TS. Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, có chiều dài 5 km nằm trên tuyến đường 15A hay còn gọi là đường 30. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, là đầu mối giao thông để chi viện cho chiến trường miền Nam. Phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu của tuyến vận tải Bắc – Nam, bởi vì tại thời điểm đó phà qua sông Lam đã bị máy bay địch chia cắt, cầu Cấm bị đánh sập, tuyến đường vận tải huyết mạch để đưa bộ đội, vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm vào chi viện cho chiến trường miền Nam bị ách tắc, chỉ còn duy nhất tuyến đường 15A thông suốt.
Vì vậy, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá tuyến đường này nhằm ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Không lực Hoa Kỳ đã ném bom có tính chất hủy diệt cả khu vực Truông Bồn, ngày cao điểm chúng đánh phá lên tới 131 lần. Suốt ngày đêm không lúc nào Truông Bồn ngớt tiếng bom đạn. Trong tổng số gần 19.000 quả bom các loại, tên lửa và rốc két kẻ thù trút xuống khu vực này thì phần lớn chúng ném vào trọng điểm Truông Bồn, biến nơi đây thành một bãi trắng hoang tàn, hàng ngàn héc ta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc tuyến đường 15A bị tàn phá. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành giao thông hy sinh, trong đó có 372 chiến sỹ TNXP; xã Mỹ Sơn và xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương hơn 100 người chết và bị thương.
Không nao núng trước bom đạn của kẻ thù, các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong, công nhân trong sự đùm bọc che chở của nhân dân đã kiên cường bám trụ và chiến đấu, giữ vững tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường. Trong lửa đạn, tại Truông Bồn, rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh oanh liệt để làm nên huyền thoại Truông Bồn. Các chiến sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn đã mặc trên mình những bộ quần áo trắng làm cọc tiêu, thức trắng suốt đêm để cho các chuyến xe qua. Mỗi trận bom thù vừa trút xuống, các chiến sỹ lại xông lên san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt. Tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 - N65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước vào hồi 4 giờ sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, trước khi Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc. Các anh chị đã ngã xuống trước bình minh.
Sự hy sinh của các anh chị đã góp phần đem lại ánh sáng của Độc Lập – Tự Do, cho sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt và vinh quang của dân tộc. Tập thể các liệt sỹ TNXP Truông Bồn đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương yêu nước, dũng cảm, kiên cường và hy sinh của các anh các chị đã, đang và mãi mãi là bài học làm người sinh động nhất, sâu sắc nhất đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Truông Bồn đã trở thành một địa danh nổi tiếng trong cả nước bởi lịch sử hào hùng của nó được viết bằng xương máu của các anh hùng liệt sỹ, của rất nhiều đồng bào, chiến sỹ. Truông Bồn là chứng tích lịch sử đối lập của cái Ác và cái Thiện, cái Bạo tàn và cái Nhân nghĩa, của chính nghĩa và phi nghĩa. Truông Bồn là một cõi thiêng thức tỉnh tinh thần yêu nước, tình đồng bào, đồng chí. Truông Bồn còn là một tượng đài Văn hóa được xây đắp, kết tinh bởi lòng yêu nước, sự tri ân sâu sắc và những giá trị nhân văn sâu thẳm nhất của người dân xứ Nghệ và cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nhà tưởng niệm tại khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Hữu Nghĩa
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An được sự hỗ trợ của Trung ương và các cơ quan, đồng bào, đồng chí trong cả nước, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Trung ương đoàn, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tiền phong… đã tiến hành tôn tạo Truông Bồn trở thành Di tích Lịch sử - Văn hóa trên cơ sở tôn trọng lịch sử, tái tạo lại không gian của chiến địa năm xưa và xây dựng các công trình tưởng niệm về cuộc chiến, về đồng bào, đồng chí đã hy sinh trên mảnh đất này.
Đến thời điểm này, tổng giá trị ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trên cả nước đạt trên 110 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tổng thể khu di tích sẽ có 3 khu vực chính: khu vực Tượng đài Chiến thắng, khu vực Trung tâm và khu vực bảo tồn, tôn tạo nhà dân xóm 9 với mục đích tái hiện lại sinh hoạt, đời sống của nhân dân thời điểm đó. Đặc biệt, khu tưởng niệm gồm: nhà tưởng niệm, nhà tả vu, hữu vu và cảnh quan sân vườn do Ngân hàng Công thương Việt Nam ủng hộ với giá trị 22,9 tỷ đồng sẽ khánh thành đúng vào ngày 14/7 sắp tới. Một số công trình khác: tượng đài, nhà đón tiếp, hồ điều hòa cũng đang được gấp rút thi công từ nguồn vốn xã hội hóa.
Ý nghĩa văn hóa và tính thiêng của mỗi di tích, mỗi công trình tưởng niệm không phải có được từ sắt đá mà là kết tinh từ lịch sử và các giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, đó là sự hy sinh xương máu của hàng vạn chiến sỹ cho sự trường tồn của dân tộc hôm nay. Sự tỏa sáng của Truông Bồn hôm nay và ngày mai là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một dân tộc anh hùng chiến đấu vì chính nghĩa.
Cái thiêng của Truông Bồn là từ sự giác ngộ về lẽ sống và sự hy sinh vì nước, vì dân của đồng bào, đồng chí Truông Bồn năm xưa chứ không phải có từ chiều cao, chiều rộng, kích thước các công trình. Vì lẽ đó mà Truông Bồn đã trở thành một cõi thiêng đặc biệt. Và trong tương lai, trách nhiệm của chúng ta là làm tỏa sáng các giá trị lịch sử - văn hóa, bồi đắp các giá trị nghệ thuật để Truông Bồn sẽ thăng hoa, trở thành một không gian văn hóa vừa thiêng liêng vừa gần gũi với nhân gian, hướng mọi người đến lý tưởng, lẽ sống cao cả, tốt đẹp và thiện nghĩa.
Tri ân các anh hùng, chiến sỹ, liệt sỹ Truông Bồn, trước hết chúng ta phải thực hiện thật tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các anh, các chị và gia đình; phải dành nhiều sự quan tâm chân thành nhất, chăm lo cuộc sống và thực hiện tốt nhất chính sách đối với gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ. Và sau đó là tôn vinh công lao, sự hy sinh đóng góp to lớn của các anh chị, phát huy tinh thần và những phẩm chất tốt đẹp, cao cả của các anh các chị vào cuộc sống hôm nay của đồng bào, đồng chí tỉnh nhà. Hàng ngày, các đoàn khách trong và ngoài tỉnh hành hương về khu di tích, trong đó có những đoàn học sinh, sinh viên…, điều này cho thấy nơi đây đã thực sự là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ mai sau.
Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng các giá trị lịch sử - văn hóa mà đồng chí, đồng bào đã dựng đắp nên ở Truông Bồn sẽ là di tích mãi mãi trường tồn, tỏa sáng. Truông Bồn sẽ là một cõi thiêng, một không gian văn hóa đặc biệt tiêu biểu của Nghệ An. Và, Cõi Thiêng Truông Bồn sẽ cuốn hút mọi người về với nơi đây để được hiểu thêm về sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh, về tình yêu nước, về tình người, tình đồng đội, để sống tốt hơn, có ích hơn với Dân, với Nước, phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường và giàu mạnh.