông Trần Lộc- xóm Xuân Bắc, với quy mô diện tích mặt nước 0,5 ha, thả 5.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 40 con/kg. Sau hơn 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 60%, cho tổng sản lượng cua thương phẩm đạt 750 kg; với giá bán tại đầm 320.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Lộc thu về khoảng 170 triệu đồng. Như vậy, với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật về quy trình chăm sóc, sử dụng chế phẩm sinh học vào mô hình nuôi cua đã cho năng suất và lợi nhuận cao hơn hẳn so với nuôi cua truyền thống. Mô hình có khả năng nhân rộng, với quy mô lớn.
Hiện, toàn xã Diễn Vạn có 67 hộ nuôi cua, tập trung chủ yếu ở xóm Trung Hậu và Trung Phú với diện tích hơn 20ha; giá trị sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 tấn/ha, cho nguồn thu gần 10 tỷ đồng. Cua biển là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế và được thị trường ưa chuộng bởi chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, nuôi cua biển thương phẩm là cơ sở giúp người nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu con giống nuôi, cũng như phương thức nuôi thả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm, phát triển đa dạng giống nuôi, tạo sản phẩm mới nhằm phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng cao.
Bài, ảnh: Ngọc Anh