(Baonghean) - Lơ lửng như "người nhện" trên những tòa nhà cao tầng, đu người trong không trung như cascadeur (diễn viên thế thân), đó là những người thợ kiếm sống bằng nghề lăn sơn, lau kính, lắp biển quảng cáo... Trong khi tính mạng chỉ được níu giữ bằng những sợi dây thừng...
Một lần đi trên đường Quang Trung (TP Vinh) tôi bất ngờ khi nhìn thấy những con người treo mình lơ lửng trên cao để bóc lớp giấy màu dán trên những tấm kính, chuẩn bị khai trương tòa cao ốc. Gặp những chỗ ngoài tầm với, những người thợ lại nhẹ nhàng nhún chân, cả người và dây đung đưa qua lại như con nhện giăng tơ.
Đang ngẩng đầu nhìn lên quan sát những "người nhện” này làm việc thì một anh bảo vệ tòa nhà tiến lại gần cười nói: - “nếu yếu bóng vía thì đừng có nhìn"... "Người nhện" ở đây là những người thợ làm vệ sinh mặt ngoài các tòa nhà cao tầng, như lau kính, sơn sửa, làm mới phía ngoài cao ốc. Buổi sáng, khi các tòa nhà bắt đầu mở cửa, những nhóm thợ cùng đồ nghề là dây thừng, xô chậu, khăn lau, chổi lăn… xuất hiện.
Để tiếp cận được nơi làm việc cao ngất, cheo leo, công cụ hỗ trợ của họ chỉ đơn giản là hàng ngàn mét dây thừng cùng với sự trợ giúp nâng lên, hạ xuống của các đồng nghiệp. Công việc đầy rủi ro, nguy hiểm, sơ sểnh một chút cũng có thể mất mạng, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những "người nhện" vẫn chấp nhận liều mình.
Không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và áp lực làm việc, những người thợ ấy phải có thần kinh thép để có thể duy trì được công việc treo mình lơ lửng ở độ cao cả trăm mét. Để tìm hiểu rõ hơn về công việc không kém phần nguy hiểm này, chúng tôi đã kiên trì đợi cho tới lúc đội thợ sơn đang làm việc tại tòa nhà Sara (trên Đại Lộ Lê Nin- TP Vinh) hết ca lao động của mình.
Vừa đáp xuống đất, vẻ mệt nhọc hiện rõ trên nét mặt anh Bùi Văn Ba quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa)- một "người nhện" có thâm niên gần chục năm trong nghề. Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Ba cho biết: Hôm nay làm việc ở tầng thứ 10 nên chỉ còn 4 người tham gia, có 2 người trong nhóm xin rút lui bởi không chịu được áp lực của độ cao. Mùa này gió Nam, trên cao gió rất lớn. Nếu ngồi dưới đất thấy gió nhẹ cấp 2, cấp 3 thì trên đó phải tương đương cấp 5, cấp 6 bởi không có điểm tựa nên sự rung lắc rất mạnh. Khi vươn người để lăn sơn sức nặng cơ thể có thể biến bản thân mình thành con lắc điều hòa. Mỗi lần như thế, thứ duy nhất mà chúng tôi có thể bám víu vào để cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng chính là… niềm tin. Công việc cũng đơn giản nhưng lại đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt, với khoản thu nhập từ 250.000- 300.000 đồng/người/ngày, tuy không dư giả ở thành phố nhưng được coi là khá giả ở quê".
Anh Trần Văn Thuận (quê ở Diễn Châu), một đồng nghiệp của anh Ba cũng vui vẻ góp chuyện: “Nhiều thợ mới vào nghề, làm ở độ cao lớn không quen, vừa cúi nhìn xuống dưới chân lập tức ruột gan nhộn nhạo, nôn hết sạch. Như cánh thợ sơn chúng tôi thường tì chân vào tường cho vững để chống dây thừng đung đưa và ít phải di chuyển thì những người lau kính, họ không thể tì chân vào kính vì sợ vỡ kính, họ lại phải di chuyển rất nhiều qua hết tấm kính này đến tấm kính khác nên rất dễ bị mất thăng bằng. Chính vì vậy, đồ bảo hiểm của họ bao giờ cũng "xịn" hơn. Ở những công trình quá cao, việc leo lên, leo xuống rất mất thời gian nên chúng tôi thường làm cho xong việc rồi mới nghỉ ngơi. Lâu rồi thành thói quen, rất ít khi chúng tôi được ăn, nghỉ đúng giờ”...
Anh Trần Đức Xuân ( 38 tuổi, quê ở Nghi Lộc) đang sơn tường tại tòa nhà Sara
trên Đại lộ Lê Nin - TP Vinh
Vừa xong một ngày đu đưa giữa trời, trong cái nắng nóng vàng mắt ở tòa nhà 8 tầng tại Đại lộ Lê Nin, anh Trần Đức Xuân (38 tuổi, quê ở Nghi Lộc) người ướt nhẹp mồ hôi cho biết: Hồi mới chân ướt chân ráo đi làm, ở độ cao 100m tôi chỉ chịu được 1 - 2 tiếng bởi vừa bị choáng, vừa bị lạnh. Lâu dần cũng quen, giờ có thể ngồi chót vót trên cao cả ngày. Công việc này khó nhất là khi ra dây, ngồi lên tấm ván nhỏ cùng dụng cụ rồi được kéo lên cao. Ngoài dây gắn vào tấm ván, còn phải có dây đai riêng buộc vào người để phòng tai nạn. Tôi làm nghề này được 3 năm, tòa nhà cao nhất từng "chinh phục" hơn 30 tầng. Lúc đầu cũng sợ lắm, khi leo vào tấm ván chân cứ run run, thả người từ từ vào khoảng không, nghe gió ù ù thổi ngang tai, nhìn xuống đất vừa hoa mắt nhức đầu. Để trụ với nghề này thì phải có sức khỏe, không bị các bệnh về tim mạch, có thần kinh thép, không sợ độ cao, cần sự dẻo dai".
Mặc dù cả anh Ba và anh Xuân đều khẳng định, các anh chưa từng gặp tai nạn nghề nghiệp nhưng không bao giờ họ có thể an tâm khi còn treo mình ở độ cao như thế. Trong từng giây, từng phút vừa phải làm việc, vừa phải cảnh giác với tất cả các tình huống có thể xảy ra. Và chỉ đến khi chân chạm đất sau một ngày làm việc mới biết chắc mình vẫn an toàn. Hỏi chuyện trong đội đã có người nào gặp tai nạn nghề nghiệp chưa? anh Bùi Văn Ba bảo: “Cũng nghe anh em trong nghề thường xuyên kể chuyện đội thợ ở chỗ nọ, chỗ kia có người mất mạng, nhẹ cũng gãy tay, gãy chân vì dây thừng đứt, lộn nhào khỏi ghế vì hoa mắt, nhưng ở đội tôi thì chưa xảy ra chuyện đó. Thú thật nghe cũng lạnh sống lưng, nhưng vì cuộc sống vẫn phải làm thôi".
Tốc độ đô thị hóa chóng mặt tại thành phố với cao ốc, khách sạn, toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại mọc lên như nấm sau mưa kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ dọn dẹp vệ sinh, bảo dưỡng các công trình ngày một gia tăng. Nghề "Ôsin công nghiệp" cũng phát triển từ đó.
Anh Nguyễn Hồng Đăng - Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Bắc Trung Nam cho biết: Ngành vệ sinh công nghiệp nói chung và quét sơn, lau kính tòa nhà nói riêng được thịnh hành khoảng dăm năm trở lại đây do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tòa nhà, cao ốc mọc lên. Tại TP Vinh hiện có khoảng 10 DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực này, chưa kể các nhóm thợ làm việc riêng lẻ. Mặc dù nghề có thu nhập tương đối khá đối với lao động phổ thông, nhưng để tuyển thợ cho nghề này không phải dễ, vì phải chọn người có sức khỏe và gan dạ. Có rất nhiều người sau khi tuyển vào làm được vài hôm đã bỏ vì sợ nguy hiểm. Cũng có nhiều người khỏe mạnh, can đảm, nhưng khi leo lên những tòa nhà cao tầng lại sợ độ cao, chóng mặt, buồn nôn. Thấy thợ có biểu hiện như thế, người quản lý phải lập tức đưa xuống và cho tạm dừng công việc ngay.
Nguy hiểm thế, nhưng không phải công ty nào khi sử dụng lao động cũng chú trọng đầu tư tốt bảo hộ cho công nhân, đặc biệt là thang treo cho thợ, chỉ độc một chiếc đai an toàn thắt ngang bụng, cộng với chiếc giá hàn bằng mấy thanh sắt phi 6 hoặc một tấm ván... Lao động phổ thông trình độ học vấn thấp, nhưng khâu đào tạo tập huấn thường sơ sài qua loa, dẫn đến ý thức người lao động còn kém, như cười đùa trong khi làm việc, vừa làm vừa hút thuốc, mất tập trung trong lúc làm việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm tại các tòa nhà cao tầng.
Bên cạnh đó lao động phổ thông cũng chỉ mang tính thời vụ, khi tuyển dụng cũng chỉ thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng nào ràng buộc giữa chủ sử dụng và người lao động, vì thế gần như người lao động không mấy ai biết đến bảo hiểm hay là các khoản phụ cấp độc hại, thêm giờ...